Khi tình cảm máu mủ bị chia cắt bởi những tranh chấp đất đai

Thứ Ba, 10/05/2016 05:20

|

(CAO) Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, khi mà đất đai càng có giá trị lớn thì mâu thuẫn giữa các quyền và nghĩa vụ nảy sinh ngày càng nhiều dẫn đến các tranh chấp.

Đặc biệt là tranh chấp đất đai giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ khiến anh em mất đoàn kết, thậm chí lôi nhau ra tòa, đâm nhau đổ máu,... làm lung lay nền tảng đạo đức và đảo lộn các giá trị truyền thống.

Cạn tình máu mủ vì đất

Mới đây, báo chí đã đăng tin, chiều 6-5-2016, phòng xét xử TAND huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) đưa ra xét xử vụ kiện tụng đất đai. Nguyên, bị đơn là những anh em ruột trong một gia đình.

Theo đó, trước khi chết, người mẹ đã di chúc để toàn bộ nhà đất do mình đứng tên cho đứa con trai út Phạm Thanh Tùng (SN 1982, bị tật nguyền do nhiễm chất độc da cam, mất đi 85% sức khỏe) sau khi đã chia phần cho những người con khác.

Không ngờ khi bà mất, sáu anh chị em ruột của Tùng đã khởi kiện, đòi chia lại đất. Nhìn cảnh các anh chị lôi đứa em tật nguyền ra tòa khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Phạm Thanh Tùng ngồi bệt hầu tòa. Ảnh: N.Triều (TTO)

Đây là không phải là cảnh “nồi da xáo thịt” hi hữu mà những tranh chấp đất đai đã và đang phát sinh ngày một nhiều làm rạn nứt tình anh em, thậm chí không ít người đã phải vào tù.

Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Văn Hậu (SN 1973, trú tại thông Nại Châu, xã Chu Phan, huyện Mê Linh, TP Hà Nội). Do mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai mà ngày 13-2-2016 vừa qua, Hậu đã vác dao đâm gục 2 người anh của mình. Những nhát dao chí mạng của Hậu khiến một người anh trai tổn hại 75% sức khỏe, người còn lại là 14%. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Mê Linh (TP Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Hậu về hành vi “Cố ý gây thương tích”.

Bài học đắt đỏ

Người đời có câu “của cải là vật ngoài thân”, lúc chết không ai mang theo của cải được sang thế giới bên kia mà xài. Hơn nữa quan tài cũng không thể chứa được đất đai. Thế nhưng người ta vẫn tranh giành từng ranh đất, từng công ruộng, từng cái nền nhà; để rồi tình cảm rạn nứt.

Một khi lợi ích vật chất được coi trọng thì người ta sẽ tính toán, khi đó sự ích kỷ tham lam sẽ biến con người trở nên khác đi. Vật chất càng nhiều thì lòng tham lam càng cao. Lòng tham lam càng cao thì đạo đức càng kém; đạo đức càng kém thì con người trở nên hung ác, dữ tợn; con người trở nên hung ác thì xã hội bất an.

Khi mọi sự đã trở nên quá muộn thì cái giá phải trả trở nên quá đắt đỏ. Cái được chỉ là phần vật chất, còn cái mất thì quá to lớn, không thể nào cân, đong, đo, đếm được. Một khi đã lôi nhau ra tòa, thì khi bước ra khỏi phòng xử thì tình nghĩa anh chị em đã không còn được nguyên vẹn như xưa chứ đừng nói chi chuyện tranh chấp dẫn đến đổ máu. Những hệ lụy đó có khi còn kéo dài đến đời sau, con cháu không nhìn mặt nhau.

Dẫu biết rằng "tấc đất tấc vàng" nhưng tình nghĩa ruột rà còn quý hơn gấp ngàn vạn lần. Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng nhất trong đời sống con người. Vì thế trong kho tàng văn học dân gian đã có biết bao tiếng hát, lời ru, câu chuyện… khuyên nhủ mọi người hãy xây dựng tình cảm gia đình đầm ấm, thuận hòa.

"Một giọt máu đào hơn ao nước lã", "máu chảy ruột mềm", "anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần",.... Những bài học đạo đức này thật sâu xa, thấm thía. Ngày nay, những bài học đó vẫn giữ nguyên ý nghĩa giáo dục vì trong cuộc sống vẫn còn những cảnh tượng ngang trái, đau lòng, đi ngược lại đạo lí làm người.

Bình luận (0)

Lên đầu trang