Đến lượt "cầu treo đáy kính" ở Thung lũng tình yêu bị buộc tháo dỡ vì không phép

Thứ Sáu, 20/03/2020 13:04

|

(CAO) Hôm nay (20-3), UBND TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã có Thông báo về việc thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm với công trình cầu treo đáy kính không phép tại khu du lịch (KDL) Thung lũng Tình yêu - Đồi Mộng Mơ (đường Mai Anh Đào, phường 8, TP. Đà Lạt) của Công ty CP du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng.

Nguồn tin được biết, đã quá hạn 60 ngày kể từ ngày bị lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng chủ đầu tư vẫn không xuất trình được giấy phép xây dựng được cấp hoặc điều chỉnh. Do đó, thông báo của UBND TP. Đà Lạt, trong hạn 15 ngày, phía nhà đầu tư phải thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Hế thời hạn này, công ty không chấp hành sẽ bị cưỡng chế theo quy định pháp luật.

Hình ảnh cây cầu treo đáy kính được xây dựng không phép

Như CAO đã thông tin, phản ánh, tại KDL Thung lũng Tình yêu - Đồi Mộng mơ, chủ đầu tư đã xây dựng công trình cầu treo đáy kính 7D có tổng chiều dài 255m, rộng hơn 2m; 2 mố neo 10x15m, chiều cao 10m; trên toàn tuyến cầu có 2 trụ đỡ, kích thước 8x8m, cao 20 và 28m, hiện đã kéo dây neo và dây đáy kính. Ngoài ra, có các nhà chờ kết cấu bê tông cốt thép, khung sắt, mái lợp (rộng 8m, dài 20m, cao 4m).

Khoảng gần 1 tháng trước, hai nhà chờ này đã được nhà đầu tư tháo dỡ. Về việc phải tháo dỡ cầu, đại diện doanh nghiệp cho biết, khá khó khăn, vất vả do thời điểm này không thể làm thủ tục cho số nhân công người Trung Quốc qua thực hiện, hỗ trợ (do họ là bên thi công cây cầu). Vì là cầu treo trên không, có những vị trí cầu cách mặt đất đến 28m, cùng đó là các dây neo rải đều dọc cây cầu nên khi xây dựng hay tháo dỡ đều rất cẩn trọng nhằm đảm bảo độ an toàn.

Thật khó tưởng tượng một công trình xây dựng quy mô, kiên cố, đầy tính mạo hiểm, đòi hỏi sự an toàn, kỹ thuật cao... nhà đầu tư chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đã tự ý đưa 27 chuyên gia, nhân công Trung Quốc qua xây dựng, thiết kế... "chui" đến gần hoàn thành, chỉ còn chờ công đoạn ráp kính!

Kính cường lực làm mặt cầu đã được đưa về, chỉ chờ công đoạn... ráp

Được biết, họ che chắn kín mít khi thi công. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, 27 nhân công người Trung Quốc đã làm việc bằng cả trăm lao động Việt, công trình "hoàng tráng" này đã gần hoàn thành.

Ngay khi phát hiện, UBND phường 8 đã lập biên bản, báo cáo lãnh đạo cấp trên và được chỉ đạo buộc nhà đầu tư dừng thi công. Cơ quan chức năng TP. Đà Lạt còn phát hiện, để xây cầu, chủ đầu tư đã có hành vi phá rừng trái phép, tự ý cho chặt hạ 6 cây thông ba lá có đường kính từ 20 đến 35cm, cao 10m, trên diện tích 270m2 rừng phòng hộ. Sau đó, họ tiêu hủy số thông trên. Biên bản xử phạt vi phạm hành chính số tiền 40 triệu đồng, đến nay, nhà đầu tư đã chấp hành nộp phạt.

Theo quyết định xử phạt, Công ty CP Thành Thành Công Lâm Đồng phải ngừng thi công công trình và lập thủ tục đề nghị cấp phép xây dựng theo quy định. Trường hợp cơ quan chức năng từ chối cấp giấp phép xây dựng, doanh nghiệp phải tháo dỡ công trình. Nếu được cấp phép, chỉ được giữ lại phần công trình phù hợp thiết kế được duyệt.

Việc Công ty Thành Thành Công bỏ qua, không chấp hành hướng dẫn, quy định của Sở LĐ-TB-XH về sử dụng lao động, lén lút xây cầu đáy kính quy mô tại KDL nổi tiếng, được công nhận là KDL danh thắng Quốc gia là coi thường kỷ cương pháp luật, xâm hại danh thắng, coi nhẹ vai trò quản lý của nhà nước tại địa phương.

Những mố, trụ cầu hoành tráng, kiên cố ở công trình không phép

Tại Thông báo số 87/TB-UBND ngày 12-4-2019, UBND tỉnh Lâm Đồng, sau khi có buổi làm việc, nghe báo cáo của chủ đầu tư về phương án đầu tư, xây dựng cầu treo đáy kính trên không tại KDL Thung lũng Tình yêu và Đồi Mộng mơ, lãnh đạo tỉnh hoan nghênh ý tưởng xây dựng một công trình độc đáo, hấp dẫn, hứa hẹn sẽ là điểm đến yêu thích của nhiều người, thu hút du khách đến Đà Lạt nên đã chấp thuận về mặt chủ trương với dự án.

Tuy nhiên, tỉnh đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu các quy định hiện hành, xây dựng báo cáo khả thi và hoàn thiện hồ sơ pháp lý để đảm bảo điều kiện triển khai đầu tư, xây dựng công trình theo đúng quy định. Cùng đó, tỉnh giao các sở, ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục pháp lý cần thiết.

Vậy nhưng, khi chưa có các thủ tục đúng theo quy định pháp luật, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nhà đầu tư đã "cầm đèn chạy trước ô tô", muốn ở thế "trảm rồi tấu".

Được biết, Công ty CP Thành Thành Công Lâm Đồng (địa chỉ phường 8 - TP. Đà Lạt, do ông Trần Mến làm Chủ tịch HĐQT, trực thuộc một tập đoàn lớn (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh), kinh doanh đa lĩnh vực, ngành nghề, chủ yếu bất động sản, khách sạn; được tỉnh Lâm Đồng chào đón, đánh giá họ là nhà đầu tư chiến lược của địa phương. Việc nhà đầu vội vã xây cầu khi chưa đủ thủ tục pháp lý thật khiến nhiều người phiền lòng.

Cây cầu băng qua khu du lịch Thung lũng Tình yêu và Đồi Mộng mơ

Công bằng mà nói, công trình cầu treo đáy kính trên không là một dự án công trình du lịch độc đáo, mới lạ với ngành du lịch Lâm Đồng, được nhiều du khách thích thú, đón nhận. Vấn đề là nhà đầu tư cần tôn trọng pháp luật, người dân, dư luận, chọn đúng địa điểm, tránh chặt phá thông (kiểu lén lút), có đầy đủ các thủ tục pháp lý thì đã được ủng hộ.

Mới đây,  Dự án "Vườn thượng uyển bay" (đường đèo Mimosa, phường 10 - Đà Lạt, vừa bị UBND TP. Đà Lạt ra quyết định cưỡng chế) tương tự như cầu treo đáy kính. Các "sản phẩm" du lịch này đều bộc lộ ý tưởng hay, tâm huyết, có tầm nhìn về du lịch, kinh tế của nhà đầu tư, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, hứa hẹn và thực tế rất hút khách tham quan (như Vườn thượng uyển bay đã kinh doanh trái phép một thời gian). Mới chỉ có văn bản chấp thuận chủ trương cho thực hiện dự án của UBND tỉnh, còn bao bước về thủ tục pháp lý phải làm, nhưng họ bất chấp hết. Ngoài ra, cũng cần quy trách nhiệm cụ thể của những cán bộ quản lý địa bàn, do đã không có các biện pháp phát hiện kịp thời, quyết liệt ngăn chặn khi họ xây dựng.

Cầu treo đáy kính là công trình xây dựng có tính đặc thù, công nghệ mới, chưa được triển khai xây dựng phổ biến, ở Việt Nam chưa có. Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải hiện chưa có quy chuẩn chất lượng an toàn cho loại công trình đòi hỏi kỹ thuật cao trong xây dựng này. Phía nhà đầu tư cho rằng, họ nôn nóng, muốn xây dựng, đưa vào kinh doanh dịp Tết Nguyên đán Canh tý, nhưng đúng là "dục tốc bất đạt"!

Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-1-2018, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản đã có đổi mới. Đó là không còn quy định “phạt cho tồn tại,” mà buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, cùng đó, một số thông tư hướng dẫn, quyết định lại chấp nhận cho điều chỉnh giấy phép xây dựng, quy định về thời hạn... Mong rằng, các nhà làm luật, thực thi pháp luật vận dụng đúng tinh thần Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, tránh các trường hợp "nhờn" luật!

Bình luận (0)

Lên đầu trang