Đạo Dừa - huyền thoại và sự thật:

Kỳ 1: Hành trình tầm sư học đạo của cậu ấm nức tiếng ăn chơi

Thứ Ba, 05/05/2015 08:58  | 

|

(CATP) Bị cha mẹ la mắng vì ham mê cờ bạc, Nguyễn Thành Nam buông lời thề “chừng nào Chánh phủ Pháp cấm chơi tài xỉu con sẽ đi tu”. Song lúc đó trò đỏ đen chưa bị chế độ thực dân chế tài, nhưng không hiểu vì nguyên do gì Nam bỏ gia đình lên núi học đạo?

Sau khi hạ sơn, ông ta “nặn” ra đạo lạ lùng là Đạo Dừa và cho rằng tân tiến nhất so với các tôn giáo khác. Điều đáng nói, dù tự nhận mình là người tu hành nhưng Đạo Dừa luôn ôm mộng được nắm quyền lực tối thượng, cụ thể là làm tổng thống lúc ấy.

Để thực hiện ý đồ này, Nguyễn Thành Nam đã làm vô số chuyện giật gân khiến cánh ký giả Sài Gòn lúc bấy giờ cũng không khỏi thắc mắc, đặt câu hỏi: Đạo Dừa là ai? Thánh sống hay kẻ điên khùng?...

Trong thời gian du học tại Pháp, Nguyễn Thành Nam nổi tiếng ăn chơi xả láng ở kinh thành Paris hoa lệ. Sau tám năm bôn ba xứ người trở về, Nam mặc nhiên được thân nhân gọi là “Bác vật” Nam.

Ông “Bác vật” này chẳng đi làm cho ai mà ở nhà mở hãng xà bông, hoạt động được vài năm thì bị phá sản. Làm ăn thất bại ai cũng buồn rầu, trái lại ông Nam thường xuyên đến sòng bạc Đại Thế Giới để tiếp tục... đốt tiền của gia đình.

Nguyễn Thành Nam lúc du học tại Pháp

TỪ DANH GIA THÀNH “BÁC VẬT”

Đạo Dừa hay Đạo Nam có họ tên đầy đủ là Nguyễn Thành Nam, sinh ngày 25 tháng Chạp năm Kỷ Dậu (1909) nhưng trong giấy khai sinh lại ghi ngày 22-4-1910 tại ấp Phước Thiện, tổng Hòa Quới, quận An Hóa, tỉnh Định Tường (nay là xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).

Ông ta là con trai trưởng trong gia đình giàu có gồm chín anh em. Thân sinh của Nam là ông Nguyễn Thành Thúc (Chánh cai tổng Hòa Quới giai đoạn 1840 - 1944), còn mẹ là bà Lê Thị Sen.

Người Nam bộ gọi con đầu là thứ hai. Vì gia đình khá giả, quyền thế trong xã hội lúc bấy giờ nên Nguyễn Thành Nam được gọi là “cậu Hai”. Được cha mẹ cưng chiều đến mức khi đi học gặp lúc trời mưa thì có người theo cõng nên từ nhỏ cậu Hai đã bộc lộ bản tính ham chơi, phóng túng, lúc chưa thành niên đã đàn đúm ăn nhậu, hút thuốc lá. Cậu Hai, người nhỏ con, đẹp trai, thông minh và nói chuyện có duyên.

Lúc nhỏ Hai Nam học ở trường làng, lên trung học được cha cho lên Sài Gòn vào trường Tabert. Trong sáu năm ăn học chốn thị thành, Hai Nam được song thân cho biết có ý định cho xuất ngoại sang Pháp du học. Lúc bấy giờ là năm 1928, Hai Nam tròn 18 tuổi.

Ngày lên đường, nào vali, rương, tráp được gia đình, bà con, bạn bè thuê hẳn một cỗ xe đưa lên tận Sài Gòn. Người tiễn đưa bùi ngùi vẫy tay lia lịa. Dưới tàu, Hai Nam cũng lau nước mắt lưu luyến.

NGÃ RẼ CUỘC ĐỜI

Do tàu ghé qua nhiều địa danh khác nhau nên mất một tháng trời mới đến Pháp. Khi đến Lyon, ông học tại Trường trung học Pensi Nat Des Lazanstes, sau đó chuyển sang Rouen học 3 năm ở Trường cao đẳng hóa học Institut Chimique De Rouen.

Trong những năm tháng du học tại đây, Hai Nam gần như không bỏ sót bất kỳ danh lam thắng cảnh nào trên đất Pháp, lại vướng vào mối tình đơn phương với tiểu thư Paulette de C., con gái của Công tước Henri de C. thuộc dòng dõi vua Luois thứ XVI. Thất tình đành mượn rượu tìm quên, bao nhiêu tiền gia đình chu cấp, chàng sinh viên đều nướng hết vào các hộp đêm, sòng bạc dẫn đến “cháy túi”.

Sau tám năm ở xứ người, năm 1935 Hai Nam hồi hương, với ngần ấy thời gian du học mặc nhiên được người thân truy tặng là “Bác vật” Nam, được rất nhiều tổ chức kinh tế trong nước đón nhận, song Hai Nam từ chối, ở nhà làm ăn riêng.

Với kiến thức hóa học tiếp thu được, Hai Nam thử thời vận bằng cách mở hãng sản xuất xà bông và thu mua dừa khô bên bờ sông Ba Lai trù phú. Thời điểm này, nước ta đã có hãng của ông Trương Văn Bền ở quận 5, sản xuất loại xà bông thơm lừng danh thương hiệu “Cô Ba”. Hãng của Hai Nam hoạt động được một thời gian thì đóng cửa, sau đó cậu Hai chuyển sang trông coi việc bán giấy cho nhà máy xay xát lúa gạo ở Gò Công.

Được ít lâu, vốn tính phóng túng, cậu Hai tiếp tục trở thành khách “Vip” của sòng bạc Đại Thế Giới ở Chợ Lớn. Có lần bị ông bà Cai tổng la rầy, Hai Nam đã thề rằng: “Chừng nào Chánh phủ cấm chơi tài xỉu con sẽ đi tu”.

Cũng trong thời gian này, Hai Nam cưới vợ. Người nâng khăn sửa túi cho ông là bà Lộ Thị Nga, con gái rượu của một nghiệp chủ có tiếng vùng đất Yên Luông, Gò Công (Tiền Giang). Về sau, vợ chồng Hai Nam có một người con gái tên là Nguyễn Thị Loan Anh (còn gọi là Khiêm), hiện đã ngoài 60 tuổi.

Cuộc sống gia đình đang đầm ấm thì đột nhiên Hai Nam đòi đi tu. Nếu xuất phát từ lời thề thì không hợp lý vì thời điểm đó chính quyền Pháp không cấm trò đỏ đen. Vậy thì việc xuất gia của cậu Hai có phải do căn số tu hành nhiều kiếp trước? Nhiều người cho rằng sau thời gian ăn chơi sa đọa, Hai Nam kịp nhận ra mình chỉ là kẻ thân bại danh liệt.

Tấm bằng kỹ sư mua được (sau này ông đã úp mở thừa nhận) không thể đáp ứng mưu cầu địa vị hằng mong ước, do đó Nguyễn Thành Nam đành chọn con đường tôn giáo để tiến thân. Điều này hoàn toàn có cơ sở, vì về sau cho rằng mình là người tu hành nhưng “tu sĩ” Nguyễn Thành Nam lại ôm mộng và muốn tham gia tranh cử tổng thống chế độ ngụy quyền Sài Gòn.

NHƯ TRONG TRUYỀN THUYẾT

Khoảng tám năm sau ngày du học trở về, trong lần giận dỗi gia đình, Hai Nam bỏ ra tận Nha Trang nói là đi tìm minh sư để tu học, nhưng sau đó lại quay về. Ông Nguyễn Văn Kh., nhà ở xã Tân Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre, trước năm 1975 từng là đệ tử của cậu Hai, kể về quyết tâm tầm sư học đạo của sư phụ nghe chẳng khác gì truyền thuyết.

Bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn xuất gia, Hai Nam nói dối vợ con là qua Mỹ Tho để lên sài Gòn họp mặt bạn bè, nhưng thực chất là đi Châu Đốc (An Giang) vì nghe thiên hạ kháo nhau trên núi Tượng thuộc dãy Thất Sơn có một ngôi chùa rất linh ứng. Hai Nam cũng thừa biết có giáo chủ của một đạo giáo ở nước ta cũng từng đến đây lưu trú nhiều năm mới hạ sơn lập đạo nên càng thôi thúc cậu Hai quyết tâm thực hiện ý định.

Dốc Cầu Quay, nơi “cậu Hai” gặp thầy tướng số

Trở lại cuộc hành trình, khi đến nơi thì xe đã xuất bến (thời đó mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đò chạy tuyến này và ngược lại), buồn tình cậu Hai thả bộ ra hướng sông Tiền suy ngẫm về đường tu thì bất chợt gặp một ông già đeo kính đen ngồi bên vệ đường, trước mặt trải tấm vải màu đỏ đề dòng chữ “Nơi đây xem chỉ tay, tướng số đại tài; biết những việc vị lai, quá khứ”. Lạ một điều là thầy vẫn bình chân như vại chẳng nói năng gì nên Hai Nam đành quay về.

Qua Tết Quý Mùi (1943), Hai Nam lại nói với gia đình đi Gò Công thăm gia đình vợ nhưng kỳ thực qua Mỹ Tho rồi xuống bến tàu tiếp tục đi Châu Đốc. Tranh thủ lúc tàu chưa xuất bến, Hai Nam đi dạo thì gặp lại thầy tướng số hôm nọ.

Bất chợt nhìn thấy cậu Hai, lần này ông thầy tướng chủ động đưa ra ba ngón tay rồi chỉ xuống đất, ngụ ý đã chờ ở đây ba ngày rồi và cất tiếng: “Đáng khen cho cậu cất công đi tìm núi non để tu tập và chắc chắn sẽ đắc đạo”.

Để chứng minh cho những lời tiên đoán không sai, thầy khẳng định trong vali của cậu Hai chỉ có xâu chuỗi hạt và bộ đồ tăng sĩ rồi bảo Hai Nam mở ra cho mọi người kiểm tra. Khách chứng kiến đều sửng sốt, tấm tắc khen ông thầy đoán chẳng khác nào quỷ cốc tiên sinh, còn Hai Nam thì đổ mồ hôi hột.

TÁI NGỘ “TIÊN TRI”

Sáng sớm hôm sau tàu chạy tới bến Châu Đốc, Hai Nam xách vali lên bến xe vô Bảy Núi. Vừa đến bến, cậu Hai đã thấy ông thầy tướng ngồi sẵn trên chiếc xe tự lúc nào. Một điều lạ nữa là “bệnh” cũ của thầy tái phát vì chẳng màng tiếp chuyện Hai Nam.

Đường vô Thất Sơn không có bóng người lai vãng. Phải mất nhiều giờ xe mới chạy tới ngã ba dưới triền núi. Vừa tới đây, ông thầy tướng số bỗng dưng buột miệng “Đây là núi Tượng, trên có An Sơn Tự, cậu lên đó thì bảo xe dừng”. Khi Hai Nam bước xuống xe, thầy tướng số nói với theo “Chúc cậu đi đường bình an vô sự, nhưng tôi xin nói trước, kỳ này chỉ để dọ đường đi nước bước rồi về chứ chưa tu được đâu”.

Núi Tượng còn có tên là Liên Hoa Sơn, một trong bảy ngọn núi chính nằm trong dãy Thất Sơn, cao 145 mét, dài 600 mét, rộng 400 mét, thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn. Trụ trì An Sơn Tự lúc ấy là Hòa thượng Thích Hồng Tôi, sau khi tiếp đãi ân cần, biết Hai Nam chưa thông qua ý kiến gia đình, thầy bảo “chưa được, nợ duyên chưa mãn phần, về thu xếp xong rồi lên đây thầy mới dám nhận”.

Lúc xuống núi, bất giác cậu Hai nhớ tới ông thầy tướng số nói cách đây mấy hôm, nay sự thể linh ứng, âu cũng là lẽ trời...

(Còn tiếp)

Huỳnh Thanh Tuấn - Cao Nguyên

Bình luận (0)

Lên đầu trang