KẺ CHỦ MƯU VẪN LÀ …“NHÂN TỐ BÍ ẤN” (?!)
Mở đầu bản kiến nghị, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND tối cao tóm tắt lại những điểm cốt yếu của bản án sơ thẩm số 454/2015 HS-ST ngày 31-12-2015 của TAND TP.HCM.
Theo đó, lợi dụng chính sách của Nhà nước Việt Nam (VN), bị cáo Nguyễn Quang Vinh cùng các đồng phạm Trần Phước Thạnh, Trần Thái Nguyên và Nguyễn Giang Lam đã thỏa thuận mua tiêu chuẩn nhập khẩu của Việt kiều hồi hương, làm giả thủ tục, hồ sơ để hợp thức hóa 54 ô tô rồi đưa đi tiêu thụ. Với hành vi trên, tòa tuyên phạt 4 bị cáo 53 năm tù về tội “buôn lậu”.
Các bị cáo khai tạo tòa chỉ là “cò” dịch vụ, còn chủ mưu là các chủ salon ô tô
Ông Đinh Văn Quế đặt thẳng vấn đề, vụ án này chỉ mới xử lý phần “ngọn”. Đã xác định đây là vụ án buôn lậu “buôn lậu” ô tô có tổ chức, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh cho được kẻ chủ mưu, cầm đầu, đã bỏ tiền ra mua xe từ nước ngoài rồi đưa về VN tiêu thụ.
Ngoài ra, cũng phải làm rõ: Đối tượng đặt và mua ô tô ở hãng nào cũng như giá tiền mỗi xe? Đường đi của những chiếc xe này từ nước ngoài qua cửa khẩu hải quan như thế nào? Số tiền thuế nhập khẩu đã trốn là bao nhiêu? Khi vào VN, thì ai đã hợp thức hóa xe lậu rồi đem đi tiêu thụ?...
Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, cả 3 bị cáo Vinh -Thạnh -Nguyên chỉ thừa nhận làm “cò” dịch vụ và được hưởng hoa hồng. Vậy các bị cáo làm dịch vụ cho ai và ai đã thuê các bị cáo này? Trong khi đó Vinh và Thạnh khai rất rõ và cụ thể ai là người đã chỉ đạo các bị cáo thực hiện là các chủ salon ô tô nhưng đại diện Viện kiểm sát (VKS) lại đưa ra quan điểm “chứng cứ đến đâu xử đến đó”. Nếu nói như vậy, tức là VKS thừa nhận vụ án này còn lọt người, lọt tội, mà người phạm tội bị bỏ lọt lại chính là kẻ chủ mưu, tổ chức việc buôn lậu.
Lẽ ra phải trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung thì Hội đồng xét xử (HĐXX) lại tuyên án rồi lại kiến nghị “tiếp tục điều tra” các chủ doanh nghiệp salon ô tô. Việc tách vụ án ra để tiếp tục điều tra là vi phạm tố tụng. Chưa hết, ai bảo đảm rằng vụ án sẽ tiếp tục được điều tra để đưa ra tòa xét xử đối với kẻ chủ mưu?
Ông Quế lên tiếng: “Một vụ án nhập lậu tới 54 siêu xe án mà chỉ đưa ra xét xử 4 bị cáo với vai trò “giúp sức”, trong khi đối tượng cầm đầu, tổ chức đường dây buôn lậu vẫn là “nhân tố bí ẩn” thì sao dư luận đồng tình?”
Theo ông Quế, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ cũng như kết quả xét xử thì chỉ có thể kết luận các bị cáo đã “mua tiêu chuẩn” của Việt kiều được mang xe về VN chứ “không mua ô tô” của các Việt kiều.
Điều này thể hiện rất rõ và đã được chứng minh là các Việt kiều được các bị cáo trả một khoản tiền, mà khi Cơ quan điều tra yêu cầu họ đã nộp lại. Nếu không phải là “bán tiêu chuẩn” thì sao họ lại được nhận khoản tiền trên? “Phải tìm được đối tượng chủ mưu cầm đầu thì mới xác định đây có phải là vụ án án buôn lậu hay không”, ông Quế khẳng định.
XÉT XỬ LẬP LỜ, ÁN TUYÊN “LƠ MƠ” (!)
Ngoài kẻ chủ mưu là “nhân tố bí ẩn”, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND tối cao còn chỉ ra nhiều điểm bất thường, thậm chí “nhập nhèm” của bản án sơ thẩm.
Dễ nhận thấy nhất là danh sách 117 người (đa số là Việt kiều), trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, cũng như trong bản án đều gộp chung “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” và “người làm chứng” thành một.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, tư cách của “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” và “người làm chứng” (NLC) khác hoàn toàn khác nhau. Cụ thể: NLC mà từ chối khai báo hoặc khai báo gian dối thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; NLC nếu vắng mặt theo giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải đến tòa; NLC không có quyền kháng cáo.
Trong khi đó, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì không bị áp giải và có quyền kháng cáo. Thế nhưng, HĐXX lại “nhập nhèm”, gộp chung “2 trong 1” là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, xâm phạm đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng.
Một cơ quan khác có liên quan đến vụ án là Cục Hải quan TP.HCM nhưng tòa không mời tham gia tố tụng để làm rõ số tiền thuế cho 54 chiếc ô tô (gần 219 tỷ đồng) cũng là vi phạm.
Điều kỳ lạ nhất trong vụ án này theo ông Quế chính là việc VKS và tòa cùng quan điểm “tha” cho 38 xe lậu. Trong số 54 siêu xe lậu, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM rất khó khăn, vất vả, nhiều công sức mới truy tìm và kê biên được 38 xe. Vậy mà HĐXX lại chấp nhận đề nghị của VKS, hủy bỏ lệnh kê biên, giao 38 xe cho các chủ sở hữu tiếp tục quản lý. Lý do: số xe trên chủ sở hữu mua bán “ngay tình”, đăng ký đúng quy định pháp luật và không biết đây là xe nhập lậu.
Ông Quế lên tiếng, việc không tịch thu 38 xe mà tòa xác định là “tang vật buôn lậu” là trái quy định của pháp luật, vi phạm nghiêm trọng tố tụng, gây sự hoài nghi cho dư luận. Xác định là vụ án buôn lậu, hay tiêu thụ tài sản do người khác buôn lậu mà có, thì việc thu hồi vật chứng (xe lậu) là bắt buộc. Rõ ràng, nếu phá được vụ án buôn lậu mà không thu hồi được vật chứng, nhất là siêu xe lậu thì cũng coi như bằng không (!).
Còn nhớ, những vụ án “Tân Trường Sanh - Anh Lâm - Mỹ Phượng” mà Bộ Công an đã phá từ những năm 90 của thế kỷ trước ở TP.HCM gây chấn động dư luận, tất cả ô tô lậu đều bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước. Nhiều vụ án buôn lậu ở các địa phương khác, tòa cũng tuyên tương tự, chưa có vụ nào trả xe lậu cho chủ sở hữu vì “ngay tình”.
Với tinh thần cải cách tư pháp mà Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã ghi nhận, ông Quế kiến nghị lãnh đạo VKS và tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn diện vụ án nhằm tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.