Thung lũng Tân Hóa hoang tàn sau mưa lũ

Thứ Hai, 17/10/2016 21:33  | Hoàng Quân

|

(CAO) Xã miền núi Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) những ngày qua chìm trong biển nước; gây thiệt hại nặng nề. Hiện, xã vẫn bị cô lập, chia cắt.

Tối 16 và ngày 17-10, PV Báo Công an TP.HCM tiếp cận nơi đây và chứng kiến cảnh bà con gồng mình chống chọi với lũ dữ trong cảnh khó khăn, túng thiếu.

Trắng đêm gồng mình trong lũ dữ

Xã Tân Hóa từng bị ngập nặng

Vượt hàng trăm cây số, chiều tối 16-10, PV Báo Công an TPHCM cũng tiếp cận được đường vào xã Tân Hóa. Toàn xã bị cô lập, chia cắt trong mênh mông biển nước. Được sự giúp đỡ của Công an huyện Minh Hóa, PV lên được chiếc ca nô của đơn vị làm nhiệm vụ túc trực mưa lũ, cứu giúp dân để vào trung tâm xã Tân Hóa. Đây là một trong những địa phương bị ngập nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều nơi bị ngập từ 3 – 5m, tổn thất rất nặng nề với gần 100% nhà dân bị nước lũ nhấn chìm, một người tử vong, nhiều tài sản bị hư hỏng...

Tính đến chiều 17-10, tỉnh Quảng Bình có 18 người chết và 3 người mất tích do mưa lũ, 13 người bị thương. Hầu hết các địa phương trong tỉnh nước lũ đã rút, chỉ còn 2 xã Tân Hóa và Thượng Hóa của huyện miền núi Minh Hóa vẫn bị ngập nặng, bị chia cắt với bên ngoài. Việc đi lại chỉ bằng thuyền, ca nô…

Ông Hồ Thanh Đá – Chủ tịch xã Tân Hóa nói về tình hình: “Nước lũ bắt đầu tràn về từ chiều 14-10 và đến 15 thì dâng cao khiến xã bị ngập lụt nặng. Xã nằm gọn trong lòng chảo bốn bề là núi nên trở thành túi nước khổng lồ. Xã có 668 hộ thì gần 400 căn nhà bị ngập đến gác, gần 10 nhà ngập đến nóc. Giao thông tê liệt hoàn toàn. Con đường độc đạo vào xã ngập sâu trong khi các phương tiện đường sông như thuyền rất khan hiếm. Người dân hoàn toàn bị cô lập. Nước lũ về chỉ trong chốc lát cả xã chìm trong biển nước. Mọi người hoảng loạn, í ới gọi nhau, tất bật chuyển đồ đạc, tài sản lên cao. Nhưng nhiều gia đình chuẩn bị không kịp nên đành 'bỏ của chạy lấy người'”.

Người thân trước bàn thờ ông Thái Xuân Năng tử vong
Người vợ ông Năng

Ông Đá cho biết thêm, những ngày qua, người dân cố trèo lên gác nhà để tránh lũ hoặc lánh nạn ở các bè, nhà chống lũ làm bằng phuy. Do là địa phương “rốn lũ” nên bà con chủ động làm nhà nổi bằng phuy từ trước (hơn 300 cái), nếu không sẽ thiệt hại, thương vong lớn hơn. Trước đó, chính quyền, đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con di dời những hộ dân ở vùng trũng thấp lên vùng cao. Trong những ngày qua, lực lượng công an, biên phòng, bộ đội chạy ca nô đi đến từng nhà cứu người bị kẹt và cứu trợ mì gói, lương khô cho người dân.

Dường như cả đêm, người dân không ngủ; những ánh đèn dầu, đèn bin loe loét không nhìn rõ được mặt người, chỉ thông tin bằng tiếng gọi: “Còn chi ăn không”, “Có ai bị răng không?”... Rồi bà con chia nhau mắm muối, mì tôm… để chống đói trong đêm. Đến 0 giờ ngày 17-10, nước rút nhiều, những căn nhà bắt đầu có “hình hài”. Bà con kéo xuống dưới dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc, tìm lại những vật dụng cần thiết. Nhiều người ngậm ngùi xót xa khi rất nhiều tài sản, đồ đạc đã bị nước cuốn hoặc hư hỏng nặng.

Chị Cao Thị Thêm (40 tuổi, trú thôn 3 Yên Thọ) nghẹn ngào: “Nước lụt ngập đến gần nóc nhà. Mọi thứ trong nhà tôi trôi hết, không còn chi nữa. Cả nhà sống tạm bợ bằng mì tôm mấy hôm nay. Giờ chỉ trông chờ cứu trợ”.

Xã Tân Hóa vẫn còn bị cô lập, phải đi đò
Bộ đội giúp giáo viên dọn dẹp sau lũ

Thương lắm bà con vùng lũ

Con sông Rào Nậy nước réo rắt, đục ngầu chảy qua địa bàn xã Tân Hóa cuốn trôi nhiêu đồ đạc, tài sản; cả con người cũng bị nước cuốn đi dẫn đến thương vong. Lúc 7 giờ 30 ngày 14-10, ông Thái Xuân Năng (63 tuổi, trú thôn 3 Yên Thọ) trong lúc cùng con trai và cháu nội trên đường lên rẫy để đi về nhà, ngang qua đập tràn Mụ Rì đúng lúc lũ về. Ông Năng cùng cháu nội mới 8 tuổi bị cuốn trôi. Người con trai ông Năng chỉ kịp lao xuống cứu được con trai, bất lực không cứu được bố.

Suốt ba ngày, người nhà, bà con hàng xóm, chính quyền và các cơ quan chức năng tổ chức tìm kiếm nhưng không thấy tung tích ông Năng. Công tác này gặp khó khăn do nước mênh mông lại chảy xiết. Ba ngày sau người dân và lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể ông Năng cách nơi bị nạn khoảng 1 km…

Quà cứu trợ người dân xã Tân Hóa tập kết trên bờ chờ vận chuyển vào xã
Lán trú mưa lũ trên núi
Phụ nữ trẻ bế con trú trong nhà nổi tránh lũ

Cuộc sống người dân Tân Hóa chủ yếu làm nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và dựa vào rừng. Nhưng mưa lũ “cướp” đi hàng tấn lương thực, thực phẩm, trâu bò, lợn gà… với hàng nghìn con. Ước thiệt hại trên toàn xã khoảng hàng chục tỷ đồng. Hơn 3 ngày bị cô lập, thức ăn, nước uống của bà con dần cạn kiệt. Ông Ngô Thanh Đá – Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết, hiện địa phương đang rất khó khăn về lương thực và nước uống bởi mưa lũ đã cuốn trôi và xung quanh chỉ toàn nước bẩn, bùn lầy. Về lâu dài, bà con rất cần vốn để sửa chữa nhà cửa, đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, ổn định lại cuộc sống.

Ngày 17-10, chính quyền địa phương, lực lượng công an, biên phòng cùng các cơ quan ban ngành và nhân dân đang nỗ lực khắc phục sự cố sau mưa lũ, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống. Bà con gắng gượng dậy dọn dẹp nhà cửa, kiếm lại những tài sản gì còn có thể sử dụng được. Một số đoàn từ thiện từ mọi miền tổ quốc đã mang theo hàng cứu trợ và tình cảm về san sẻ với nỗi đau, mất mát của bà con Tân Hóa.

Bình luận (1)

Thương quá miền trung oi

Huy vu - Thứ Ba, 18/10/2016, 20:53 Trả lời | Thích
Lên đầu trang