Xóm cà ràng Phú Thọ tất bật những ngày giáp Tết

Thứ Sáu, 22/01/2016 05:23  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Hơn một tháng nay, hàng chục cơ sở làm lò cà ràng (lò đất) ở ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ và ấp Thượng I, thị trấn Phú Mỹ (thuộc huyện Phú Tân, An Giang) hoạt động hết công sức để đủ hàng cung ứng cho mối lái.

Xóm làm lò cà ràng này được hình thành cách nay khoảng hơn 70 năm.

Nguyên liệu làm lò được mua về từ Hòn Đất (Kiên Giang), bởi đất nơi đây có lẫn cát mịn. Thuở đầu, ăn nên làm ra nên số hộ làm nghề tăng lên hàng chục.

Mỗi đội gồm 3 thành viên tiến hành xay đất cho các cơ sở làm lò

Với công việc này, suốt ngày người thợ tay chân, quần áo dính đầy bùn đất, tiếp xúc bụi tro, hít khói của lò nung.

Bà Lê Thị Á (70 tuổi) có trên 25 năm làm cà ràng ở ấp Phú Mỹ Hạ nói: “Cái nghề này có từ thời cha tôi tới giờ. Lúc ấy, xóm này sung túc lắm, vì nghề có ăn nên gia đình nào cũng làm. Suốt ngày, tay chân ai cũng lấm lem bùn đất, ấy thế mà vui lắm.

Tuy nhiên, chục năm trở lại đây, do sự tiện lợi của bếp gas mà nghề này chựng lại thấy rõ. Đã có nhiều gia đình bỏ nghề hoặc gượng duy trì để tìm nghề khác chuyển đổi. Có lẽ vì có tình cảm sâu nặng với nghề mà gia đình tôi gần chục thành viên gắn bó với nó. Ngày nào cũng đến 10 giờ đêm mới nghỉ và 3 giờ sáng là các con ra bắt đầu công việc”.

Để cho ra một cái lò phải trải qua nhiều công đoạn như: Nhận vĩ, bỏ manh, nắng mỏ, làm láng…

Khom lưng hàng giờ đồng hồ để nắng lò giữa trưa nắng oi ả và thỉnh thoảng quệt đi từng giọt mồ hôi thi nhau lăn trên má, chị Trần Thị Lan (45 tuổi, ngụ ấp Thượng I) gắn bó với nghề trên 20 năm nay, cho biết: “15 tuổi tôi đã theo cha học nghề và làm lò. Hiện mỗi ngày, vợ chồng làm được 60 cái lò số 1 và 2. Lúc này, vào vụ nên phải tăng ca gấp đôi".

Người thợ tiến hành bỏ manh vào khuôn

"Nghề này đứng lâu nên chân bị tê cứng, đau khớp, móng tay thúi hết, chịu khói và bụi tro, do đây là nghề gia truyền chứ tự nhiên ra làm thì ngán lắm. Tuy nhiên có nghề trong tay cũng đỡ hơn là đi Bình Dương làm mướn cho người ta. Nghề này nói dễ chứ làm cực lắm. Riêng công đoạn tạo hình, chỉ liệt kê thôi đã không xuể rồi, nào là: Bỏ manh, vào vĩ, nắn mỏ, làm láng, phơi khô…Tất cả đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ”, chị Lan cho hay.

Với việc nắn mỏ, phụ nữ phải khom lưng hàng tiếng đồng hồ

Nghề làm lò đất ở đây diễn ra quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng Chạp đến tháng Tư (âm lịch). Vì thời điểm này thời tiết thuận lợi cho việc phơi lò, nhu cầu thị trường tăng cao.

Sản phẩm chủ yếu bán cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia.

Mỗi ngày, một thợ lành nghề làm được từ 20 – 30 cái lò (tùy loại). Lò từ khi bắt đầu làm đến 5 ngày sau mới bán được đó là trời nắng, còn trời mưa có khi lên đến hơn nửa tháng. Bởi, trước khi cho lò vào bồn đốt phải được phơi khô từ 2 – 3 nắng.

Sau khi nắn xong lò được đem ra phơi nắng

Lò đất ở đây chia làm 4 loại, lò thượng (số 4) có giá 40.000 đồng/cái, lò số 3 có giá 35.000 đồng/cái, lò nhất (số 2) có giá 30.000 đồng/cái, lò nhì (số 1) có giá 25.000 đồng/cái, trừ đi chi phí còn lãi từ 4.000 – 10.000 đồng/cái. 

Không chỉ vất vả ở công đoạn làm mà cực nhất của nghề này là đưa cà ràng vào lò nung, người thợ phải thức thâu đêm để canh sao cho lò không lên lửa mà chỉ lên khói. Kéo dài khoảng 24 giờ, cà ràng chuyển sang màu đỏ thì sản phẩm được hoàn tất.

Sau công đoạn làm láng, lò được đưa vào bồn đốt
Lò đưa ra khỏi bồn đốt được gia công lại những chỗ răn nứt

Để có hàng cung ứng cho mối lái, các cơ sở phải hoạt động hết công sức từ 3 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm. Không chỉ vất vả ở các công đoạn: Bỏ manh, vào vĩ, nắn mỏ, làm láng, phơi khô mà đến khi cho cà ràng vào lò nung, người thợ phải thức thâu đêm để canh sao cho lò không lên lửa, chỉ lên khói. 

Duy trì tốc độ làm việc như vậy, trong khi nguồn thu nhập “bọt bèo”, chất lượng cuộc sống ngày một giảm dần theo thời gian. Bởi, lượng nguyên liệu giao ngày một ít đi.

Nếu trước đây, mỗi ghe đất cho ra hàng trăm cái lò thì nay đã giảm đi một nữa. Chưa kể giá trấu để nung lò lại quá cao, từ vài ngàn đồng/bao, đến nay đã tăng lên từ 19.000 – 20.000 đồng/bao.

Lò được các mối lái đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia

Ông Nguyễn Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Phú Thọ cho biết: “Nghề làm lò đất ở ấp Phú Mỹ Hạ và ấp Thượng I hình thành mấy chục năm nay, chủ yếu là lao động thủ công".

"Hiện ấp Phú Mỹ Hạ có 37 hộ sản xuất , thuộc tổ 1 và tổ 2, với 141 lao động. Sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu…Năm nay, tình hình sản xuất cà ràng có phần ổn định hơn các năm trước”, ông Tám cho biết thêm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang