Việt Nam đối mặt gánh nặng bệnh không lây nhiễm

Thứ Ba, 09/10/2018 21:09  | Ngô Đồng

|

(CAO) Theo số liệu thống kê, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm.

Từ ngày 9 đến 11-10, tại TP.HCM Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Hướng dẫn hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh không lây nhiễm cho tuyến y tế cơ sở".

Theo số liệu thống kê, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm.

Năm 2012, Việt Nam có 520.000 ca tử vong, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% (379.600 ca), trong đó 43% số ca tử vong trước 70 tuổi, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 66% tổng gánh nặng bệnh tật.

Số liệu năm 2015, trên toàn cầu có trên 17 triệu người mắc các bệnh không lây nhiễm, chiếm 17% dân số, trong đó 12,5 triệu người tăng huyết áp, 2,5 triệu người đái tháo đường; trên 2 triệu người mắc tắc nghẽn mãn tính và hen… Ung thư mỗi năm gần 200 ngàn ca mắc ung thư mới được phát hiện. Và 70% các trường hợp được chẩn đoán ung thư tử vong ngay trong năm đầu bị bệnh do phát hiện muộn. Ngoài ra, có khoảng 14% dân số bị rối loạn tâm thần.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh không lây nhiễm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe do có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Việt Nam đối mặt gánh nặng bệnh không lây nhiễm

Theo TS.BS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong cao đối với các bệnh không lây nhiễm xuất phát từ lối sống và sự chủ quan của người bệnh. Cụ thể, do các hành vi nguy cơ cao như hút thuốc, uống rượu bia, ăn ít rau và trái cây, ăn nhiều muối, thiếu hoạt động thể lực chiếm tỷ lệ cao; tình trạng thừa cân béo phì tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu; hầu hết các yếu tố nguy cơ trên đều có xu hướng gia tăng nhanh.

Trong khi đó, mạng lưới y tế tuyến cơ sở chưa quản lý được các bệnh mạn tính, nhiều nơi năng lực còn hạn chế, nhất là trạm y tế hiện đang phải thực hiện phòng chống dịch vừa tiêm chủng mở rộng, tư vấn sức khỏe, nhưng việc khám phát hiện, theo dõi lâu dài và điều trị cho các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… còn rất ít.

Để thực hiện được các mục tiêu của “Chiến lược quốc gia phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác” giai đoạn 2015-2025 của Bộ Y tế là giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số người uống rượu bia ở mức có hại, giảm 10% số người thiếu hoạt động thể lực, giảm 30% số người tiêu thụ muối/người… các ngành chức năng cần gia tăng các giải pháp, trong đó tập trung vào các giải pháp về chính sách, pháp luật, phối hợp liên ngành giữa các đơn vị liên quan; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe của trạm y tế xã", BS Bắc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, xây dựng môi trường hỗ trợ thay đổi hành vi lối sống và nâng cao sức khỏe cho người dân. Trạm y tế phải là cơ quan tham mưu đề xuất với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trường học, khu công nghiệp… xây dựng các mô hình nâng cao sức khỏe, dự phòng một số bệnh không lây nhiễm bằng vắc xin, sinh phẩm y tế đặc hiệu.

Ngoài ra, các trạm y tế cần duy trì tỷ lệ trẻ em tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng viêm gan B, phòng viêm gan dẫn đến ung thư gan; trạm y tế phải là đơn vị thực hiện chẩn đoán điều trị, sơ cấp cứu tư vấn cho người mắc một số bệnh không lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hội nghị SOM3 ngày thứ 5: Chung tay phòng chống các bệnh không lây nhiễm
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang