Nguy cơ trẻ biến thành 'cỗ máy' vì được nuôi dạy theo kiểu 'công nghiệp'

Thứ Năm, 26/05/2016 07:14  | Ngô Đồng

|

(CAO) Ngoài những nguyên nhân do bệnh lý, bẩm sinh thì nhiều trường hợp trẻ khôi ngô tuấn tú nhưng không biết giao tiếp chỉ vì kiểu nuôi dạy “công nghiệp” của gia đình.

Đâu phải bởi tự nhiên!

Trong thời buổi công nghệ hiện đại như ngày nay, việc sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh, tivi,... trong các gia đình là lẽ thường quá đương nhiên và phổ biến. Những thiết bị công nghệ hiện đại này không chỉ hỗ trợ cho người lớn mà còn đang được sử dụng như là trò chơi, cách dỗ dành cực hiệu quả đối với trẻ nhỏ.

Một em bé đang khóc ngằn ngặt, chẳng cần dỗ dành gì nhiều, bố mẹ chỉ cần bật video trong điện thoại lên là bé có thể nín ngay và chăm chú xem hàng tiếng đồng hồ - quả là tiện lợi và đơn giản.

Các thiết bị hiện đại đang được nhiều phụ huynh biến thành “cô trông trẻ” hữu hiệu. Ảnh minh họa

Thực tế, nhiều cha mẹ vì không có thời gian chăm con nên cho trẻ xem tivi, máy tính bảng, điện thoại,... các thiết bị này đang được nhiều phụ huynh biến thành “cô trông trẻ” hữu hiệu.

Tuy nhiên, việc xem tivi hoàn toàn không có sự tương tác, bởi lúc đó bé chỉ con có cơ hội nghe nhưng lại không có cơ hội để nói. Thiếu tình yêu thương và sự chia sẻ đã “giết chết” khả năng ngôn ngữ và cảm xúc ở con trẻ.

Mẹ bắt con cởi truồng đi trên phố vì trộm tiền: Dạy con hay hại con?

Theo thống kê của bệnh viện Nhi Đồng 1, những năm gần đây số bệnh nhi gặp các vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp và lời nói ngày càng gia tăng.

Trung bình mỗi năm, nhóm Ngôn ngữ trị liệu của bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.200 bệnh nhi; riêng năm 2015, số trẻ được phụ huynh đưa đến thăm khám và điều trị lên tới 1.459 trường hợp. Trong số đó trẻ em ở độ tuổi từ 4 đến 5 tuổi trở lên chiếm tỉ lệ khá cao.

Cử nhân Hoàng Văn Quyên, Trưởng khoa Vật lý Trị liệu Phục hồi chức năng bệnh viện Nhi Đồng 1 phân tích, đến nay y học đã xác định được các nguyên nhân dẫn tới vấn đề ngôn ngữ ở trẻ là do bẩm sinh, di truyền, các bệnh lý bại não, chậm phát triển, trẻ bị down, trẻ tự kỷ, trẻ sứt môi hở hàm ếch,...

Tuy nhiên, không ít trường hợp trẻ bỉnh thường, khôi ngô, không mắc bệnh lý gì nhưng cũng gặp phải vấn đề rất nghiêm trọng về ngôn ngữ như chậm phát âm, chậm lời nói, chậm giao tiếp. Những trường hợp này được đánh giá là do hậu quả từ môi trường giáo dục, phương pháp giáo dục và cách chăm sóc trẻ.

Do bận rộn công việc, ngày nay nhiều gia đình đã áp dụng phương pháp nuôi dạy theo kiểu “công nghiệp”: giờ nào thì ăn, giờ nào thì chơi, xem tivi, và giờ nào thì ngủ… đã biến trẻ thành một cỗ máy với lập trình được lặp đi lặp lại mà không được tiếp xúc để hiểu ngôn ngữ từ người lớn.

Dành thời gian nhiều hơn để cùng con chuyện trò

Ông Hoàng Văn Quyên chỉ ra, nếu không được phát hiện sớm, can thiệp và thực hiện ngôn ngữ trị liệu kịp thời, những rối loạn trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả cuộc đời của con trẻ.

Khi bị hạn chế về ngôn ngữ, trẻ cũng sẽ bị hạn chế khả năng giao tiếp, tiếp thu khiến việc học tập, sinh hoạt thường ngày trở nên khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hòa nhập cộng đồng của trẻ.

Thay vì để con ngồi hàng giờ trước tivi thì phụ huynh hãy dành thời gian nhiều hơn để cùng con chuyện trò. Khi được giao tiếp với mẹ, bé sẽ đáp ứng được cả hai nhu cầu đó là nghe và nói.

Khi con có biểu hiện chậm nói, cha mẹ nên chú ý, phát hiện kịp thời và cho bé đi khám, điều trị càng sớm càng tốt, do giai đoạn 2-3 tuổi là giai đoạn vàng để can thiệp, trị liệu cho bé. Trẻ càng lớn càng khó can thiệp hơn, thời gian điều trị cũng lâu hơn.

Dù bé ở giai đoạn nào đi nữa, sự quan tâm chăm sóc và yêu thương từ gia đình luôn là yếu tố then chốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Theo cử nhân Hoàng Văn Quyên, Trưởng khoa Vật lý Trị liệu Phục hồi chức năng bệnh viện Nhi Đồng 1, mặc dù số trẻ gặp phải tình trạng rối loạn ngôn ngữ ngày càng nhiều, nhưng các giải pháp hỗ trợ y tế cho trẻ còn rất hạn chế.

Tại khu vực phía Nam, phải đến năm 2010, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mới phối hợp với Đại học Newcastle (Úc) mở khóa đào tạo Ngôn ngữ trị liệu, song đến nay lĩnh vực đào tạo này vẫn chưa có mã ngành. Bên cạnh đó, phụ huynh và giáo viên các trường mầm non còn thiếu kiến thức và sự hiểu biết về rối loạn ngôn ngữ nên không kịp thời phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang