Vụ “chai Number One có ruồi”: Tuyên y án sơ thẩm 7 năm tù với Võ Văn Minh

Thứ Sáu, 09/09/2016 00:32  | CAO

|

(CAO) Vào lúc 17h chiều 8-9, Toà tuyên án các luật sư không chỉ ra được điều khoản cụ thể, vi phạm nếu có, không làm thay đổi nội dung vụ án. Bản án sơ thẩm là đúng người đúng tội. Tại phiên tòa, bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan, không kháng cáo yêu cầu giảm nhẹ hình phạt, vì thế HĐXX quyết định không giảm hình phạt cho bị cáo, giữ nguyên ở mức 7 năm tù. 

Phiên tòa phúc thẩm xét xử Võ Văn Minh cưỡng đoạt 500 triệu đồng của công ty Tân Hiệp Phát trong vụ “chai Number One có ruồi” tại TAND cấp cao ở TP.HCM đã trở thành tâm điểm quan tâm của dư luận cả nước vào hôm nay 8-9.

Trước đó, bị cáo Minh bị TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.

Trong phiên tòa hôm 8-9, chủ tọa phiên tòa là bà Huỳnh Thanh Duyên. 5 luật sư đã tham gia bào chữa cho bị cáo Minh gồm các luật sư Phạm Công Hùng, Nguyễn Tấn Thi,Nguyễn Kiều Hưng, Lê Nguyễn Lê Vi và Đỗ Hiền Nhơn. Riêng luật sư Phạm Hoài Nam tham gia bào chữa cho bị cáo Minh tại phiên sơ thẩm đã không đến tham gia phiên tòa phúc thẩm vì bận việc riêng của gia đình.

Phía Tân Hiệp Phát cử ông Phùng Thế Huân đến tham dự để đối chất với luật sư và bị cáo Minh.

Đến phiên tòa lần này, bị cáo Minh kháng cáo kêu oan với quan điểm chính cho rằng công ty Tân Hiệp Phát đã cố tình “gài bẫy" mình khi một mặt đồng ý thương lượng với Minh từ mức tiền bị cáo đề nghị là 1 tỷ đồng để mua sự “im lặng” xuống còn 500 triệu đồng nhưng lại âm thầm báo công an để khi anh nhận tiền từ công ty thì bị các trinh sát bắt giữ.

Tại phiên tòa, bị cáo Minh nhấn mạnh quan điểm của bản thân cho rằng lỗi chính khi chai Number One có ruồi là do quá trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh của công ty Tân Hiệp Phát vì thế khi mua “sự im lặng” của Minh thì đôi bên cùng có lợi (win –win) khi công ty giữ được uy tín còn bị cáo thì có tiền nhờ công phát hiện.

Bị cáo Võ Văn Minh tại phiên tòa hôm 8-9 

Bị cáo Minh cũng giải thích quá trình thương lượng từ mức 1 tỷ đồng đổi “im lặng” hạ xuống còn mức 500 triệu vì Tân Hiệp Phát cho rằng mức giá đầu “quá cao”. Minh cũng nhiều lần khẳng định nếu công ty không đồng ý, bị cáo sẽ đưa vụ việc ra Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đưa lên các chương trình thời sự như “60 giây”.

Theo Bị cáo Minh nêu tại toà Tân Hiệp Phát đã cố tình “gài bẫy” khi họ chủ động thương lượng với bị cáo, tích cực đóng vai trò là “bên mua” trong thỏa thuận, không nói cho Minh biết đó là hành vi vi phạm pháp luật mà âm thầm báo công an.

Trong khi đó, đại diện VKS lại đề nghị hội đồng xét xử bác kháng cáo vì cho rằng hành vi của bị cáo là “cố tình” cưỡng đoạt vì nghĩ đến món tiền được trả cho sự “im lặng”. VKS nhấn mạnh do bị cáo Minh khi viết đơn kháng cáo thì xin “giảm nhẹ hình phạt” nhưng lại thay đổi “kháng cáo giảm nhẹ” thành “kêu oan” tại tòa nên không thể áp dụng Bộ luật Hình sự mới để giảm nhẹ hình phạt mà đề nghị HĐXX y án sơ thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang.

Phản biện lại, luật sư Phạm Công Hùng cho rằng có sự bất cập trong nội dung xét xử khi trong bản án xét xử, công ty Tân Hiệp Phát tố bị cáo Minh “uy hiếp tinh thần” khi nếu công ty không chi tiền sẽ tung vụ việc ra công luận nhưng cáo trạng lại cho rằng hành vi của Minh là “đe dọa”. Đây rõ ràng là hai hành vi khác nhau.

Thêm vào đó, luật sư Hùng  nghi ngờ hành trình tạm giữ tang vật vụ án.Ông nhấn mạnh: Tại biên bản bắt người phạm tội quả tang lập lúc 15 giờ 30 ngày 27-1-2015, ghi nhận "tang vật thu giữ có chai nước Number 1 loại chai nhựa 350ml...". Nhưng tại Biên bản niêm phong đồ vật tạm giữ lúc 16 giờ cùng ngày thì ghi nhận: "cơ quan điều tra thu được vật chứng là chai nước loại chai nhựa 350ml, nắp chai còn nguyên vẹn chưa bị mở"... Và tang vật này được bỏ vào bìa thư dán lại.

Tiếp đến, tại Lệnh nhập kho vật chứng ngày 27-1-2015 của Công an tỉnh Tiền Giang thì lại không giao chai nước ngọt có ruồi nhập vào kho theo quy định. Và ngày 3-2-2015, tang vật bàn giao cho cơ quan giám định chỉ là một gói niêm phong.

"Gói niêm phong đây có thể là bất cứ gói nào trong khi đó biên bản lập đầu tiên thì chai nước được niêm phong bằng một bì thư", luật sư Hùng đặt vấn đề.Trong phiên tòa buổi sáng, đại diện cơ quan giám định cũng không trả lời những câu hỏi liên quan đến tang vật nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Luật sư Hùng nghi ngờ hành trình 6 ngày (từ 27-1-2015 đến ngày 3-2-2015) tạm giữ tang vật của đơn vị tạm giữ tang vật thuộc Công an tỉnh Tiền Giang.

Luật sư Hùng tranh luận tại tòa 

Tiếp đó, luật sư Hùng cho rằng việc xử bên “bán” tức Minh mà không xử bên “mua” sự im lặng là Tân Hiệp Phát là hành vi thiên vị.

Luật sư Hùng cũng trích lời khai của bà Trần Ngọc Bích – Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát cho rằng nhiều lần khuyên Minh bỏ vụ việc nhưng không thành nên bà đồng ý đưa tiền cho Minh.

Điều này, theo luật sư Hùng là trái luật Bảo vệ người tiêu dùng vì luật này cấm nhà sản xuất thỏa thuận với người tố sản phẩm kém chất lượng nếu điều này gây thiệt hại cho người tiêu dùng.Rõ ràng Tân Hiệp Phát biết chai nước có ruồi gây ảnh hưởng đến sức khỏe khách hàng nhưng vẫn muốn dùng tiền để bưng bít thông tin. Từ đầu nếu không muốn thỏa thuận với Minh, đáng ra Tân Hiệp Phát phải báo công an chứ không phải cố tình chấp nhận thương lượng với Minh rồi “gài bẫy”.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng tham gia bào chữa cho Minh cho rằng Minh không ý thức được hành vi của mình là phạm tội khi cho rằng muốn không mất thương hiệu, danh tiếng thì việc công ty đưa tiền là chính đáng vì cái sai ban đầu là lỗi của Tân Hiệp Phát đã “đánh đu”với sức khỏe khách hàng.

Còn luật sư Tấn Thi cho rằng đóng vai trò phân phối (bán) sản phẩm, Võ Văn Minh có quyền sở hữu với sản phẩm của Tân Hiệp Phát đồng thời ông cũng là khách hàng của Tân Hiệp Phát nên có quyền thương lượng với nhà sản xuất. Đối với chủ sở hữu, đó là quyền định đoạt với tài sản của mình thì việc Minh có “cho” hay “bán” lại chai Number 1 là quyền của anh.

Luật sư Tấn Thi cũng bác ý kiến của VKS cho rằng hành động yêu cầu đưa tiền để mua “im lặng” của Minh là “vô đạo đức” vì nếu giao dịch thành công, sức khỏe của hàng triệu người tiêu dùng sẽ bị sản phẩm Tân Hiệp Phát đầu độc. Nhưng luật sư Thi nhấn mạnh đó không phải là trách nhiệm của Minh mà của công ty: chính anh sản xuất thì anh chịu trách nhiệm.

Luật sư Thi tranh luận tại tòa 

Việc Minh nói với Tân Hiệp Phát sẽ đưa ra hội người tiêu dùng hay báo chí nếu thương lượng không thành công đều là quyền lợi chính đáng của mỗi công dân được quy định trong Hiến pháp, pháp luật. Minh hoàn toàn có quyền định đoạt với tài sản của mình.

Đáp lại lập luận của các luật sư, đại diện VKS cho rằng hành vi của Minh là cố ý, đủ yếu tố cấu thành tội phạm bởi lẽ bị cáo không phải là khách hàng có quyền sở hữu vì quán bán bún riêu và nước là của chị Minh. Bị cáo không có quyền thương lượng. Bị cáo có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, biết rõ việc mình sẽ làm gây tác hại thế nào đến uy tín công ty nên lấy chai nước cất đi nhằm làm công cụ gây áp lực chi tiền cho Tân Hiệp Phát. Minh đã nhiều lần gọi điện cho nhân viên Tân Hiệp Phát để thể hiện ý đồ cưỡng đoạt tiền đó của mình.

Đại diện VKS nêu quan điểm 

Sau phần tranh luận của VKS và luật sư, bị cáo Minh được cho nói lời sau cùng. Tại đây bị cáo cho biết mình kháng cáo kêu oan, không kháng cáo yêu cầu giảm nhẹ hình phạt.

17h chiều 8-9, Toà tuyên án các luật sư không chỉ ra được điều khoản cụ thể, vi phạm nếu có, không làm thay đổi nội dung vụ án. Bản án sơ thẩm là đúng người đúng tội. HĐXX nhận định hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội. Tại phiên tòa, bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan, không kháng cáo yêu cầu giảm nhẹ hình phạt HĐXX quyết định không giảm hình phạt cho bị cáo, giữ nguyên mức 7 năm tù.

HĐXX tuyên án 
Bị cáo Minh sau khi nghe tuyên án, được dẫn giải ra khỏi tòa 

Bình luận (0)

Lên đầu trang