Xôn xao chuyện 'liệt sĩ' bỗng trở về sau 33 năm

Thứ Năm, 22/02/2018 15:26  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Sau 35 năm được cho là đã hy sinh ở chiến trường, ông Trương Văn Chóng (58 tuổi) tìm về nhà mẹ ruột ngày Mồng 5 Tết Mậu Tuất. Tại đây, thấy gia đình lập bàn thờ cho mình, ông cùng anh trai liền đập bỏ...

Vào khoảng 1 giờ sáng ngày 20-2 (tức Mồng 5 Tết Mậu Tuất), trong lúc gia đình bà Huỳnh Thị Nía (ngụ ấp Định Hòa B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) đang chìm vào giấc ngủ thì mọi người giật mình bởi tiếng đập cửa rất mạnh từ bên ngoài.

Lúc này, con trai thứ tám của bà Nía là Trương Văn Phơi mở cửa bước ra sân thấy người đàn ông chạc 60 tuổi, dắt theo chiếc xe đạp nên bực bội lớn tiếng. Đang nằm trong mùng nghe tiếng cãi vã, bà Nía bước ra ngoài thì ông Chóng vứt xe đạp chạy đến ôm mẹ bật khóc...

Sau màn nhận con nhưng nhìn không giống với tấm hình đang thờ, bà Nía điện thoại cho các con ở gần chạy đến. Vừa thấy ông Chóng, bà Trương Thị Lượng (con gái thứ ba bà Nía) liền nhận ra đứa em của mình đã "hi sinh" cách nay 35 năm. Lúc này, hai chị em bà Lượng ôm nhau khóc và cả nhà không ai ngủ được cho đến sáng. Đến trưa mùng 5 Tết, ông Chóng đã tự tay đập bỏ bát hương lập thờ chính mình.

Ông Chóng đứng cạnh mẹ ruột sau 35 năm xa cách

Được biết, ông Chóng là người con thứ 6 trong gia đình có 10 anh chị em. Năm 1983, ông nhập ngũ và lên đường chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Bỏ lại người vợ và đứa con vừa tròn 3 tuổi. Ông rời quê hương và 2 năm sau gia đình mất hết liên lạc.

Thời điểm đó, mọi người trong nhà ai cũng mong có một ngày ông trở về, nào ngờ hy vọng ấy lại bị dập tắt.

“Thông tin mơ hồ từ lá thư tay được nó nhờ người bạn giỏi chữ nghĩa viết, tôi khăn gói cất công đi tìm suốt nhiều ngày nhưng vẫn không được gì. Đến năm 1985 gia đình nhận được giấy báo tử nên cũng ngừng hy vọng và lập bàn thờ cho nó. Năm 1993 tôi nhận được bằng Tổ quốc ghi công, công nhận nó là liệt sĩ”, cụ Nía xúc động kể lại.

Bằng Tổ quốc ghi công và phiếu chi trợ cấp cho gia đình ông Chóng

Sau những phút xúc động thăm hỏi, cả gia đình bà Nía ngồi say sưa nghe ông Chóng kể về quá trình lang bạt từ Campuchia về Việt Nam.

Ông Chóng cho biết, trong một trận đánh vào năm 1985, ông cùng nhiều đồng đội bị địch vây ráp trong cánh rừng ở Campuchia. Trước hỏa lực quá mạnh, nhiều đồng đội lần lượt ngã xuống, còn lại ông cùng một vài người cố mở vòng vây, chống trả rồi tìm đường thoát thân. Dù bị trúng đạn vào tay, máu ra nhiều nhưng ông vẫn cố chạy vào rừng ẩn nấp. Chạy sâu vào nơi âm u khiến ông bị lạc không tìm được lối ra. Đến khi kiệt sức, cũng may ông được một số người dân bản xứ đưa về chữa trị.

“Thấy tôi bị lạc và đói, bà con trong phum sóc cho ăn uống. Một thời gian sau, có một phụ nữ người Khơ-me thương rồi tụi tôi sống với nhau như vợ chồng. Sau đó chúng tôi làm ruộng, trồng rẫy kiếm sống qua ngày”, ông Chóng cho hay.

Sau một thời gian do bất đồng trong cuộc sống, ông Chóng và vợ chia tay. Tiếp đó ông bén duyên cùng bà Trương Thị Tánh (người gốc Việt, định cư tại Biển Hồ), hai có với nhau 3 người con. Thế rồi, công việc làm ăn không còn thuận lợi, gia đình ông Chóng khăn gói rời Campuchia trở về xã Suối Dây (H.Tân Châu, Tây Ninh) mưu sinh bằng nghề mót mủ cao su.

Ông Chóng ăn bữa cơm thân mật với gia đình

Trong một buổi mót cao su mệt nhoài, ông vào quán cà phê uống nước, nghỉ ngơi, tình cờ quen biết được một người bạn và người này đã giúp ông nhớ lại chuyện quê nhà. Vì thế, chiều Mồng 4 Tết Mậu Tuất, ông Chóng quảy túi quần áo rồi dắt xe đạp ra lộ đón xe đò từ Tây Ninh xuống Cần Thơ.

Đến bến xe Cần Thơ, ông đón xe đi tiếp về Ô Môn, rồi hỏi đường về Vàm Nhon. Được sự giúp đỡ và chỉ đường của người chạy xe ôm, ông Chóng đạp xe từ Ô Môn về xã Định Môn đã quá nửa đêm.

“Lúc đó gần sáng không còn mấy ai để hỏi đường, nhưng may mắn gặp mấy người đi nhậu về, tôi mừng quá chạy theo hỏi và được chỉ qua mấy cái cầu. Tới cầu Vàm Nhon tôi hỏi tiếp nhà ông Cao vì lúc đó trong đầu chỉ còn mang máng tên người này. Sau khi được một người khác chỉ, tôi đến làm liều bằng cách đập cửa và lớn tiếng gọi…”, ông Chóng nhớ lại giây phút tìm về nhà mẹ ruột sau 35 năm xa cách.

Được biết, sáng 22-2, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thới Lai xuống làm việc với gia đình bà Nía để có hướng giải quyết chế độ cho trường hợp hy hữu này.

Liệt sĩ Nguyễn Minh Hoàng - Dáng đứng tuổi 20
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang