Du lịch mạo hiểm: Rủi ro rình rập từ những tour giá rẻ… hết mức

Thứ Sáu, 03/03/2017 12:45  | Ngọc Hà

|

(CAO) Những năm gần đây, du lịch dã ngoại – mạo hiểm trở thành môn thể thao “hot” ở nước ta. Từ phượt, du lịch bằng xe thồ (xe ôm), leo núi, lặn biển, đu dây vượt rừng - thác, đi xuồng cao su xuôi dòng sông, thám hiểm các hang động… đã nở rộ khắp các tỉnh, thành từ miền biển đến cao nguyên, núi non, danh thắng. Có cầu ắt có cung.

Hãy cẩn thận và bảo vệ những vị khách “Tây ba lô” có tính tự tin, tiết kiệm trước những kẻ kinh doanh du lịch kiểu cơ hội, chụp giựt!

Du lịch kiểu “giá nào cũng chơi”!

Anh Ngô Thùy Phúc – Điều hành du lịch tại Công ty Mạo hiểm Việt (số 9 Nguyễn Văn Trỗi, TP.Đà Lạt) lưu ý với chúng tôi, có 2 dạng khách ngoại quốc (chủ yếu người Bắc Âu, Bắc Mỹ, Châu Âu – gọi chung là khách Tây – PV) ham thích du lịch dã ngoại ngoài trời – thám hiểm, mạo hiểm ở Việt Nam từ hạng bình dân và trung lưu.

Khách trung lưu, theo anh Phúc tạm gọi là những người có công ăn việc làm ổn định. Họ tận dụng các kỳ nghỉ để đi du lịch, đặt tour với công ty anh từ cả nửa năm, thậm chí là từ một năm trước đó. Họ chấp nhận sử dụng dịch vụ chất lượng, bảo đảm an toàn với giá khá cao của công ty Mạo hiểm Việt và những công ty uy tín, có đầy đủ tư cách pháp nhân khác. Công ty có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ thông tin để họ quyết định. Rủi ro với họ và công ty là điều khó xảy ra.

Bình dân là những khách chấp nhận ở các homestay (dạng “du lịch xanh”, du khách ở chung nhà với người bản địa), Hostel, Dormitory– loại hình lưu trú giống ký túc xá sinh viên, phòng ngủ tập thể dành cho dân du lịch bụi; thậm chí họ sẵn sàng cắm lều bạt ở. Chúng ta gọi họ bằng từ chung chung: “Tây ba lô”. Họ tự lập và tiết kiệm tối đa, yêu thích khám phá những vùng đất mới. Đối với họ, trải nghiệm là đầu tiên, giá cả, rủi ro tính sau…

Trong thời buổi “nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch” như hiện nay, các chủ homestay, Hostel... thường thỏa thuận, giới thiệu với khách những dịch vụ du lịch giá rẻ để cạnh tranh. Chúng tôi đã tìm hiểu, quả thực, có thể chỉ từ dưới 10USD đến 20-30USD, các “ông chủ” này sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch (HDV) kiêm lái xe (thường là xe máy) bao trọn gói tour du lịch tham quan, dã ngoại, thậm chí là du lịch mạo hiểm (leo núi, lội rừng, vượt thác…) với du khách.

Du lịch bằng thuyền trên bến Tràng An - Ninh Bình - Ảnh: Hải Anh

Có khi chính những vị khách “siêu tiết kiệm” này chủ động đến những công ty, đơn vị treo bảng hiệu kinh doanh du lịch, thương lượng những tuyến – tour du lịch thám hiểm – mạo hiểm, càng rẻ càng tốt. Vì rẻ nên người làm tour cắt giảm tối đa các dịch vụ tối thiểu phục vụ khách. Hoặc chỉ có xe đưa đi hoặc đi bộ hoặc có thức ăn, nước uống thì khỏi trang thiết bị…

“Nhiều khi muốn khách được hưởng dịch vụ tốt hơn, chúng tôi giải thích, yêu cầu khách chi thêm tiền, như: để mua vé vào cổng, thuê loại xe máy tốt hơn… kỳ kèo mãi, khách nhất định “no, no” (không!) - một chủ nhà cho thuê kể. Có khi các homestay, hostel lại làm trung gian, “bán” tour (chuyển giao khách) cho các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch. Số tiền khách chịu chi để tham gia dịch vụ đã ít, lại bị cắt xén (trả cho trung gian) còn lại ít hơn nên việc một số công ty “bán tour” cho du khách kém chất lượng, thiếu phương tiện bảo hộ, luồn lách đi “chui”… diễn ra.

Nhắm vào lượng khách như vậy, nhiều công ty kinh doanh dịch vụ du lịch kiểu cơ hội, chộp giựt chỉ cần văn phòng (để trưng bảng hiệu, địa điểm giao dịch), HDV chỉ cần biết tiếng Anh lụp chụp (không được đào tạo chuyên môn, không có vốn từ vựng chuyên ngành), nhiệm vụ chỉ ở mức đi theo “canh me” khách.

Một số các hostel, homestay làm trung gian kết nối, giới thiệu khách đến các tuyến, tour du lịch một cách vô tư, không vụ lợi. Số khác để khách chủ động hành trình. Việc các du khách “thích tiết kiệm” này trở thành “nguồn lợi” của một số công ty khai thác du lịch, thật khó kiểm soát.

Vấn đề nghiêm trọng là những người kinh doanh dịch vụ du lịch kiểu này không cung cấp đầy đủ thông tin cho khách, dẫn đến việc du khách vì chủ quan, tự tin nên gặp rủi ro, bất trắc khó lường.

Vụ 3 du khách tử nạn tại thác Datanla – Đà Lạt (ngày 26-2-2016) là điển hình. Phía công ty Đam Mê không đưa ra những quy định nghiêm ngặt với HDV và du khách; HDV không nói rõ về khả năng có mối nguy hiểm đến mức nào khi khách muốn tiếp cận thác bằng đường “chui” (bằng chứng nơi đó là “vực tử thần”, vực nước xoáy sâu, trơn trượt, từng có 2 sinh viên tử nạn để cảnh báo một cách quyết liệt…).

Đu dây băng rừng – trò chơi thể thao mạo hiểm phổ biến Đà Lạt – Lâm Đồng

Doanh nghiệp, HDV thiếu thông tin dẫn đến khách cũng (bị) thiếu thông tin. Và hậu quả chết người đã xảy ra. Đức tính tiết kiệm của du khách không phải là cái tội, nhiều khi còn đáng được khuyến khích. Tiếc rằng, họ đã gặp những người chủ quan, non kém về nghiệp vụ, thiếu lương tâm trong kinh doanh.

Vụ việc anh Aiden Webb – người Anh (26 tuổi) – phượt thủ có tiếng và còn là vận động viên leo núi chuyên nghiệp bị tử nạn trong chuyến du lịch mạo hiểm, chinh phục đỉnh Phan-xi-păng (Sapa – Lào Cai) khiến chúng ta đến nay vẫn day dứt, “mang tiếng” với quốc tế, là sự cố của ngành du lịch.

Anh Aiden Webb đã quá chủ quan, tự tin khi quyết định trò chơi mạo hiểm đến mức nguy hiểm này. Tuy nhiên, lỗi có phần thuộc về quản lý nhà nước và chủ khách sạn nơi anh Aiden lưu trú (trước đó). Nếu họ có cảnh báo, hướng dẫn thuyết phục (bằng các tờ rơi, cẩm nang du lịch miễn phí…) đến anh Aiden, có thể chúng ta đã bảo vệ được tính mạng một du khách.

Hãi hùng du lịch thuyền, ghe cũ kỹ, quá tải

Vì làm du lịch kiểu phong trào, mạnh ai nấy làm, quản lý nhà nước lỏng lẻo nên mấy năm gần đây, tại một số tỉnh, thành sông nước xuất hiện loại hình du lịch chở khách đi tham quan, ăn uống ở “nhà hàng nổi” bằng thuyền, bè trên sông, biển… với vô số điều bất trắc.

Đã xảy ra hàng loạt vụ lật thuyền bè, tàu, ghe khiến nhiều du khách chết đuối thương tâm. Điển hình mới đây nhất là vụ lật tàu trên sông Hàn (Đà Nẵng), xảy ra lúc 20 giờ 25 ngày 4-6-2016 khiến 3 người chết (trong đó có 2 cháu nhỏ 4 và 7 tuổi là chị em ruột) gây bàng hoàng trong dư luận.

Con tàu có sức chở 28 khách, thế nhưng, hôm đó chủ tàu đã bán vé “chui”, chở gấp đôi số người quy định dẫn đến tàu quá tải, bị chìm. Trước đó, từng xảy ra những vụ lật tàu, nhà hàng nổi chở khách du lịch ở TP.HCM, Bình Dương khiến hàng chục người tử vong. Những con số thật ám ảnh.

Hậu quả rành rành, lãnh đạo các địa phương có sông, biển chỉ đạo rút kinh nghiệm, chấn chỉnh; báo, đài gióng riết cảnh báo, tuyên truyền, vậy nhưng như “điếc không sợ súng”, “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, tình trạng du lịch mạo hiểm, thậm chí là nguy hiểm “chui” kiểu này hiện vẫn âm thầm diễn ra tại một số tỉnh, thành.

Tại 2 xã biển Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) với hàng chục đảo, hòn lớn nhỏ, từ dịp Tết Nguyên đán 2017 đến nay, tình trạng nhiều ngư dân tận dụng tàu, ghe đánh bắt hải sản để vận chuyển khách đến các điểm du lịch diễn ra khá rầm rộ.

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) – kỳ quan thiên nhiên thế giới

Phía tổ chức tour, tuyến gồm chính các ngư dân tận dụng tàu, ghe của gia đình; có nhóm là những người trẻ, họ tự lên mạng quảng bá, giới thiệu du khách rồi thuê ghe, tàu đánh cá của ngư dân đưa - đón khách tại các điểm tham quan.

Đáng nói, nhiều phương tiện đã cũ kỹ, thô sơ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Đây là một kiểu làm du lịch bất hợp pháp, cược mạng du khách. Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở VH-TT-DL lịch tỉnh Bình Định, cho biết: “Sở đang phối hợp cơ quan chức năng cương quyết xử lý, chấm dứt tình trạng này”. Trước đó, năm 2016, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo đình chỉ hàng loạt các tàu, ghe hoạt động du lịch “chui” kiểu này.

Ngành du lịch Việt Nam cần có những biện pháp hữu hiệu, chuyên nghiệp, chất lượng nhằm bảo đảm uy tín, sự an toàn cao nhất với du khách.

Bình luận (0)

Lên đầu trang