(CAO) Liên quan vụ việc bé trai 3 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem xảy ra hôm 20-10 tại Nghệ An, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm-thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, đã có những chia sẻ.
Theo bác sĩ Khanh, nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổng kết 3 nguyên nhân chính gây ra các sự cố về tiêm vắc xin.
Một, do quá trình bảo quản, vận chuyển vắc xin không bảo đảm an toàn.
Hai, do quá trình vô trùng trong khi tiêm.
Ba, là do sốc phản vệ trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý nền (của người được tiêm) gây tử vong sau tiêm vắc xin.
Tử vong liên quan vắc xin: phần lớn là do sốc phản vệ trùng hợp bệnh lý nền. Ảnh minh họa
“Vài triệu liều vắc xin được tiêm mới có một trường hợp sốc phản vệ. Nhưng trong y khoa, nếu chỉ sốc phản vệ đơn thuần thôi thì rất khó gây tử vong.
Về nguyên tắc khoa học, sốc phản vệ nếu phát hiện kịp thời, xử lý đúng, bệnh nhân sẽ phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, phần lớn các ca tử vong sau tiêm vắc xin là do sốc phản vệ trên một người mang bệnh lý nền nào đó, nhất là tim bẩm sinh hoặc nhiễm trùng huyết, làm cho cơ chế sốc thúc đẩy thêm, gây nặng và tử vong”, bác sĩ Khanh giải thích.
Hơn nữa, sốc phản vệ dễ nhận biết bởi các dấu hiệu nổi mề đay, nổi ban, ngứa ngáy xuất hiện rất cấp tính, chỉ trong vòng từ 5-30 phút đầu sau tiêm, hiếm khi xảy ra trễ hơn.
Trường hợp em bé 3 tháng tuổi mới đây ở Nghệ An, sau khi tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem chỉ khoảng 5 phút, em bé đã khóc rồi ngất và tử vong.
Do đó bác sĩ Khanh khẳng định: “Bản thân vắc xin không có lỗi và việc chích ngừa trùng hợp với một em bé tử vong do bệnh lý nền sẽ còn xảy ra. Điều này là không thể tránh khỏi, cho dù sử dụng vắc xin gì đi nữa, mắc rẻ cỡ nào, ở bất kỳ đâu trên thế giới, nước giàu hay nước nghèo”.
Bác sĩ Khanh khẳng định: “Bản thân vắc xin không có lỗi và việc chích ngừa trùng hợp với một em bé tử vong do bệnh lý nền sẽ còn xảy ra. Điều này là không thể tránh khỏi, cho dù sử dụng vắc xin gì đi nữa, mắc rẻ cỡ nào, ở bất kỳ đâu trên thế giới, nước giàu hay nước nghèo”.
Ông Khanh cho biết thêm, mỗi ngày, có khoảng 200 trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam chết vì các bệnh lý thông thường. Con số tử vong này luôn có và giao động ở mỗi quốc gia.
Riêng đối với vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng quốc gia, theo bác sĩ Khanh, thành phần HIB (ngừa viêm màng não) trong vắc xin này cũng giống hệt các vắc xin dịch vụ khác. Chỉ có sự khác biệt của thành phần ngừa ho gà trong 2 loại vắc xin Quinvaxem và dịch vụ mà thôi. Tuy nhiên, từ lâu tại Việt Nam, cũng chỉ chích DTP là thành phần ngừa ho gà giống như trong Quinvaxem.
Tóm lại, theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm này, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia mang lại lợi ích lớn khi giúp khống chế bệnh dịch.
“Phải làm nhiều, liên tục, đều đặn, không lơ là vì nếu không bệnh dịch sẽ quay lại. Và khi càng làm nhiều, làm đều thì sự cố xảy ra liên quan hay không liên quan đến vắc xin chắc chắn phải có. Nhưng cần hiểu phần lớn sốc phản vệ sau tiêm vắc xin không gây tử vong và rất dễ xử lý, trừ khi có bệnh lý nền”, bác sĩ Khanh nói.