Cảm động việc làm thiện nguyện của cụ ông 72 tuổi

Thứ Tư, 02/10/2019 11:34  | Trung Tính

|

(CAO) “Xuất phát từ việc tôi thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nghèo khó, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thấu hiểu nỗi lòng của họ khi bệnh mà không có điều kiện chữa trị, từ đó trong suy nghĩ tôi thường cầu trời phật phù hộ cho mình mạnh khỏe, có điều kiện tốt sẽ tập trung họ lại để chữa trị bệnh tật...”, ông Sáu Hả cho hay.

Hiện tại, có 21 người già neo đơn, người tàn tật mang trong mình nhiều căn bệnh, trong đó có cả bệnh nan y đang tá túc tại cơ sở của ông Sáu Hả (Lê Văn Hả, SN 1947 ngụ ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ). Những người này được ông nuôi dưỡng, chăm lo và chữa bệnh miễn phí. Với tấm lòng đầy thiện nguyện, ông cụ 72 tuổi đã âm thầm thực hiện nghĩa cử cao đẹp ấy trong suốt gần 20 năm qua.

Công việc hàng ngày của ông Sáu Hả là khám, điều trị miễn phí cho những hoàn cảnh khốn khó đang lưu trú tại cơ sở

Ngày 1/10, tiếp chuyện với PV, ông Sáu Hả cho biết từ cuối thập niên 90, khi ông bắt đầu xin nghỉ công tác tại Trạm y tế xã Thạnh Quới (nay là Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh - PV), sẵn có bằng trung cấp Đông-Tây y mà ông đã học từ sau 1975, ông đã đưa một số người bệnh khó khăn về nhà mình để tập trung chữa bệnh cho họ.

Ông Sáu Hả khám cho một bệnh nhân tại cơ sở

Ban đầu, ông chỉ có 2, 3 bệnh nhân, dần dà nhiều người biết đến, họ tự tìm tới xin vô ở để được điều trị bệnh. Đến nay, ông đã xây dựng được hơn 20 phòng để chăm sóc cho 21 người già neo đơn, người tàn tật, người bệnh nan y, người lớn tuổi nhất là ông cụ 92 tuổi, người nhỏ nhất nay cũng trên dưới 40. Tất cả họ đề là những người bệnh, có người đến từ Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh… cũng tìm đến ông xin tá túc.

Một người già neo đơn nhiều bệnh tật được ông Sáu quan tâm, chăm sóc

Cũng theo ông Sáu, hàng tháng ông gói ghém chi phí ăn uống, thuốc men cho hơn 20 người mà ông đang nuôi dưỡng cũng khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Số tiền này do chính ông đi vận động những người có lòng hảo tâm mà ông quen biết.

Bên cạnh đó, để có tiền xoay sở, ông phải đi khám bệnh và chích thuốc cho người dân ở địa phương. “Hễ ai gọi điện kêu, hoặc tới chỗ rước thì tôi lại đi liền, những người dư giả thì người nhà họ cho thêm tiền, gạo coi như ủng hộ cơ sở”, ông Sáu Hả nói.

Anh Nguyễn Tuấn Linh (41 tuổi, quê Thốt Nốt, Cần Thơ) đã sống tại cơ sở được gần 15 năm, gia cảnh khó khăn, mẹ anh mất từ năm anh còn rất nhỏ, anh phải sống với mẹ ghẻ. Năm 18 tuổi, trải qua một cơn sốt thập tử nhất sinh, anh đã mất hoàn toàn khả năng đi lại và được chẩn đoán mắc phải chứng sốt bại liệt và bệnh uốn ván não… Kể từ đó, anh phải làm bạn với chiếc xe lăn. Anh Linh cho biết, giờ anh coi cơ sở như căn nhà thứ hai, coi ông Sáu như người thân ruột thịt.

Anh Nguyễn Tuấn Linh đã gắn bó với ông cơ sở của ông Sáu hơn 10 năm

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (60 tuổi, ngụ xã Đông Thành,thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) cho hay, giờ thì chồng bà là ông Lê Văn Giao (63 tuổi) đã đi đứng và ăn cơm lại như bình thường qua gần 45 ngày được ông Sáu Hả được trị bệnh tại cơ sở của ông.

Bà Lan cho biết thêm, ngoài căn bệnh tiểu đường đã hơn 10 năm qua, hồi đầu năm 2019, ông bỗng lăn ra co giật dữ dội, được người nhà đưa đến một số bệnh viện ở Vĩnh Long, TP.Cần Thơ để điều trị. Bác sĩ chẩn đoán ông bị xuất huyết não, cần phải điều trị với chi phí rất cao. Gia đình đã cố chạy vạy, vay mượn để lo chạy chữa cho ông Giao song bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

May mắn thay, tình cờ ông Giao được chỉ đến chỗ ông Sáu trị bệnh miễn phí hết 45 ngày thì thấy khỏe hẳn ra.

“Điều bất ngờ là sau khi nghe gia đình tôi trình bày qua điện thoại thì ông Sáu lập tức chạy luôn xe cấp cứu từ thiện vượt gần trăm cây số đến để rước miễn phí. Lên trên đó, được ông Sáu sắp xếp cho căn phòng nằm để hàng ngày chính ông Sáu là người thăm khám, thuốc men chữa trị. Nuôi chồng một tháng rưỡi tại cơ sở của ông Sáu tôi mới thấu hiểu và cảm phục công việc của ông... Không chỉ riêng chồng tôi mà có đến hàng chục người ở đó đều được ông chữa bệnh, tất cả việc điều trị, ăn, ở, thuốc thang đều được miễn phí, thiệt công ơn này không biết đến khi nào vợ chồng tôi mới trả hết cho ông Sáu…”, bà Lan trải lòng.

Ông Đỗ Văn Phường, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh cho biết, đây là cơ sở tự phát do ông Lê Văn Hả lập ra, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thể công nhận về mặt pháp lý vì còn thiếu nhiều cơ sở vật chất...

Ông Hữu Nghĩa, một trong số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn lưu trú tại đây nhiều năm qua

Ông Đỗ Hồng Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc xác nhận, địa phương rất hoan nghênh và ghi nhận tinh thần cũng như việc làm thiện nguyện của ông Sáu Hả, tuy nhiên cũng cần giấy tờ hợp pháp để hoạt động và việc quản lý dễ dàng hơn.

“Thời gian tới đây, địa phương cũng sẽ tham mưu các ngành chức năng đến khảo sát, hướng dẫn ông Sáu trong việc hoàn tất các thủ tục cần thiết để được công nhận. Bên cạnh đó, việc khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người khó khăn địa phương cũng rất cần thiết và ý nghĩa, nhằm giúp người bệnh trong và ngoài huyện phần nào giảm bớt khó khăn và nỗi lo chi phí trong việc khám chữa bệnh”, ông Phúc nói thêm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang