Ca mổ tối khẩn cấp, chỉ mất 9 phút cứu em bé bị dây rốn quấn 4 vòng quanh cổ

Thứ Bảy, 11/11/2017 08:09  | Ngô Đồng

|

(CAO) Bé trai nặng 3kg đã được chào đời an toàn với ca mổ có tốc độ nhanh khủng khiếp. Các bác sĩ cũng không khỏi kinh ngạc khi em bé bị dây rốn quấn 4 vòng quanh cổ, chỉ một phút chậm trễ, em bé có thể nguy kịch tính mạng.

PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM vui mừng cho biết, tại đây vừa diễn ra ca mổ tối khẩn cấp, cứu kịp thời bé trai bị dây rốn quấn 4 vòng quanh cổ.

PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM

Theo đó, thai phụ V.T.T.Đ. (22 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) nhập viện Bệnh viện Hùng Vương khi thai được 38 tuần, có dấu hiệu đau bụng, cổ tử cung mở nhưng chưa có dấu hiệu chuyển dạ nhiều. Sản phụ được nằm viện theo dõi chờ sinh.

“Sản phụ khám thai, làm các xét nghiệm, theo dõi thai kỳ đầy đủ và khá kỹ. Thai kỳ bình thường. Kỳ khám thai gần nhất có ghi nhận thai nhi bị dây rốn quấn cổ”, bác sĩKhánh Trang nói.

Tuy nhiên, trong lúc theo dõi chờ sinh, nữ hộ sinh đo tim thai cho thai phụ, thấy nhịp đập yếu, lờ mờ, chỉ bằng chưa đến ½ nhịp tim bình thường của thai nhi. Ngay lập tức, nữ hộ sinh đã “báo động đỏ” cho bác sĩ trực.

Ngay khi lệnh báo động đỏ kích hoạt, ca mổ tối khẩn đã được diễn ra một cách nhanh gọn lẹ.

ThS.BS Hồ Viết Thắng, Phó khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện Hùng Vương (trưởng tua trực) đánh giá đây là trường hợp tối khẩn. Chính bác sĩ Thắng “sắn tay áo” mổ khẩn cho em bé chào đời.

ThS.BS Hồ Viết Thắng, Phó khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện Hùng Vương

Qua đến 4 lớp cửa và một tầng lầu chỉ mất chưa đầy 9 phút. Trong khi, như bình thường, quãng đường để đi từ phòng khám đến phòng mổ phải mất đến… 20 phút. Khi vừa đến phòng mổ thì các bác sĩ và mọi thứ đã sẵn sàng.

BS Thắng cho biết: "Chỉ trong khoảng 9 giây, từ lúc rạch da, bác sĩ đã bắt được em bé ra khỏi bụng mẹ. Em bé chào đời với dây rốn quấn đến 4 vòng quanh cổ, chiều dài dây rốn khoảng 80cm. Đây chính là nguyên nhân làm tim thai suy, vì thai nhi không nhận được đủ lượng máu nuôi từ mẹ qua dây rốn. Chỉ cần chậm 1 phút nữa thôi, mọi việc e rằng không như mong đợi”.

"Từ lúc phát hiện tim thai suy, đến khi ca mổ cho em bé chào đời chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 9 phút", BS Thắng nói.

Sau khi chào đời, em bé được chăm sóc đặc biệt. Hiện bé đã hoàn toàn khỏe mạnh. Sức khỏe sản phụ cũng ổn định.

Hiện bé đã hoàn toàn khỏe mạnh. Sức khỏe sản phụ cũng ổn định

“Thai nhi bị dây rốn quấn 4 vòng quanh cổ là trường hợp rất hiếm. Bình thường, em bé hay bị dây rốn quấn chỉ 1 vòng quanh cổ. Các trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn cổ không phải đều cần can thiệp sinh mổ ngay. Có đến 2/3 trường hợp em bé bị dây rốn quấn cổ vẫn có thể sinh thường”, bác sĩ Trang cho biết.

Bác sĩ Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương khuyến cáo, thai phụ trong trường hợp siêu âm ghi nhận thai bị dây rốn quấn cổ cũng không nên quá lo lắng. Trong trường hợp này, thai phụ cần theo dõi thai máy (cử động thai) theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Trước đây, BV Hùng Vương cũng ghi nhận 1 trường hợp dây rốn quấn 5 vòng quanh cổ em bé. Chiều dài dây rốn lên đến 1m.

Bác sĩ Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương khuyến cáo, thai phụ trong trường hợp siêu âm ghi nhận thai bị dây rốn quấn cổ cũng không nên quá lo lắng

Dây rốn thường có chiều dài trung bình dao động khoảng 60cm. Dây rốn càng dài càng có thể làm tăng nguy cơ dây quấn cổ 1 vòng hoặc nhiều vòng hơn và đôi khi có hiện tượng thắt nút.

Về lý thuyết, sự chuyển động của bào thai sẽ khiến dây rốn căng ra và dài thêm. Mặc dù dây rốn dài có thể vướng và quấn vào cổ em bé, gây nguy cơ tắc nghẽn mạch máu liên tục hoặc từng phần nhưng nó cũng có tác dụng bảo vệ bào thai khỏi nguy cơ giảm lưu lượng máu truyền qua dây rốn.

Nguyên nhân nào khiến dây rốn quấn quanh cổ bé, theo các chuyên gia y tế, có thể do bé cử động nhiều trong bụng mẹ. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như: Cấu tạo tế bào gốc thành mạch rốn không đủ, cấu trúc dây rốn yếu, quá nhiều nước ối, dây rốn dài bất thường, thai đôi hoặc đa thai.

Hiện tượng bé bị dây rốn quấn cổ hay còn gọi là tràng hoa quấn cổ là nỗi lo lắng của không ít mẹ bầu. Ảnh minh họa

Ngoài việc làm cho thai phụ thêm lo lắng thì hầu như dây rốn không gây biến chứng gì đến mẹ và bé. Khi siêu âm thai, bác sĩ sẽ phát hiện được bé có bị dây rốn quấn cổ hay không và theo dõi chặt chẽ cho đến khi mẹ cượt cạn thành công.

Chỉ có một số trường hợp hiếm gặp dây rốn quấn cổ gây nguy hiểm cho em bé khi dây quấn chặt, nhiều vòng thì có thể khiến em bé bị thiếu oxy, giảm nhịp tim trong lúc sinh. Điều quan trọng là mẹ cần theo dõi trong suốt thai kì.

Trong trường hợp dây rốn thực sự gây nguy hiểm cho thai nhi thì mới cần sử dụng phương pháp sinh mổ.

Lần đầu tiên quý ông cũng được 'trải nghiệm' cảm giác đau đẻ của vợ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang