Cuộc trốn chạy của 11 người khỏi mỏ vàng “địa ngục”

Thứ Ba, 17/04/2018 15:29  | Hoàng Quân

|

(CAO) Hàng chục thanh niên làm phu vàng ở “thủ phủ” vàng Phước Sơn (Quảng Nam) bị giam lỏng, hành hung phải trốn chạy, bị truy đuổi.

Lực lượng công an, biên phòng 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Nam vừa giải cứu thành công nhóm phu vàng này. Hiện còn nhiều người khác đang gặp nạn và chủ mỏ vàng có dấu hiệu vi phạm.

Giải cứu 11 thanh niên khỏi mỏ vàng

Ngày 17-4, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị xác nhận, vừa phối hợp với Bộ chỉ huy BĐBP và Công an tỉnh Quảng Nam giải cứu thành công 11 thanh niên bị quản thúc, bị đánh đập, ép làm việc nặng và chạy trốn khỏi một mỏ vàng ở huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam).

Vào ngày 11-4-2018, Đồn Biên phòng Ba Lin (thuộc BĐBP tỉnh Quảng Trị) đóng tại xã A Vao (huyện Đakrông, Quảng Trị) nhận được tin báo của người dân về việc có nhiều thanh niên được tuyển dụng đi lao động tại Quảng Nam nhưng sống rất khổ sở, bị quản thúc, bị ép làm việc nặng nhọc, bị giam lỏng, hành hung trong lúc làm việc. Do không chịu nổi áp bức, 5 thanh niên người dân tộc thiểu số của xã A Vao bỏ trốn, liên lạc về gia đình nhờ cứu giúp.

Các công nhân sau khi trốn khỏi "địa ngục" ở mỏ vàng, được giải cứu an toàn.

Sự việc được báo cáo đến Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị và đơn vị này thành lập tổ công tác xác minh, làm rõ. Lực lượng lập tức lên đường liên hệ, phối hợp với cơ quan chức năng Quảng Nam để tổ chức giải cứu. Bộ Chỉ huy BĐBP và Công an tỉnh Quảng Nam cũng khẩn trương vào cuộc.

Qua xác minh, các lực lượng xác định được nơi các nạn nhân đang cần được giải cứu là tại mỏ vàng ở Khe Muối (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn) của Công ty TNHH Phước Minh (trụ sở 183 đường Hồ Chí Minh, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn). Các tổ công tác cùng phương tiện thiết bị được huy động, triển khai gấp rút lên đường.

Các tổ công tác trực tiếp vào khu vực khe Bãi Muối và giải cứu được 6 thanh niên đang trên đường trốn khỏi bãi vàng, tại vị trí thuộc xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), cách thị trấn Khâm Đức khoảng 90km về phía Đông. Các nạn nhân gồm: Hồ Văn Nân (SN 1999); Hồ Văn Un (SN 1997); Hồ Văn Mông (SN 1999, cùng ngụ thôn Ba Lin, xã A Vao); Hồ Văn Hinh và Hồ Văn Mần (cùng SN 1999, ngụ thôn Tà Rụt, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị).

Một tổ công tác khác phát hiện 5 thanh niên người Quảng Trị đang trốn tại lán bảo vệ của Nhà máy thủy điện Đắk Mi 3 (xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn), cách thị trấn Khâm Đức khoảng 25km và cách mỏ vàng Bãi Muối khoảng 60km đường rừng. Các nạn nhân này bỏ trốn khỏi bãi vàng vào trưa 12-4. Các nạn nhân gồm Hồ Văn Hùng (SN 1985, ngụ thôn Tân Đi 1, xã A Vao); Hồ Văn Mây (SN 1994); Hồ Văn Huân (SN 1998, cùng ngụ thôn Ba Lin, xã A Vao); Hồ Văn Nêm (SN 1995) và Hồ Văn Phích (SN 1990, cùng ngụ thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị).

Qua làm việc với Công ty TNHH Phước Minh, ngày 15-4-2018, các lực lượng chức năng tiếp tục giải cứu thêm một nạn nhân là Hồ Văn Hựt (SN 1998, ngụ thôn Tà Rụt, xã Tà Rụt). Đến tối 16-4, các thanh niên được đưa về trụ sở Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam sau đó đưa về Quảng Trị. Các lao động được cho ăn uống, chăm sóc y tế, nghỉ ngơi sau đó kể lại toàn bộ quá trình bị dụ dỗ và lao động khổ sai ở bãi vàng.

“Địa ngục” mỏ vàng đầy khổ sai, cưỡng bức

11 thanh niên cho biết, hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định và được đối tượng Hồ Văn Nhất (ngụ thôn Ka Hẹp, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị) và Nguyễn Văn Giang (SN 1967, quê Nam Định; ngụ xã Phước Thành, huyện Phước Sơn) liên hệ, gợi ý về việc đi khai thác vàng tại Quảng Nam với mức lương 4-6 triệu đồng/tháng, được nuôi ăn ở cùng với chế độ đãi ngộ tốt. Tin lời nên các thanh niên đồng ý lên đường.

Theo điều tra của BĐBP tỉnh Quảng Trị, các thanh niên này được Nhất và Giang đưa xe chở từ xã Tà Rụt (Quảng Trị) đưa đến đến Công ty TNHH Phước Minh rồi được đưa ngay đến mỏ vàng Khe Muối. Tại đây, số công nhân này được yêu cầu ký vào hợp đồng lao động đã soạn sẵn mà không hề biết nội dung của hợp đồng.Từ đây là những chuỗi ngày khổ sai, cực nhọc của các phu vàng.

Mỗi ngày họ phải làm việc từ 5 giờ đến 11 giờ và từ 13 giờ đến 17 giờ chiều; nếu là ca đêm thì từ 17 giờ đến 23 giờ và từ 1 giờ đến 5 giờ. Thời gian làm việc liên tục không có ngày nghỉ, quản lý công nhân và bảo vệ nghiêm ngặt, không cho ai nghỉ kể cả ốm đau. Bữa ăn chỉ đủ cơm không đảm bảo thức ăn, không đủ dinh dưỡng, lao động dưới hầm sâu nhưng không được trang bị bảo hộ lao động. Số bảo vệ, quản lý mỏ vàng chủ yếu là người từ Nghệ An vào có thái độ rất hung hăng, sẵn sàng đánh đập nếu công nhân làm trái ý.

Công việc vất vả, ăn uống, sinh hoạt khổ sở nhưng tiền lương không được nhận, không cho tạm ứng để phụ giúp gia đình; bị quản thúc chặt chẽ, bị giam lỏng, đánh đập nên các phu vàng xin nghỉ việc nhưng không được đồng ý và càng bị quản lý chặt hơn. Thỉnh thoảng có các lực lượng tổ chức truy quét. Các phu vàng đành phải bỏ trốn lên núi hoặc ẩn nấp trong các hầm vàng ở sâu trong lòng đất…

Nhóm công nhân chạy trốn bằng chân trần
Các công nhân ăn cơm tại BĐBP Quảng Trị

Không chịu được cảnh “ngục tù”, mọi người bàn nhau chạy trốn. Trưa 12-4, các phu vàng trên đến công ty xin nghỉ việc lần nữa nhưng không được đồng ý, bị bảo vệ còn đuổi đánh nên bỏ chạy vào rừng. Quá trình chạy, các phu vàng bị bảo vệ mang theo dao, gậy, xẻng... đuổi đánh. Quyết tâm trốn khỏi “địa ngục” nhóm công nhân chạy bán mạng và nhanh trí trốn được, gọi điện cầu cứu sau đó được lực lượng công an, biên phòng giải cứu thành công.

Các nạn nhân cho biết, hiện ở mỏ vàng khe Muối còn khoảng gần 200 công nhân từ các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị... Trong đó Quảng Trị còn khoảng 20-30 thanh niên (có 3 lao động nữ). Nhiều người lao động khổ sai, bị áp bức muốn về nhưng chưa được đồng ý.

Vụ việc đang được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị, tỉnh Quảng Nam và Công an tỉnh Quảng Nam xác minh, điều tra. Cơ quan chức năng ban đầu xác định tại Công ty TNHH Phước Minh, hồ sơ công nhân làm sơ sài, không đúng theo thông báo tuyển dụng số 09/Cty-PM của doanh nghiệp này vào ngày 21/02/2018; nghi vấn có dấu hiệu ngụy tạo hồ sơ, ký khống; có dấu hiệu cưỡng ép, bóc lột sức lao động số công nhân làm thuê.

Bình luận (0)

Lên đầu trang