Ghi nhận ca thứ 5 nhiễm Zika tại TP.HCM, một em bé mắc chứng đầu nhỏ ở Đắk Lắk

Thứ Năm, 20/10/2016 00:38  | Ngô Đồng

|

(CAO) Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế vừa ghi nhận một bé 4 tháng tuổi sinh sống tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ. Sau nhiều trường hợp nhiễm virus Zika, TP.HCM cũng chính thức công bố dịch Zika cấp phường xã.

Trước tình hình dịch bệnh Zika, chiều 19-10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã họp khẩn với lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM về tình hình dịch bệnh, triển khai phòng chống dịch bệnh Zika với sự tham dự của các sở ban ngành và các bệnh viện trọng điểm.

PGS TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM thông báo, trường hợp nhiễm Zika mới nhất được ghi nhận tại quận 5 (nam bệnh nhân 32 tuổi, người này bị sốt, đau cơ nên đi xét nghiệm), nâng tổng số ca bệnh do virus Zika tại TP.HCM lên 5 ca. Trước đó ghi nhận 2 trường hợp tại quận 2, 1 trường hợp tại quận 9 và 1 trường hợp tại quận 12.

TP.HCM: Phát hiện thêm 2 phụ nữ nhiễm vi rút Zika
 

Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp với Viện Pasteur thực hiện tầm soát ca bệnh tại 30 bệnh viện trên địa bàn toàn phố, tính đến nay, các bệnh viện đã vận chuyển được gần 800 mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur. Công tác giám sát các điểm nguy cơ được thực hiện tại 24/24 quận huyện.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, 30 BV của TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện tầm soát bệnh do vi rút Zika đến hết ngày 31-12-2016. Tất cả các bệnh nhân nghi ngờ bệnh do vi rút Zika sẽ được lấy máu xét nghiệm và tìm vi rút miễn phí.

Xét nghiệm Zika miễn phí. Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 18-10, UBND TP.HCM cũng đã phát đi văn bản công bố dịch Zika trên quy mô phường xã.

Ngày 14-10, Bộ Y tế ghi nhận thêm em bé 4 tháng tuổi cư ngụ tại huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi chứng đầu nhỏ. Ngay sau khi nhận được thông báo, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tiến hành điều tra, lấy mẫu máu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm vi rút Zika, hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang phối hợp với phòng xét nghiệm của đại học Nagasaki Nhật Bản tiến hành các xét nghiệm vi rút học.

Ngoài phương thức lây truyền chủ yếu qua muỗi ades, còn có một số bằng chứng cho thấy virus có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh.

Nhằm phòng chống di chứng tật đầu nhỏ, ngành y tế tập trung phát hiện thai phụ có triệu chứng Zika để quản lý, theo dõi thai nhi và trẻ sơ sinh; tăng cường tầm soát phát hiện sớm để tránh dị tật đầu nhỏ khi sinh ra; phát hiện và điều tra ca tật đầu nhỏ ở trẻ mới sinh và những ca chết thai nhi, não thai bẩm sinh bất thường trong thời gian mang thai hoặc sau khi sinh.

Tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới vẫn đang có những biến phức tạp, hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika.

Ngày 11-10-2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh do vi rút Zika đang có dấu hiệu lan rộng tại châu Á và có khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika do sự phân bố rộng của véc tơ truyền bệnh trong khu vực, gia tăng giao lưu, du lịch đến và đi từ các quốc gia có dịch và miễn dịch quần thể thấp.

Tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận 7/10 quốc gia có sự lưu hành vi rút Zika. Tại Việt Nam, đến ngày 17-10-2016 đã ghi nhận 07 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương và TP.HCM.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo về bệnh Zika và khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Hiện nay Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế đi lại, song phụ nữ có thai, phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền vi rút Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.

- Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn.

- Chủ động phòng chống dịch bệnh một cách tích cực, tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại các hộ gia đình; kiểm tra, loại bỏ vật phế thải không để muỗi sinh sản và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang