Các bệnh trẻ hay mắc phải khi giao mùa

Thứ Sáu, 08/02/2019 12:10  | Ngô Đồng

|

(CAO) Chuyển mùa dịp Tết Nguyên đán, bao vây trẻ vẫn còn nhiều các tác nhân gây bệnh đường hô hấp như cảm cúm, sởi, thủy đậu, quai bị. Bên cạnh đó là các tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa do ăn phải thực phẩm không an toàn vệ sinh,...

Ths.BS Nguyễn Đình Qui, Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 đã có những khuyến cáo đến quí phụ huynh về phòng bệnh cho trẻ nhỏ khi giao mùa.

Theo BS Nguyễn Đình Qui, thời tiết chuyển mùa những ngày đầu năm mới, trẻ dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, nổi trội nhất là viêm mũi họng do tác nhân virus cảm cúm.

Bên cạnh đó có các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm khác nặng nề hơn, lây truyền qua đường hô hấp như sởi, quai bị hay thủy đậu. Ngoài ra, các thức ăn ngày tết với đặc tính để lâu ngày ăn dần trong dịp tết và thường xuyên ăn ngoài hàng quán khiến trẻ dễ bị các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, nhẹ thì rối loạn tiêu hóa đôi chút, nặng có thể nhiễm trùng tiêu hóa khiến trẻ phải nhập viện.

Thời điểm giao mùa, cần cảnh giác các tác nhân gây bệnh cho trẻ. Ảnh minh họa

Đối với bệnh cảm cúm, thường trẻ có thể có sốt, đôi khi sốt rất cao (39 – 400C) trong 1-2 ngày đầu, kèm theo ho, sổ mũi, trẻ lớn có thể than đau nhức tay chân, đau đầu, đau họng. Điều trị chủ yếu hạ sốt, uống thuốc ho, rửa mũi và nghỉ ngơi nhiều. Diễn tiến kéo dài 5 – 7 ngày.

Đối với bệnh sởi, cũng sốt cao liên tục, đôi khi kéo dài 5 – 7 ngày, kèm theo nổi ban từ mặt, sau tai và lan dần toàn thân. Trẻ thường ho, sổ mũi rất nhiều, mắt đỏ và đổ ghèn nhiều. Khi thấy các dấu hiệu trên nên cho trẻ đi khám ngay.

Đối với bệnh thủy đậu (trái rạ), thường sốt nhẹ 1-2 ngày, nổi bóng nước nhanh chóng lan toàn thân trong vòng 24 – 48 giờ, đôi khi kèm ho, sổ mũi nhẹ. Diễn tiến bệnh cũng kéo dài 7 – 10 ngày.

Đối với bệnh quai bị, trẻ thường sưng đau góc hàm 2 bên kèm theo sốt hoặc không. Thường bệnh diễn tiến 7 ngày, cần lưu ý các dấu hiệu đau đầu nhiều, nôn ói (biến chứng viêm màng não), viêm đỏ vùng bìu ở bé trai (biến chứng viêm tinh hoàn).

Đối với nhiễm trùng tiêu hóa, trẻ thường nôn ói trước, trẻ lớn có thể than đau bụng, sau đó đi cầu phân lỏng, có nhày, đôi khi có cả máu kèm sốt hoặc không. Các trường hợp trẻ dưới 2 tuổi nên siêu âm bụng kiểm tra để loại trừ lòng ruột.

Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần cần trang bị cho mình kiến thức để có những biện pháp phòng tránh đúng cách cho trẻ.

Để phòng bệnh cho trẻ một cách hiệu quả, ngoài việc chú ý đến vấn đề vệ sinh cá nhân, nhà cửa, các bậc phụ huynh cần chủ động tăng cường sức đề kháng bằng cách cho trẻ uống đủ nước, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và các thực phẩm giàu vitamin C, khoáng chất…

Khi trẻ mắc bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ, cũng như tránh nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Phụ huynh tất bật cuối năm, trẻ nhỏ suýt mất Tết vì gặp nạn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang