Viết tiếp vụ “Dân xã nghèo phải đóng quỹ… vì người nghèo”:

Cách làm của UBND xã còn mang tính bắt buộc

Thứ Ba, 09/06/2020 10:01  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Đó là kết luận của ông Bạch Việt Mến - Chánh thanh tra huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang về việc UBND xã Hòa An thu các loại Quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nông dân… mà Báo Công an TPHCM có bài viết phản ánh ngày 21-5-2020.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với phóng viên, ông Lương Nam Quốc - Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Phụng Hiệp - cho biết: “Sau khi Báo CATP có bài viết phản ánh về việc UBND xã Hòa An thu các loại Quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nông dân, phòng chống thiên tai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo địa phương báo cáo. Sau đó, thường trực UBND huyện đã chỉ đạo Thanh tra huyện xác minh, làm rõ”.

Trụ sở UBND xã Hòa An - địa phương xảy ra lùm xùm về việc thu nhiều loại quỹ.

Theo ông Quốc, việc xã Hòa An vận động tiền xây nhà tình nghĩa, tình thương là việc làm nhân văn. Tuy nhiên, việc ấn định số tiền phải thu khiến các loại quỹ tự nguyện mang tính chất bắt buộc là không đúng.

“Vận động xây nhà là nghĩa cử rất là tốt, nhưng cách làm thiếu sự linh động. Đáng lý ra, kêu gọi thì người có nhiều có thể đóng góp nhiều, người chưa đủ điều kiện có thể góp ít hoặc từ chối miễn sao trên tinh thần tự nguyện” - Ông Quốc nói và cho biết sẽ tham mưu lãnh đạo UBND huyện yêu cầu UBND xã Hòa An nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Đối với các trường hợp người dân chưa đóng các loại quỹ trên thì chỉ được vận động, không được ấn định số tiền phải đóng như cách làm vừa qua. Ngoài ra, sẽ ra văn bản gửi đến các xã, thị trấn trên địa bàn để không diễn ra tình trạng nêu trên.

Theo kết luận thanh tra số 87/BC-TT ngày 4-6-2020 do Chánh thanh tra Bạch Việt Mến ký, đầu năm, sau khi nhận được quyết định giao chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chỉ tiêu xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho gia đình chính sách và hộ nghèo, UBND xã Hòa An có trình kỳ họp đầu năm của HĐND xã để huy động số tiền xây dựng cho các đối tượng khó khăn về nhà ở.

Sau khi được thông qua, UBND xã Hoà An ký thông báo nội dung vận động thu tiền và giao cho các ấp tổ chức họp dân để xin ý kiến người dân về mức đóng góp từng loại quỹ cụ thể. Khi được người dân thống nhất thì ghi thông báo số tiền cụ thể của từng loại quỹ (đối với các quỹ đóng góp tự nguyện).

Sau đó, các ấp tổ chức thu (trừ hộ nghèo và hộ cận nghèo) và nộp về xã. Số tiền thu được được xã nộp vào Kho bạc Nhà nước theo quy định. Khi có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, xã sẽ họp dân và nếu người dân thống nhất sẽ báo cáo về huyện để tiến hành xây dựng.

Cũng theo Thanh tra huyện Phụng Hiệp, Quỹ hỗ trợ nông dân là thu theo kế hoạch của Hội nông dân huyện về giao chỉ tiêu vận động trong hội viên Hội nông dân trên địa bàn xã, với mức đóng góp 100 ngàn đồng/hội viên. Số tiền này được nộp về Hội nông dân huyện để hỗ trợ xây dựng mô hình làm kinh tế, góp phần giảm nghèo cho hội viên.

Kết luận Thanh tra huyện Phụng Hiệp xác định: “Việc tổ chức vận động thu các loại quỹ của xã Hòa An với phương châm là xã hội hóa việc chăm lo cho gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, mà khó khăn về nhà ở là phù hợp với chủ trương chung của địa phương.

Tuy nhiên quá trình họp dân chưa đầy đủ theo yêu cầu, đồng thời khi ra thông báo UBND xã để trống mức thu, đóng góp và sau đó các ấp ghi trực tiếp số tiền phải thu vào thông báo là chưa phù hợp, còn mang tính chất bắt buộc, chưa thể hiện tinh thần tự nguyện của người dân…”.

Những thông báo thu tiền người dân nhận được do Chủ tịch UBND xã ký.

Như Báo CATP thông tin trước đó, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là địa phương đặc biệt khó khăn, với trên 1.000 hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó, 100% người dân trên địa bàn được cấp bảo hiểm y tế miễn phí với thời hạn 5 năm.

Nhiều năm nay, ngoài đóng các khoản quỹ bắt buộc theo quy định, người dân ở địa phương này còn phải đóng Quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nông dân.

Theo tài liệu phóng viên thu thập, ngày 30-3, Chủ tịch UBND xã Hòa An Trương Thị Ngọc Bích ký nhiều thông báo về việc vận động các loại quỹ nói trên gửi đến người dân trong xã. Trong đó quỹ phòng chống thiên tai từ 15 - 30 ngàn, còn quỹ đền ơn đáp nghĩa và quỹ vì người nghèo là 100 ngàn đồng.

Ngoài 3 loại quỹ trên, người dân còn phải đóng thêm quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 100 ngàn đồng do Chủ tịch Hội nông dân ra “phiếu ghi nhận”. Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, phóng viên còn phát hiện trường hợp con liệt sĩ nhận được thông báo nộp tiền Quỹ đền ơn đáp nghĩa…

Bình luận (0)

Lên đầu trang