Đổ xô săn 'thần dược'

Thứ Năm, 03/09/2015 15:23  | Tiến Dũng

|

(CAO) Hiện nay ở Nghệ An, người dân đang ồ ạt vào các khu rừng để săn tìm cây dược liệu quý đem bán. Kho báu nam dược nằm trong thảm thực vật nhiệt đới phân bổ chủ yếu trong khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An đang được tận thu rốt ráo để bán ra nước ngoài với giá rẻ mạt.

Chảy máu dược liệu

Từ mờ sáng, người dân xã Yên Na, huyện Tương Dương đã í ới rủ nhau lên rừng đi tìm cây dược liệu. Họ đi từng đoàn khoảng chục người, với dao rựa, dây thừng, rìu và cả cưa máy.

Vi Văn Hà, một tay chuyên săn lùng dược liệu cho biết: "Trước đây cây dược liệu ở vùng này nhiều lắm, ra khỏi nhà là có, nhưng vài năm trở lại đây dân họ khai thác ồ ạt nên bọn tui phải vào tận rừng sâu để tìm. Mỗi ngày may mắn một mình tui cũng kiếm được từ 300 - 400kg dược liệu nhập cho các thương lái, kiếm được 300.000- 500.000 đồng, gấp mấy chục lần làm rẫy. Ở bản Tui, nhà mô cũng có người đi khai thác dược liệu để bán, nhà ít thì có từ 1 - 2 người, nhà nhiều có tới 5 - 6 người, cả già, trẻ, gái, trai cùng tham gia".

Củ cầu thàn chữa rắn độc cắn và các bệnh nan y giờ đây đã cạn kiệt ở các cánh rừng xứ Nghệ. Ảnh Tiến Dũng

Số tiền kiếm được mỗi ngày khiến trẻ em bỏ học, người lớn bỏ mặc ruộng nương bất chấp rừng thiêng, nước độc đi săn lùng dược liệu để kiếm thêm thu nhập.

Theo Hà thì cây dược liệu được săn lùng ráo riết nhất hiện nay là kê huyết đằng, sói rừng, tam thất, lông cu li, kim ngân, cầu thàn, thiên niên kiện… Nhưng người dân khai thác nhiều nhất vẫn là cây kê huyết đằng. Loài cây này thuộc họ leo, sống dựa trên thân cây khác nên muốn lấy được, người dân phải leo lên ngọn hoặc hạ cả cây cổ thụ.

Để khai thác được khoảng 100kg huyết đằng, có khi phải mất hàng chục cây gỗ khác nên những người đi săn lùng dược liệu phải mang theo cả cưa máy.

Thứ 2 là cây cui li. Đây là một loài thuốc quý đã được sử dụng rộng rãi trong Đông y. Nhưng hiện nay, cây cu li nhiều người đổ xô khai thác đã khan hiếm. Những thợ săn phải vượt qua dãy Pù Huông hiểm trở mới tìm được.

“Nếu cõng được vài tạ cu li ra bán cho thương lái sẽ được vài triệu đồng, nhưng cũng rất khó khăn và nguy hiểm, có người đã bị rắn cắn hay rơi xuống vực suýt chết rồi”, Hà nói.

Hiện nay không riêng gì người dân huyện Tương Dương mà hầu khắp các vùng rừng miền tây xứ Nghệ như: Con Cuông, Kì Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong... người dân cũng đang ráo riết vào các khu rừng tìm kiếm cây dược liệu để bán cho các chủ thu gom hàng tại địa phương. Số dược liệu này được người dân bán với giá rất rẻ mạt.

Một thương lái cho hay: "Cả xe tải lớn lèn chặt nhưng giá tiền cũng chẳng đáng là mấy. Đối tác bên Trung Quốc đặt mua nên tôi cũng thu gom quanh vùng đây thôi. Hình như họ làm thuốc chữa bệnh gì đó, tôi cũng không rõ. Cứ có tiền là tui mần thôi".

Theo các thương lái, mỗi ngày họ thu mua tại Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu (nằm trong khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An) số lượng lên tới ba đến bốn chục tấn dược liệu mỗi ngày. Tại đây có nhiều điểm thu mua quy mô lớn và nhiều điểm thu mua nhỏ lẻ đi đến các làng bản... Cây kê huyết đằng và các loài cây khác được chất từng đống, phơi bạt ngàn dọc bên quốc lộ 7A, sau đó lần lượt được xe tải vận chuyển đi lên Lạng Sơn rồi nhập sang Trung Quốc.

Nguồn dược liệu cạn kiệt, rừng bị tàn phá

Miền tây Nghệ An từng có tiếng là kho báu dược liệu với nhiều loại cây quý, nay có những cây được coi là thần dược không còn tìm thấy như hoàng đàn, kim ngân, sói rừng thổ phục linh. Những năm qua, loại dược liệu này đã từng được xuất bán qua đường tiểu ngạch với khối lượng hàng trăm tấn. Mỗi đợt các thương lái thu mua ồ ạt một loại cây. Hôm nay là kê huyết đằng, mai có thể là một loài cây khác với giá cực kì rẻ mạt. Và khi họ ngừng thu mua đồng nghĩa với việc loài cây đó đã vắng bóng trong rừng. Điều nguy hại nữa là người săn lùng dược liệu thường nhổ tận gốc rễ khiến cây không thể tái sinh.

Cây cu li ở Tương Dương được thương lái mua với giá 10.000 đồng- 15.000 đồng/1kg. Ảnh N.Khoa

Với tốc độ tận diệt dược liệu như hiện nay không những làm cạn kiệt nguồn dược liệu quý trong thiên nhiên mà còn là hiểm hoạ tàn phá rừng.

Thực tế những người đi săn lùng những cây thuốc này đã tàn phá không biết bao nhiêu cánh rừng, nhiều cây cổ thụ bị đốn hạ. Đó là chưa kể việc đào bới săn tìm cây thuốc một cách tràn lan khiến rừng mất độ ẩm, gây xói mòn đất làm ảnh hưởng môi trường sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho thuỷ thần gây nên lũ lụt.

Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát, lo lắng: “Việc người dân kéo nhau vào rừng khai thác các loại dược liệu khiến rừng bị phá, hệ sinh thái rừng bị đe dọa, nhiều loại cây thảo dược quý có nguy cơ bị tận diệt nếu không được bảo vệ”.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Viện Dược liệu, cho biết: "Nghệ An là tỉnh có nguồn cây thuốc phong phú vào bậc nhất nước ta. Tại đây có 25 loài cây như ba kích, đinh lăng, địa liền… hoàn toàn có cơ sở để lựa chọn đầu tư phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, Nghệ An có 31 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam".

Như vậy, những cây thuốc quý trong khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Điều đáng buồn là một số dược liệu quý hiếm này chỉ có ở những khu rừng nhiệt đới Việt Nam đã bị bán rẻ qua biên giới. Khi rừng hết hẳn thứ cây đó thì các chuyên gia về Y học mới tiếc nuối khi phát hiện ra thứ cây đặc hữu này thật ra cực kì hiếm và giá cực đắt trên thế giới. Nếu cứ khai thác dược liệu tràn lan như thế này thì chúng ta còn mất đi nguồn tri thức bản địa về các bài thuốc. Cơ quan chức năng cần phải ngăn chặn kịp thời nạn chảy máu dược liệu khi chưa quá muộn.

Trả lời phóng viên về vấn đề này, Ông Lê Cao Bính, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, cho biết: "Muốn xử lý nạn khai thác lâm sản phụ diễn ra tràn lan ở các huyện miền núi như hiện nay thì phải chờ đợi nghị định mới, còn Nghị định 99 trước đây không có chế tài để xử phạt nạn khai thác lâm sản phụ. Hơn nữa, đặc thù của người dân miền núi là sống dựa vào rừng nên muốn họ không vào rừng khai thác lâm sản phụ cũng như lâm sản trái phép thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt từ các ngành, các cấp. Trong đó đặc biệt là tạo công ăn việc làm tại chỗ ổn định cho bà con.

Bình luận (0)

Lên đầu trang