Thấy gì bên trong những viện dưỡng lão ở Sài Gòn?

Kỳ cuối: “Bài toán” viện dưỡng lão

Thứ Bảy, 27/10/2018 20:16

|

(CAO) Loạt phóng sự "Nỗi lo… tuổi già" đăng trên báo in Công an TP.HCM (Báo điện tử đổi tựa thành "Thấy gì bên trong những viện dưỡng lão ở Sài Gòn?") đã nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo độc giả. Những số phận, câu chuyện trong loạt bài đã để lại rất nhiều cảm xúc cho người đọc. 

Phải xem viện dưỡng lão như một nhu cầu tất yếu của cuộc sống hiện đại, là nhận định của hầu hết bạn đọc khi phản hồi đến báo. Nhưng vẫn còn một khía cạnh khác mà chúng tôi muốn nhắc đến: Phải làm sao để viện dưỡng lão trở nên gần gũi và đáp ứng được người dân tốt hơn, đó mà là “bài toán” cần tìm ra lời giải.

Cung không đủ cầu

Theo thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM (LĐTB&XH), thành phố chúng đang có 560 ngàn người cao tuổi, nam 190 ngàn và nữ là 370 ngàn người. Sở này hiện nay đang quản lý 16 Trung tâm bảo trợ xã hội công lập và 59 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập; trong đó có 6 đơn vị công lập và 12 đơn vị ngoài công lập (3 đơn vị có thu phí) với hơn 1800 người cao tuổi; 7 bệnh viện có khoa lão hoặc khoa điều trị cho người già.

Với con số đối lập nêu trên, có thể thấy cung đang nhỏ hơn cầu: Số lượng các viện dưỡng lão còn đang khá khiêm tốn, trong nhu cầu xã hội ngày một tăng cao. Chính phủ cách đây một năm cũng đã ban hành Nghị định 103/2017/NĐ-CP về thành lập, tổ chức, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội và Nghị định 136/2013/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. 2 nghị định này nhằm khuyến khích các đơn vị tư nhân đứng ra thành lập các trung tâm chăm sóc dành cho người cao tuổi.

Các cụ già được chăm sóc tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (Q.Bình Thạnh)

Nhưng trên thực tế thì sao? Sở LĐTB&XH cho biết, dù đã được cơ quan quản lý tạo điều kiện để thành lập nhưng đến nay, số lượng các trung tâm dưỡng lão được cấp giấy phép hoạt động vẫn còn đếm trên đầu ngón tay.

Trao đổi với phóng viên Báo CATP, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, lý do các cơ sở tư nhân không được cấp giấy phép vì trong quá trình xây dựng đề án, họ chưa xác định rõ được nhóm đối tượng phục vụ cụ thể như thế nào và đảm bảo tốt các khâu kỹ thuật chăm sóc.

Thực tế chúng tôi ghi nhận trong quá trình thực hiện loạt bài nêu trên cho thấy, ở TPHCM, các viện dưỡng lão công lập dưới sự quản lý của Sở LĐTB&XH hoạt động rất bài bản, quy củ, đóng góp nhiều vào nỗ lực chăm lo cho người già của lãnh đạo thành phố. Nỗ lực đó rất đáng được ghi nhận.

Thế nhưng, cũng cần phải nhìn nhận rằng, thực trạng gia tăng dân số (cả tự nhiên lẫn cơ học) của thành phố đang ngày một tăng, dẫn đến tình trạng quá tải tại các cơ sở công lập. Trong khi đó, các đơn vị ngoài công lập lại khó được thừa nhận, bởi những quy định pháp lý đối với hoạt động đặc thù này là rất khắt khe và đòi hỏi tính minh bạch cao.

Không khí gia đình luôn được các nhân viên tại trung tâm dưỡng lão duy trì cho các cụ cao tuổi

Một cán bộ Phòng Bảo trợ Xã hội – Sở LĐTB&XH từng chia sẻ với phóng viên rằng, dẫu biết cung không đủ cầu nhưng để phê duyệt được một hồ sơ đăng ký thành lập viện dưỡng lão tư nhân không phải là điều đơn giản.

“Đã có những trường đăng ký thành lập viện dưỡng lão, chăm sóc người vô gia cư ở TPHCM… đã cơ quan quản lý cấp phép và đi vào hoạt động. Nhưng khi chúng tôi thực hiện kiểm tra, lại phát hiện các trung tâm này lại có nhiều sai phạm, không minh bạch trong hoạt động… nên rút giấy phép” – cán bộ này trần tình.

Quả thực như vậy! Cơ quan quan quản lý hoàn toàn có cơ sở để lo ngại, khi nhiều cá nhân đứng ra thành lập viện dưỡng lão không thu phí, nhưng trên thực tế, lại “lập lờ đánh lận con đen”, hoạt động khó kiểm soát. Đó là chưa nói đến những trường hợp cá biệt hơn khi “mượn danh” viện dưỡng lão, trung trâm bảo trợ xã hội để huy động tiền tài trợ từ các nguồn không minh bạch khác. Tuy nhiên, khó không có nghĩa với việc “dậm chân tại chỗ”.

Hướng nào cho tương lai?

Quan niệm “nhỏ cậy cha, già cậy con” là suy nghĩ đã ăn sâu vào người Á Đông, nhất là với nước ta. Những bài học về luân thường đạo lý, chữ hiếu của kẻ làm con luôn được dư luận xã hội đề cao. Đó là nét đẹp tự bao đời nay, rất đáng được cổ suý. Tuy nhiên, trong guồng sống hiện đại ngày nay, chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế khác, rằng nhiều người đã hình thành quan niệm: Phải tự chủ cho cuộc sống của chính mình, dù còn tuổi trẻ hay lúc về già.

Anh Huỳnh Thanh Lâm, là giám đốc một công ty bất động sản có tiếng tại Q1, TPHCM. Nhà anh Lâm đang có cha mẹ già đều ở tuổi gần đất xa trời. Tâm sự với chúng tôi, anh luôn tâm niệm rằng sẽ phụng dưỡng cho cha mẹ đến cuối đời để làm tròn đạo hiếu. Thế nhưng ở một góc độ khác, anh không dám chắc bản thân sẽ có được may mắn được con hiếu thuận như ba mẹ anh lúc này. Bởi, xã hội luôn là bất biến và tư duy con người sẽ luôn đổi thay.

Một cụ ông được điều dưỡng viên tại Trung tâm Thạnh Lộc dìu đi

“Ai mà không được con cái hiếu thuận, thương yêu. Nhưng chúng còn công việc, còn cuộc sống riêng của chúng. Đôi lúc con rất thương mình, muốn lo cho mình nhưng điều kiện không cho phép thì cũng phải cảm thông”. Chính vì vậy, anh Lâm đã có những tính toán dự phòng cho tương lai khi chỉ mới chưa đầy 40 tuổi.

“Tôi muốn, về già, dựng vợ gả chồng cho các con xong, sẽ vô viện dưỡng lão tư nhân ở. Vậy để cuộc sống của mình và cả con được thoải mái” – anh Lâm nói.

Viện dưỡng lão tư nhân có thu phí, đó không chỉ là đích đến ở cuối đời của anh Lâm mà còn là dự tính của rất nhiều ông bố, bà mẹ trẻ có quan niệm sống hiện đại khác. Ở nơi đó, họ sẽ được chăm sóc như một “thượng đế” thực thụ, bởi cuộc sống của họ đang được “trả phí”. Đó là một lối rẽ đi ngược với tư duy cuộc sống, nhưng xét ở một góc độ nào đó thì viện dưỡng lão cũng là một quyền lời chính đáng mà người cao tuổi cần nghĩ đến.

Buổi trò chuyện của các cụ với nhân viên Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè

Nhưng như đã nói, việc thành lập một viện dưỡng lão tư nhân (không trả phí) hiện nay không phải là điều đơn giản. Còn có trả phí thì sao? Nhà nước hoàn toàn khuyến khích, tạo điều kiện tối đa nhưng thực tế thì lại có những mặt đối lập nhất định, nhất là về giá cả.

Đơn cử như ở Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bình Mỹ (huyện Củ Chi), trung bình một tháng ở đây, một người sẽ chi trả từ 13-17 triệu đồng. Dù được chăm sóc, an dưỡng rất tốt nhưng với mức thu nhập bình quân của người dân thành phố, thì những người bình dân khó lòng họ đủ điều kiện để vào sống ở đây.

Số còn lại là các viện dưỡng lão có Nhà nước hoạt động theo hình thức có thu phí một phần đối với nhóm đối tượng có nhu cầu hoặc miễn 100% chi phí đối với diện đối tượng chính sách, và cơ nhở, lang thang, có khiếm khuyết về cơ thể… lại rất hạn chế vì thủ tục xét duyệt rất kỹ lưỡng, hạn chế vì nguồn ngân sách có giới hạn.

Cuộc sống đầy đủ tiện nghi bên trong các trung tâm dưỡng lão công lập

Đó là những điểm khó đang tồn tại hiện nay trong công tác chăm lo cho người cao tuổi. Dù giàu hay nghèo, rồi ai cũng phải đối diện với tuổi già. Có người may mắn được con cái hiếu thuận, thương yêu chăm sóc, cũng có người cố tình bị… hắt hủi, lãng quên. Xã hội luôn đau đáu về những người già bất hạnh và Nhà nước hàng năm, luôn có rất nhiều chính sách dành cho họ.

Nhưng trên thực tế, câu chuyện làm sao để người già được chăm lo đầy đủ, lại luôn là bài toán khó, cả về lý lẫn tình. Để giải được bài toán đó, cần có những hoạch định cụ thể với thực tiến và quyết liệt hơn trong tương lai gần, để người già được quan tâm đầy đủ như lẽ thường mà xã hội vẫn thường dạy răn.

Thủ tục thành lập viện dưỡng lão tư nhân

Điều kiện để thành lập trung tâm bảo trợ xã hội được quy định tại Nghị định 68/2008/NĐ-CP. Để xây dựng cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phải đảm bảo các quy định về môi trường và yêu cầu kỹ thuật. Trong đó, về môi trường phải đảm bảo đạt đủ các quy chuẩn như: Cơ sở bảo trợ xã hội phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, trường học, bệnh viện, không khí trong lành có lợi cho sức khoẻ của đối tượng; có điện, nước sạch phục vụ cho sinh hoạt. Diện tích đất tự nhiên bình quân 30 m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 10 m2/đối tượng ở khu vực thành thị. Diện tích phòng ở của đối tượng bình quân 6 m2/đối tượng.

Đối với đối tượng phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày, diện tích phòng ở bình quân 8 m2/đối tượng. Phòng ở phải được trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của đối tượng…. Bên cạnh đó, các yêu câu về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng được bảo đảm mức sống theo quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, được chăm sóc sức khỏe…

Bà Hứa Thị Hồng Đang – Chủ tịch UBND Q.Tân Phú:

Công tác chăm người cao tuổi, người có công với cách mạng trên địa bàn Q.Tân Phú luôn được lãnh đạo quận uỷ, UBND Q.Tân Phú quan tâm thực hiện. Hàng năm, chúng tôi luôn đều đặn tổ chức thăm hỏi, chúc tên các cụ cao tuổi hay thực hiện các chương trình văn hoá nghệ, thuật, khám chữa bệnh miễn phí… Bên cạnh đó, UBND Q.Tân Phú luôn thực hiện sát sao các chỉ đạo của UBND TP.HCM liên quan tới công tác chăm sóc người cao tuổi, gần đây nhất là kế hoạch và mục tiêu trong tháng hành động vi người cao tuổi. Rà soát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các gia đình, các đối tượng có nhu cầu tìm đến các trung tâm, cơ sở bảo trợ người cao tuổi để kịp thời thẩm định hồ sơ.

Chuyên gia tâm lý Đào Lê Hoà An:

Thời nay, việc con cái đưa cha mẹ đến các viện dưỡng lão để an dưỡng đã là chuyện được cảm thông. Chúng ta phải nhìn nhận thực tế, các cơ sở, trung tâm bảo trợ người cao tuổi luôn có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng đạt chuyên môn cao. Ở đó, cha mẹ chúng ta có môi trường lý tưởng để được chăm sóc các cụ tốt nhất. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, người Việt ta vẫn theo văn hoá của người Á Đông. Văn hoá đó chinh là bữa cơm gia đình, bữa cơm sum vầy, ông bà, cha mẹ chung sống hạnh phúc với con cháu chính. Đó là nét đẹp! Và rõ ràng, nếu không vì nguyện vọng thiết thực của cha mẹ hoặc điều kiện không cho phép để phụng dưỡng cha mẹ, chúng ta cần phải tiếp tục duy trì truyền thống quý báu này.

Chị Nguyễn Thuỳ Linh - ngụ Q.Tân Bình:

Tôi cũng có con nhỏ và rõ ràng, ai mà không mong con mình khi lớn lên, sẽ hiếu thuận với mẹ, cha. Nhưng tôi nghĩ, trong một xã hội hiện đại thì các ông bố, bà mẹ trẻ cũng nên có lộ trình cho tương lai, lúc về già. Cuộc sống gia đình luôn quý giá sự sum họp, nhưng nếu thương con và không muốn bản thân trở thành gánh nặng thì khi lớn tuổi, chúng ta có thể tự chủ bằng nhiều cách, chứ không phải nhất thiết là mong các con cơm bưng nước rót cho mình. Phải tự chủ tài chính từ lúc trẻ để khi về già, nếu con cái không đủ điều kiện lo cho mình thì vào viện dưỡng lão.

Bình luận (0)

Lên đầu trang