Chuyện lạ miền Tây:

Kỳ 2: Hai người có chiều cao "khủng"

Thứ Tư, 09/09/2020 10:57  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Sở hữu chiều cao hơn 2m, có sức mạnh hơn người, nhưng với thân hình quá khổ đã khiến cuộc sống của “người khổng lồ” gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, họ cũng mang nỗi bất hạnh, buồn tủi vì bị trêu chọc.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa đứng cạnh mẹ với chiều cao vượt trội.

Cô gái có chiều cao 2m

Về ấp Ngãi Thuận, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh sẽ nghe nhiều bàn tán về thiếu nữ có chiều cao đến 2m. Đó là trường hợp của Nguyễn Thị Thanh Hoa (25 tuổi).

Bà Trần Thị Nga (60 tuổi, mẹ Hoa) cho biết: Hoa là đứa con duy nhất của mình. Lúc mang thai Hoa, do gia đình khó khăn nên không có điều kiện đi khám thai. “Lúc sinh ra nó chỉ 1,8kg, nhưng dài khác thường. Bác sĩ bảo nó bị bệnh bẩm sinh, kêu tôi ráng nuôi con. Thương con nên vợ chồng tôi cũng ráng làm thuê, làm mướn để nuôi” - Bà Nga nói và cho biết vợ chồng bà đều cao chưa tới 1,7m.

Theo lời bà Nga, 4 tuổi Hoa mới biết nói, còn chiều cao thì vượt trội bạn bè cùng trang lứa. Hoa cũng được gia đình cho đi học, nhưng vì đau bệnh triền miên, đôi mắt nhìn không rõ chữ nên học đến lớp 5 thì nghỉ, ở nhà phụ cha mẹ làm việc nhà. Cách đây hơn 2 năm, chồng bà Nga qua đời sau cơn bạo bệnh, nên một mình bà gồng gánh nuôi con. Hàng ngày, hai mẹ con bà tước cọng lá dừa để bán cho cơ sở làm chổi.

“Mỗi ký cọng lá dừa khô tước ra bán được 3 ngàn đồng, cọng ướt bán được 7 ngàn đồng. Hai mẹ con tước từ sáng đến chiều cũng chỉ được 20 ngàn đồng tiền công” - Bà Nga nói. Hiện tại, cuộc sống của hai mẹ con bà nhờ vào tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước.

Do chiều cao vượt trội nên quần áo của Hoa, bà Nga phải ra chợ mua vải về cho thợ may. “Quần áo may sẵn ngoài chợ không bộ nào nó mặc vừa. Dép nó mang cũng phải là dép của đàn ông mới vừa” - Bà Nga nói.

Theo Hoa, chiều cao chính là nỗi bất hạnh đối với cô, từ nhỏ đến giờ không có bạn bè. “Em chỉ chơi chung với chị em bà con xung quanh nhà chứ không có bạn bè. Em cũng chỉ ở nhà, chưa đi đâu xa” - Hoa tâm sự.

Ngoài khó khăn trước mắt, bà Nga cũng lo lắng về tương lai của con. Bà tâm sự: “Con nhà hàng xóm lớn lên đều có vợ, có chồng. Mình có đứa con duy nhất, lại là con gái nhưng lại cao quá không biết có đưa con trai nào chịu không? Giờ hai mẹ con đùm bọc nhau mà sống, chỉ sợ sau này tôi chết không ai lo cho nó”.

Ông Nguyễn Văn Y được đặt cho biệt danh “người khổng lồ”.

Người khổng lồ đất Tây Đô

Chiều cao hơn 2m, thân hình vạm vỡ, thời trẻ có sức vác hàng hóa trọng lượng lên đến 100kg và không một đôi dép nào ở Việt Nam có thể cho chân vào. Do vậy người dân trong vùng gọi ông Nguyễn Văn Y (ngụ xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) là “người khổng lồ”, “King Kong”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng (em gái ông Y) cho biết: “Anh Y là con nuôi của ba tôi. Hồi đó cha mẹ sinh 3 người con nhưng đều không giữ được nên phải xin đứa con nuôi người ta bỏ tại bệnh viện, đó là anh Y. Sau khi đem ảnh về cha mẹ đẻ một lèo 8 đứa nhưng chỉ còn 6 người. Sau đó cha tôi tìm gặp mẹ ruột anh Y, người này nói hoàn cảnh khó khăn nên đi làm công cho 1 người lính Philippines rồi… sinh ra anh Y. Hoàn cảnh khó khăn nên bà này bỏ con nên gia đình mới nhận nuôi”.

Đến nay đã ở cái tuổi lục tuần, lưng đã còng nên ông Y không còn làm việc nặng như trước. Dù vậy, hiện ông vẫn là có người giữ chiều cao kỷ lục bởi cao lên đến 2,14m. Bàn chân to gấp rưỡi người thương, tay dài lêu nghêu.

“Hồi trẻ, sức của nó dữ lắm, gấp mấy lần người thường. Bởi vậy nó làm mướn giáp cả xã này mà. Hồi đó cứ mỗi lần xay gạo xong, nó vác cái cối xay gần cả trăm ký nhảy qua mương cái rột. Lúc đó ai nhìn cũng sửng sốt bởi cái cối ấy bình thường cũng phải 2 – 3 người khiêng”, cụ Nguyễn Văn Hóa (cha ông Y) kể.

Thời còn trẻ ông Y có sức mạnh phi thường và làm mướn khắp vùng khiến ai cũng nể phục. “Mỗi lần chứng kiến cảnh ông Y đào đất mới nể. Ổng đứng dưới sông, móc từng cục đất to cả ôm ném lên bờ. Có lần người ta thuê người đắp đất nhưng từ dưới ao phải quăng qua con lộ nên ai cũng từ chối. Nghe tin ổng nhận làm và cứ đứng dưới mương xắn từng len vích bổng bay tới chỗ cần đắp luôn. Ngày trước ở đây ai cũng biết ổng làm mướn nuôi cả nhà”, một người hàng xóm cho biết.

Theo lời cụ Hóa, vào thời bao cấp, mua vải may quần áo cũng phải có tem phiếu. Nhà đông người có đến 10 suất nhưng hễ cần may áo cho ông Y là 5 người phải nhịn. Nhờ sức vóc phi thường nên ông Y hầu như bỏ cả tuổi xuân đi làm mướn. Từ đốn cây, hái dừa, đắp đất, vác lúa… cái gì mướn là ông làm bởi là trụ cột. Ngoài sức mạnh cơ bắp ông Y còn có sức ăn phi thường. “Lúc còn khỏe nấu 2 lít gạo mà ảnh ăn không đủ, còn chè trôi nước phải 50 viên” - bà Phượng nhớ lại.

Nhiều năm nay, ông Y dọn ra cất chòi ở riêng vì không chịu sống cùng gia đình. Ngoài việc thích ở một mình ông Y quanh năm chẳng hề đi dép.

“Hồi nhỏ ảnh học quên trước quên sau. Lớn nhỏ không biết mang dép chỉ đi toàn chân không dù đường đá cỡ nào và ai ép cũng không được. Giờ không đi làm mướn nữa ảnh đi lang thang, ai cho gạo, đồ ăn thì mang về. Lần đó người ta cho cả bao gạo, cái chân yếu vậy nhưng ảnh ráng vác về nhà, chút nữa là bị xe đụng. Có bữa ảnh đi 9 – 10 giờ tối mới về, thậm chí lạc đường”, bà Phượng cho hay.

(Còn tiếp…)

Bình luận (0)

Lên đầu trang