Nhiều dự án điện gió có nguy cơ... bay theo gió

Thứ Năm, 27/09/2018 08:18  | Thiện Thảo

|

(CAO) Nắm bắt chủ trương của Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi cho dự án (DA) điện gió nhằm khai thác nguồn năng lượng sạch, giảm ô nhiễm môi trường, nhiều địa phương ồ ạt cấp giấy chứng nhận đầu tư loại điện này cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, sau khi Nhà máy điện gió Bạc Liêu hoàn thành, đưa vào sử dụng 62 turbine với công suất khoảng 100 MW thì DA điện gió nở rộ. Từ vùng Bảy Núi, An Giang đến làng quê nghèo huyện Bình Đại, Bến Tre cũng rục rịch DA diện gió.

Chính quyền địa phương ví von: “Nguồn năng lượng điện gió như nàng tiên còn say ngủ chưa được đánh thức”. Và khi địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp, giao đất cho DA... “nàng tiên quên thức” do nhà đầu tư không thực hiện. Một số DA điện gió có nguy cơ bay... theo “gió”.

Ồ ạt lập dự án điện gió

Theo Quy hoạch phát triển điện VII, mục tiêu đến năm 2020, tổng công suất nguồn điện gió Việt Nam từ mức không đáng kể lên đến 1.000 MW, chiếm tỷ trọng điện năng khoảng 0,7%, và khoảng 6.200 MW vào năm 2030, tỷ trọng điện năng chiếm khoảng 2,4%.

Năm 2014, cả nước có 44 DA điện gió. Sau ba năm, DA điện gió tăng lên gần gấp đôi. Thời điểm này, có dịp đến các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi không ngạc nhiên khi nghe “không bao lâu, nơi đây sẽ là trang trại điện gió, cánh đồng gió...”. Để thu hút nhà đầu tư, chính quyền địa phương miễn tiền thuê đất cùng nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư với ước mong biến vùng bãi bồi ven biển thành trang trại điện gió.

Nhà máy điện gió Bạc Liêu có 62 trụ turbin công suất gần 100 MW

Báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, tính đến thời điểm nay, tỉnh kín chỗ cho các DA điện gió bởi vừa trao quyết định chủ trương đầu tư cho dự án điện gió thứ 11 trên tổng số 11 vị trí phát triển dự án điện gió trên địa bàn tỉnh được Bộ Công Thương phê duyệt.

Trong đó, một vài DA đầu tư số tiền “khủng” như: Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Bến Tre (Ecotech) đầu tư DA nhà máy điện gió số 7 Ba Tri với công suất 110 MW và tổng vốn đầu tư 6.543 tỷ đồng; Tổng công ty phát điện số 1 đầu tư DA điện gió Thạnh Hải, có công suất 230 MW vốn đầu tư 3.421 tỷ đồng; Công ty TNHH đầu tư năng lượng xanh miền Tây thực hiện dự án điện gió năng lượng xanh Bến Tre với công suất 70MW, tổng vốn đầu tư 2.898 tỷ đồng; Công ty cổ phần điện gió Mekong, Công ty cổ phần năng lượng VPL và Công ty cổ phần năng lượng Thiện Phú lần lượt đầu tư vào ba DA điện gió là Bình Đại, P.V.L Bến Tre và Thiện Phú, có tổng công suất 115 MW và tổng vốn đầu tư 3.509 tỷ đồng; Liên doanh Công ty cổ phần năng lượng dầu khí Á Châu (ASIAPETRO) và Công ty Doarm Engineering (Hàn Quốc) đầu tư DA nhà máy điện gió Bình Đại có công suất 80,5 MW, tổng vốn đầu tư 180 triệu đô la Mỹ...

Không thua kém tỉnh bạn, Sóc Trăng tận dụng lợi thế của mình với hơn 72km bờ biển có 12 DA điện gió thuộc thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung. Trong đó, DA điện gió Phú Cường Sóc Trăng, Tập đoàn Phú Cường nằm ở khu vực bãi bồi ven biển tỉnh Sóc Trăng, có tổng quy mô công suất lên đến 800MW, tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Làm việc với chính quyền địa phương, nhà đầu tư DA điện gió “khủng” cho rằng, dự kiến giai đoạn 1 của dự án có công suất 150-200MW sẽ hoàn thành thu xếp tài chính vào năm 2018.

Tỉnh nghèo Trà Vinh mừng vui khi được xác định có tiềm năng lớn để phát triển điện gió với tổng công suất khai thác dự kiến trên 1.600 MW. Tỉnh cũng đã quy hoạch 6 DA nhà máy điện gió tại 6 bãi bồi ven biển thuộc huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Trong đó, có 3 nhà máy tại xã Trường Long Hòa, 2 nhà máy tại xã Hiệp Thạnh và 1 nhà máy tại xã Đông Hải.

UBND tỉnh Trà Vinh cũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư cho DA Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Theo đó, DA do 3 nhà đầu tư góp vốn với tổng mức đầu tư khoảng 150 triệu USD (gần 3.400 tỷ đồng), trong đó 80% là vốn vay từ ngân hàng Đức, 20% vốn góp nhà đầu tư.

Ngay tỉnh An Giang cũng đang nghiên cứu khảo sát mời gọi DA điện gió ở huyện Tri Tôn...

Nhận giấy chứng nhận đầu tư rồi để đó

Trái với không khí nhộn nhịp lúc nhận chứng nhận đầu tư, thời gian sau đó các DA vẫn giậm chân một chỗ. Tiếc tài nguyên đất lãng phí, chính quyền địa phương ra nhiều văn bản hối thúc nhà đầu tư nhưng không tác dụng.

Một lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng than thở: “Địa phương rất cần những nhà đầu tư có năng lực thật sự. Vì vậy, nhà đầu tư tìm đến địa phương, tỉnh chỉ đạo từ xã, huyện, các sở, ban ngành... phải lắng nghe và hỗ trợ nhà đầu tư. Đối với DA điện gió Phú Cường, tỉnh nhiều lần tổ chức cuộc họp bàn để triển khai DA. Từ Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch, các phó chủ tịch tỉnh đến giám đốc các sở ban ngành; lãnh đạo địa phương nơi thực hiện DA đều có mặt để cùng với nhà đầu tư bàn bạc tiến trình thực hiện DA”. Thế nhưng theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, DA điện gió Phú Cường không khởi động, địa phương đành giao DA cho nhà đầu tư khác.

Ông Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh vừa ký ban hành công văn yêu cầu chấm dứt hoạt động của DA Nhà máy điện gió Duyên Hải (tọa lạc tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) do Công ty TNHH Điện gió Duyên Hải làm chủ đầu tư. Ngày 9-6-2017, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư DA trên.

Theo đó, DA Nhà máy điện gió Duyên Hải có công suất thiết kế 48,3MW, bao gồm 21 tuabin, mỗi tuabin 2,3 MW, sản lượng điện cung cấp hàng năm 135.200 MWh/năm do Công ty Cổ phần năng lượng Dầu khí Châu Á và Tập đoàn Unison (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Ngày 7-8-2017, nhà đầu tư thay đổi giấy chứng nhận đầu tư tổng vốn đăng ký hơn 2.839 tỷ đồng (trong đó, Nhà máy vốn góp thực hiện DA 20%, Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu khí Châu Á là 1%, Tập đoàn Unison góp 19%, còn lại vốn vay 80%).

Sau hơn một năm, DA giậm chân tại chỗ. Địa phương hối thúc, nhà đầu tư báo cáo kết quả đo gió và mail 3 bản hợp đồng: hợp đồng tư vấn khảo sát địa chất, địa hình dự án; hợp đồng tư vấn về việc cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình và hợp đồng cung cấp dịch vụ nghiên cứu và lập báo cáo đánh gía tác động môi trường cho DA nhà máy điện gió Duyên Hải.

Dự án Nhà máy điện gió Duyên Hải vốn đầu tư gần 3.000 tỷ nay có cột đo gió.

UBND tỉnh Trà Vinh kiểm tra và phát hiện, các hợp trên mới xác lập và chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế kiểm tra tiến độ DA. Qua đó, các cơ quan chức năng phát hiện, DA chưa chứng minh được đối tác hợp đồng có triển khai thi công hay không. Các báo cáo tiến độ thực hiện DA cùng hồ sơ có liên quan, Chủ đầu tư không cung cấp...

UBND tỉnh cho rằng, từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đến nay nhà đầu tư chỉ mới triển khai đo gió. Các nội dung khác không thực hiện nên đủ điều kiện để thu hồi. Thật bất ngờ, Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu khí Châu Á, chủ đầu tư DA cũng đang thực hiện DA Nhà máy điện gió Bình Đại với số vốn đầu tư lên đến 180 triệu USD.

Tỉnh Ninh Thuận, địa phương đang được coi là “mảnh đất vàng” cho các dự án điện gió. Qua 10 năm kêu gọi đầu tư DA điện gió, địa phương thu hồi hàng loạt chủ trương đầu tư hoặc cảnh báo thu hồi giấy chứng nhận đầu tư vì chậm triển khai.

Chẳng hạn, Dự án của IMPSA (Singapore), vốn đầu tư dự kiến lên tới 2 - 3 tỷ USD; hay Nhà máy Điện năng lượng tái tạo Phước Nam – Enfinity; rồi Nhà máy Điện gió Mũi Dinh; Điện gió của LandVille Energy, của Timur (Malaysia)...

Tại Hội nghị điện gió Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức ở Hà Nội, nhiều chuyên gia cảnh báo: “Mặc dù hiện nay đang có hơn 70 DA điện gió, tổng công suất đầu tư có thể lên tới trên 7GW (7.00MW). Tuy nhiên, số DA đang triển khai thực tế còn rất hạn chế. Có DA mới ở gian đoạn đang nghiên cứu tiền khả thi, có những DA đang bắt đầu những bước tiếp theo nhưng còn rất cầm chừng hoặc bị thu hồi”.

Thời gian dài, rất nhiều DA điện gió đã và đang triển khai, thế nhưng hiện nay cả nước có 7 DA điện gió đang vận hành công suất 190 MW...

Bình luận (0)

Lên đầu trang