Làm gì để ngăn chặn ấu dâm và giải quyết hậu quả cho trẻ?

Chủ Nhật, 02/04/2017 07:33  | Ngô Đồng

|

(CAO) “Khi chuyện đã xảy ra, phụ huyh đừng đổ lỗi cho nhau cũng đừng đổ lỗi cho bé mà hãy đồng hành cùng bé để bé nói lên sự thật. Nhà trường, gia đình, cơ quan y tế, cơ quan chức năng nên liên kết lại bảo vệ bé", BS tâm lý Hoàng Vũ Quỳnh Trang chia sẻ.

Đừng đổ lỗi khi sự việc xảy ra

“Khi chuyện đã xảy ra, tuyệt đối không sử dụng vũ lực, đòn roi vì chính các bé là nạn nhân của một tai nạn. Cha mẹ cũng không nên đổ lỗi cho nhau và cho con cái mà cần hợp sức cùng tìm hướng tích cực nhất để giải quyết hậu quả.

Một số trường hợp, chính cha mẹ cũng cần được hỗ trợ tâm lý để ngăn chặn căng thẳng, bất hòa trong gia đình và xã hội. Ngoài ra, người gây ra tội cũng phải được can thiệp tâm lý.

'Yêu râu xanh' xâm hại trẻ em thường núp bóng người thân quen
 

"Ngay sau khi phát hiện, hoặc nghi ngờ qua những dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được hỗ trợ chuyên môn, tâm sinh lý.

Nếu phát hiện sớm, còn tang chứng vật chứng thì đưa đi khám càng sớm càng tốt; đồng thời tạo cho con một môi trường an toàn, bình yên nhằm thoải mái thổ lộ mọi chuyện", BS Trang khuyến cáo.

Hãy cố gắng hạn chế chạm đến nỗi đau của bé trong việc điều tra nguyên nhân. Ảnh minh họa

Mặc khác, hãy cố gắng hạn chế chạm đến nỗi đau của bé trong việc điều tra nguyên nhân. Nếu sự việc chưa xảy ra, hãy dạy bé những kỹ năng tự bảo vệ, bằng cách chỉ cho bé thấy cơ thể mình là quan trọng, phải biết cách từ chối, cần cứu", BS Trang nói.

BS Quỳnh Trang cho hay, thực tế những vụ việc trẻ bị ấu dâm cho thấy chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ từ chuyên gia y tế và các cơ quan chức năng như công an, pháp y...

Con trẻ thường phải đối mặt với các giai đoạn khác nhau: khai thác bệnh sử (bác sĩ), lấy mẫu bệnh phẩm hoặc đánh giá thương tích (pháp y), điều tra vụ án (công an). Mỗi lần phải nhớ lại những gì đã xảy ra sẽ tăng thêm sự hoảng loạn, khoét sâu vào nỗi đau của con trẻ và gia đình.

BS Quỳnh Trang đề nghị, trường hợp những vụ ấu dâm xảy ra với con trẻ, các đơn vị liên quan nêu trên cần phải thống nhất phương án xử lý, thực hiện đồng bộ mọi nghiệp vụ trong cùng một lần duy nhất để tránh gây tổn thương thêm cả thể xác và tinh thần cho con trẻ.

Làm gì để ngăn chặn ấu dâm?

Từ những thực tế đau lòng đã xảy ra, bác sĩ kêu gọi phụ huynh nên gần gũi, trò chuyện với con em mình trên tinh thần cởi mở về mặt giới tính phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Ngay từ khi trẻ bắt đầu có nhận thức, thường là khi trẻ 3 tuổi, phụ huynh cần chỉ cho trẻ biết những vùng kín trên cơ thể người khác không được đụng chạm, dù là cha mẹ cũng phải xin phép.

"Xã hội cần xem vấn đề xâm hại, lạm dụng trẻ là vấn đề nghiêm trọng vì nó ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của trẻ", BS Trang chia sẻ. Ảnh: NĐ

Dạy cho trẻ những kỹ năng sống, không để trẻ tắm “lộ thiên”, cha mẹ cũng không nên tắm cùng con. Trẻ cũng cần mặc quần áo trước khi rời nhà tắm, không khỏa thân để người khác thấy.

"Không nên tắm chung cũng như ngủ chung với trẻ, nói với trẻ 'khi con lớn thì con phải ngủ riêng'. Việc quá gần gũi cũng khiến con dễ bị lệch lạc giới tính. Một số gia đình bị 'rối loạn vận hành', cha mẹ không hòa thuận, li dị, thương trẻ không đúng cách, lâu dần cũng ảnh hưởng đến trẻ. Không để trẻ một mình hoặc ở với người lạ, người khác phái", BS Trang khuyến cáo.

Từ 3 đến 6 tuổi, cần tập cho trẻ thói quen mặc đồ lót để hạn chế nguy cơ lộ vùng kín, kích thích "tà tâm" những kẻ bệnh hoạn.

Khi trẻ đến tuổi đi học, phụ huynh không nên phó mặc cho nhà trường mà phải có sự kiểm soát bằng cách sử dụng những hình ảnh, câu chuyện từ sách báo, tìm cách nói chuyện thường xuyên với con, đề cập đến vấn đề giới tính cùng con. Khuyến khích bữa cơm gia đình.

Đặc biệt trẻ 6 đến 12 tuổi, cha mẹ phải tích cực tâm tình cùng con, đến khi trẻ dậy thì mọi vấn đề giới tính sẽ cởi mở hơn.

"Trường học cũng nên có tham vấn tâm lý học đường, vì có những vấn đề, trẻ không nói với cha mẹ, nhưng lại thổ lộ với thầy cô giáo. Phải lấy trẻ bằng trung tâm", BS Trang nói.

Với trẻ tự kỷ, thiểu năng phụ huynh phải kiên nhẫn trong việc giáo dục giới tính cho trẻ thông qua hình ảnh. 

"Xã hội cần xem vấn đề xâm hại, lạm dụng trẻ là vấn đề nghiêm trọng vì nó ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của trẻ, không chỉ ảnh hưởng ngay lúc xảy ra vụ việc, mà còn ảnh hưởng về sau vì những biến chứng và sang chấn suốt đời", BS Trang nói.

Bác sĩ tâm lý 'lặng người' khi kể lại chuyện những trẻ bị xâm hại, lạm dụng tình dục
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang