Các nhà khoa học lên tiếng vụ “Hạn mặn lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long”

Thứ Ba, 28/06/2016 12:30

|

(CAO) Vừa qua, Báo CATP có loạt bài viết “Đồng bằng sông Cửu Long sau thiên tai hạn mặn lịch sử” được đông đảo bạn đọc quan tâm. Đặc biệt, nhiều nhà khoa học có ý kiến xung quanh bài viết trên nêu thực trạng tại vựa lúa lớn nhất cả nước.

NGUY CƠ TAN RÃ ĐỒNG BẰNG

Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu của Trường Đại học Cần Thơ cho biết, theo thông báo của cơ quan NASA - Mỹ, do Hãng thông tấn AFP truyền đi, khô nóng năm nay là cao nhất trong lịch sử 136 năm qua.

Tình trạng hạn - mặn ở ĐBSCL gây ra nhiều thiệt hại, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là hiện tượng El Nino cực đoan gây hạn gay gắt trên toàn lưu vực Mekong làm cho dòng chảy yếu đi kỷ lục. Tiến sỹ Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ khẳng định: “Thiếu nước sông không đáng lo bằng sông thiếu phù sa”.

Xã Hòa Mỹ (Tháp Mười, Đồng Tháp) vẫn thường xuyên phải củng cố hệ thống đê bao đắp mấy chục năm qua

Tiến sỹ Lê Anh Tuấn đưa ra những con số đầy nguy cơ. Qua đo đạc trong chục năm qua trên dòng chính sông Mekong ở đầu nước Lào cho thấy, khi Trung Quốc đắp đập thủy điện, lượng phù sa một năm từ 160 triệu tấn giảm xuống còn 75 triệu tấn. Lượng phù sa ít ỏi ấy sẽ lắng bớt dọc đường khi vào nước ta, tuy nhiên cũng được bổ sung phù sa của nhiều sông nhánh.

Đáng tiếc, sông nhánh trong lưu vực trải dài qua Lào, Thái Lan cũng bị đắp đập làm thủy điện. Tại Lào đã có khoảng 400 đập thủy điện trên sông nhánh. Tiến sỹ Tuấn lo âu: “Kết quả là trong chục năm qua, lượng phù sa về nước ta một năm từ khoảng 100 triệu tấn, chỉ còn khoảng 40 triệu tấn”. Đáng lo hơn, nhiều đập thủy điện ngăn dòng chính sông Mekong ở Lào sắp hoàn thành hoặc đang chuẩn bị xây dựng, ở Campuchia cũng dự kiến xây những con đập khổng lồ, dài hàng chục cây số. Nếu không ngăn được sự ra đời của những con đập ấy, dòng sông Mekong hùng vỹ chỉ còn là một hệ thống ao nối tiếp nhau.

Những người ủng hộ xây đập thủy điện chắn dòng chính sông Mekong có lập luận, làm cống ngầm xả phù sa. Tuy nhiên, Tiến sỹ Tuấn cũng đưa ra những tính toán khoa học, cống ngầm chỉ xả được khoảng 10% lượng phù sa bị giữ lại phía trên đập trước đó. Viễn cảnh ĐBSCL không còn phù sa là dễ thấy.

Đất đai khô cằn

Ộng Nguyễn Hữu Thiện chuyên gia của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) cho rằng: “Nếu không còn phù sa, ĐBSCL sẽ bị thủy triều đánh tan rã. Hình thành qua 6.000 năm nhưng xói lở mất có khi chỉ vài trăm năm”. ĐBSCL là một phần của cơ thể lưu vực sông Mê Công ngàn dặm, để giữ gìn cần nỗ lực của các quốc gia liên quan, tình hình đã rất cấp bách. Trong bối cảnh vô vàn khó khăn, ĐBSCL càng phải thận trọng tác động vào thiên nhiên, để tăng sức chống chịu cho nó, theo nguyên tắc “không hối tiếc”. Từ đầu cơn thiên tai hạn mặn đến nay, có nhiều ý kiến bàn về giải pháp công trình, xây dựng các cống đập đồ sộ chắn ngang một số cửa sông lớn, để gọi là “điều tiết mặn”.

Về vùng chảo lửa khô hạn

“Với giải pháp công trình, muốn xây cống, đắp đê ở đâu cần hỏi dân và nếu khuyến khích được tư nhân đầu tư càng tốt. Quan điểm của tôi, ngân sách chưa nên đầu tư quá lớn cho việc đắp đập ở các cửa sông lớn vì hiệu quả đến đâu chưa đánh giá được, mà gây hại thì lại rõ như cống đập Ba Lai”, Tiến sỹ Dương Văn Ni cho biết thêm.

Quan điểm tăng sức chống chịu cho ĐBSCL bằng giải pháp giữ đa dạng sinh học, giữ an ninh sinh thái đang được nhiều nhà khoa học ủng hộ. Tiến sỹ Tuấn đề xuất, cần đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước có kiến thức đảm bảo an ninh sinh thái (không chỉ nghĩ đến lúa), làm nền tảng đảm bảo an ninh môi trường và xã hội để ĐBSCL phát triển bền vững.

CÓ NÊN MỞ RỘNG LÚA VỤ 3 ?

Chuyên gia IUCN Nguyễn Hữu Thiện cũng vừa hoàn thành nghiên cứu lúa vụ 3 ở tỉnh Đồng Tháp. Diện tích lúa vụ 3 năm nay ở Đồng Tháp dự kiến hơn 100.000 ha, tập trung ở mạn nam với gần 1.000 ô khép kín trong đê bao cao bình quân 2,5 m; còn mạn phía bắc đê bao cao 5-6 m cũng có hàng vạn héc-ta. Trong khi đó, Bộ NN&PTNT chủ trương tăng diện tích lúa vụ 3 (vụ thu đông) ở ĐBSCL thêm 57.160 ha so với năm 2015 để đạt 900.300 ha, nhằm giữ sản lượng lúa.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện khuyến cáo, địa phương cần cân nhắc khi mở rộng lúa vụ 3

Ông Thiện khẳng định: “Làm lúa vụ 3, nông dân có thêm thu nhập nhưng vẫn nghèo. Một gia đình bình quân 5 người có 1 ha lúa, nếu làm 2 vụ một người một tháng được 516.000 đồng, còn làm 3 vụ tăng lên 629.000 đồng. Một người một tháng chỉ thêm hơn 100.000 đồng chưa giải quyết được vấn đề gì. Chưa kể những chi phí xã hội rất tốn kém khác”.

Ông Thiện minh chứng là chi phí đắp đê ban đầu, duy tu thường xuyên và cứu đê khi lũ lớn. Từ góc nhìn kinh tế toàn cục, lợi ích của đê bao khép kín là âm. NGoài ra, chi phí dài hạn như đất bạc màu, mất nguồn cá, ô nhiễm nước cùng chi phí gián tiếp, thiệt hại nơi khác như tăng ngập thành phố, khu công nghiệp.

Vị chuyên gia IUCN lý giải: “Chúng tôi phân tích thấy có 6 động lực phát triển lúa vụ 3. Tạo việc làm, tăng thu nhập trong mùa lũ. Lũ thấp trong nhiều năm nên làm lúa thuận lợi. Nhà nước có chính sách khuyến khích chuyên lúa. Thứ 5 là được ngân sách hỗ trợ tiền đắp đê và thứ 6 là khi đa số đồng ý làm đê bao thì thiểu số nằm trong đê cũng phải làm theo. Còn thực tế làm lúa vụ 3 chi phí rất cao vì làm trong mùa lũ, phải có trạm bơm điện để tiêu nước. Đê bao ngăn lũ, ngăn luôn phù sa và dinh dưỡng vào đồng ruộng. Thời gian đất nghỉ giữa hai vụ chỉ khoảng 2-4 tuần, rơm rạ phân hủy không kịp dẫn đến ô nhiễm hữu cơ”.

Ông Thiện đề nghị: “Nước ta xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo hằng năm, nhưng giả rẻ, nông dân vẫn nghèo thì có cần duy trì sản lượng ? Quyết định đi vào hệ thống canh tác lúa vụ 3 cần được cân nhắc cẩn thận. Ngân sách nên đầu tư tạo việc làm khác ngoài làm lúa. Trước mắt, theo tôi không nên mở rộng lúa vụ 3 mà tìm những hình thức luân canh hiệu quả như sen-lúa ở vùng rốn Đồng Tháp Mười”.

Theo các chuyên gia IUCN, vùng ĐBSCL thanh bình nhờ sự điều hòa của 3 túi trữ lũ mùa mưa, tưới tắm mùa khô: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và Biển Hồ, Campuchia. Quá trình phát triển lúa vụ 3 đã đắp hàng nghìn ô đê bao khép kín, làm giảm khả năng trữ lũ và chống hạn. Chẳng hạn, trữ lũ của Tứ giác Long Xuyên năm 2000 là 9,2 tỷ mét khối, đến năm 2011 chỉ còn 4,7 tỷ.

Chuyên gia khuyến cáo không nên chống lũ và mặn bằng những giải pháp tình thế nữa mà cần thích ứng với thiên nhiên để bền vững. Bên cạnh đó, chi phí dành làm lúa vụ 3 tốn kém. Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang đã tính toán, năm 2012 với 150.000 ha lúa vụ 3, tổng chi phí đắp đê 194 tỷ đồng, hay 1.293.000 đồng/ha; gia cố 1.050 km đê tốn 280 tỷ đồng. Năm lũ lớn 2011, phải chi 688 tỷ để bảo vệ 144.000 ha lúa vụ 3 và hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Những chi phí này chưa tính vào giá thành lúa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang