Người Sài Gòn khốn đốn vì ‘đại hồng thủy’

Thứ Hai, 17/10/2016 21:54  | Tiến Mạnh

|

(CAO) Tài sản, hoa màu bị nước cuốn trôi. Nhà cửa, đường xá ngập sâu trong nước gây xáo trộn đời sống, ách tắc giao thông. Đó là những gì mà người dân TP đang hứng chịu bởi đợt triều cường cao nhất năm.

Nhà ngập hơn nửa mét

Chiều ngày 17-10, hàng chục hộ dân ở P.Thạnh Xuân (Q.12, TP.HCM) vẫn còn bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đê bao gần cầu Cống Hộp số 4 vào chiều qua (16-10).

Nhà dân ở P.Thạnh Xuân bị nước ngập tràn vào nhà

Người dân vẫn chưa thể về nhà vì nước rút chưa hết, nhiều vật dụng, tài sản trong bị hư hỏng do nước ngập. Trong khi đó, thời tiết đổ mưa và triều cường tiếp tục dâng cao.

Ẵm con nhỏ ngồi trên ghế, chị Nguyễn Thị Lương (38 tuổi) thở dài: “Nước ngập nhanh quá. Vài phút đã dâng cao hơn nửa mét nên nhà tôi không kịp dọn dẹp đồ đạc. Tôi và mấy đứa nhỏ qua nhà bà con ngủ nhờ, còn chồng tôi phải ở lại canh đồ”.

Nước ngập lênh láng tứ phía

Chung hoàn cảnh, cả 4 người trong nhà chị Phạm Thị Thảo (26 tuổi) phải sang ở nhờ nhà bà con vì ngôi nhà bị nước ngập sâu và lênh láng chưa từng có. “Đến sáng thì nước có rút bớt nhưng vẫn còn và bốc mùi hôi nồng nặc”, chị Thảo cho biết.

Hoa màu bị nước cuốn trôi

Thống kê sơ bộ, sự cố vỡ đê bao làm hơn 40 hộ dân bị ảnh hưởng cùng với nhiều tài sản bị hư hại và khoảng 10 hecta đất bị nước nhấn chìm, trong đó có hoa màu của người dân.

Sáng 17-10, các hồ nuôi cá của hộ dân ở P.Thạnh Xuân vẫn còn bị ngập trong nước

Được xây tường cao hơn 1m nhưng 5 ô cá cảnh Hồng Nhung ước tính khoảng 25.000 con của ông Phan Văn Phát (64 tuổi, ngụ số 138/29 P.Thạnh Xuân) đã bị mất trắng vì nước tràn vào như lũ cuốn trôi ra ngoài.

“Lứa cá này chuẩn bị đưa ra thị trường, mỗi ô như vậy khoảng 6 triệu đồng nhưng giờ chẳng còn gì”, ông Phát buồn rầu cho hay.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Tư (59 tuổi) nuôi gần 20 hồ cá cảnh và do nước tràn vào đột ngột nên chỉ kịp vớt 3-4 hồ. Ước tính thiệt hại hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều tài sản trong nhà bị nước ngập gây hư hỏng.

Bên cạnh đó, nhiều vườn mai kiểng, rau muống, hoa lan trên địa bàn cũng bị nhấn chìm trong biển nước, hư hại nặng nề khiến người dân đứng ngồi không yên.

Thửa rau bị nhấn chìm trong biển nước

Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết, do van ngăn triều cống Đá Hàn bên sông Vàm Thuật gặp sự cố không đóng được khiến triều cường dâng cao đã làm vỡ bờ bao.

Tính đến cuối giờ chiều ngày 17-10, các đơn vị đã sửa chữa xong cống Đá Hàn nên thực hiện việc mở cống để nước rút và đồng thời tiến hành dùng máy bơm công suất lớn bơm nước khỏi khu vực ngập. Đồng thời bố trí lực lượng túc trực để ứng phó với đợt triều cường tiếp theo.

Đường biến thành sông

Theo cảnh báo của Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, có 9 tuyến đường trên địa bàn TP sẽ bị ngập sâu trong nước do ảnh hưởng bởi đợt triều cường đang diễn.

Đường Huỳnh Tấn Phát được xem là điểm đen về ngập do triều cường

Do mưa lớn kết hợp với triều cường nên chiều hôm qua và hôm nay (17-10), các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương (Q.7), Lương Định Của, Nguyễn Văn Hưởng, xa lộ Hà Nội, Quốc Hương (Q.2), Quốc lộ 50 (H.Bình Chánh), Tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân), Nguyễn Hữu Cảnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, khu vực Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức)… chìm trong biển nước.

Do đường bị ngập sâu, nước tràn vào nhà nên người dân phải dùng bao cát ngăn nước, kê đồ đạc lên cao. Ngoài đường, nhiều phương tiện chết máy, giao thông ùn tắc nhiều giờ.

Người dân lấy bao cát ngăn nước tràn vào nhà
Biển cảnh báo được dựng trên đường Huỳnh Tấn Phát để hướng dẫn người đi đường tránh lối đi nguy hiểm

Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước đỉnh triều vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai sẽ tiếp tục lên trong những ngày tới và đạt đỉnh vào hôm nay và ngày mai (18-10).

Cụ thể, đỉnh triều tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) có khả năng lên mức 1,63 đến 1,68m, cao hơn mức báo động 3 từ 0,13 đến 0,18m. Thời gian xuất hiện đỉnh triều trong ngày từ 5 – 7 giờ và từ 17 – 19 giờ.

“Sau khi sự cố xảy ra, chính quyền đã sơ tán người già, trẻ em khỏi những căn nhà bị ngập. Đồng thời, huy động hơn 70 dân quân cùng cán bộ phường và lực lượng chữa cháy Q.12 nhanh chóng có mặt để triển khai phương án ứng cứu 10 hecta hoa màu, cây kiểng... Đến trưa 17-10, công tác khắc phục hậu quả đã cơ bản xong", Ông Vũ Anh Đức - Chủ tịch P.Thạnh Xuân cho biết.

Theo ông Đức, có 3-4 hộ dân bị ngập nặng và chính quyền địa phương đã lên kế hoạch thăm hỏi, động viên và hỗ trợ. "Chúng tôi đang thống kế thiệt hại về vật chất, hoa màu của bà con và làm báo cáo lên quận, trung tâm chống ngập để đưa ra phương án hỗ trợ cho bà con", ông Đức thông tin.

Bình luận (0)

Lên đầu trang