TP.HCM: Mạnh tay xử lý các trường hợp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm 'bẩn'

Chủ Nhật, 24/09/2017 10:22  | Ngô Đồng

|

(CAO) Khó khăn nhất hiện nay của TP.HCM trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân hiện nay chính là việc kiểm soát đối với nông sản thực phẩm, thủy hải sản từ các tỉnh đưa vào thành phố.

Tại hội thảo "Liên kết vùng dự án và các tỉnh lân cận cung cấp sản phẩm an toàn cho TP.HCM", các ý kiến cho rằng, để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho TP.HCM cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành khác trong việc cung ứng, tạo nguồn thực phẩm cho TP không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng.

Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau.

Cụ thể, rau củ quả sản xuất tại TP.HCM chỉ đáp ứng được 30%, động vật sống: 10%, thủy sản và sản phẩm thủy sản: 15-20%.

Khoảng 70% rau củ quả tiêu thụ tại TP.HCM được nhập từ các tỉnh. Ảnh: NĐ

Dù TP đã đạt nhiều kết quả trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm; tuy nhiên hiện nay việc kiểm soát đối với nông sản thực phẩm, thủy hải sản từ các tỉnh vào TP vẫn còn gặp một số khó khăn.

Tháng 9-2017, Đoàn kiểm tra tại cơ sở giết mổ Tân Thạnh Đông và Xuyên Á huyện Củ Chi phát hiện 3 lô heo (385 con) có nguồn gốc Bình Dương, nghi ngờ có bơm nước và sử dụng thuốc an thần. Kết quả xét nghiệm 3 lô heo (15 mẫu) dương tính acepromazin. Chi cục Thú y TP.HCM đã xử phạt hành chính 20.500.000 đồng. Số heo được lưu trữ tại cơ sở giết mổ đến khi lấy mẫu kiểm tra âm tính acepromazin mới cho giết mổ theo qui định.

Theo bà Nguyễn Thị Nhã Trúc, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, hiện nay vấn để sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh cấm trong chăn nuôi, trồng trọt tại các tỉnh đang là vấn đề nóng chưa được giải quyết, trong khi đó TP.HCM tiêu thụ khoảng 70% các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có quy định giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm đi kèm lô hàng đối với rau quả, thủy sản; chưa có hệ thống kho để tạm giữ các lô hàng nghi ngờ trong khi chờ kết quả kiểm nghiệm dẫn đến việc hàng hóa bị phân tán, tiêu thụ hết trước khi có kết quả kiểm nghiệm.

Mặt khác, hiện sản xuất chế biến thực phẩm ở trong nước nói chung và ở TP.HCM nói riêng vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, trong đó phần lớn các cơ sở chế biến vừa và nhỏ, hộ gia đình nên trang thiết bị nhà xưởng không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, nhận thức và hành động của nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm còn hạn chế, việc chấp hành các quy định, điều kiện về an toàn thực phẩm tại các cơ sở thực phẩm chưa cao; vẫn còn tình trạng vì lợi nhuận nên sản xuất, chế biến các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.

So với cùng kì 2016, Chi cục Thú y TP.HCM đã tiến hành kiểm tra 551 lô heo với 1.125 mẫu tại các cơ sở giết mổ, trong đó phát hiện 38 lô dương tính với chất cấm Salbutamol (116 mẫu), trong đó có hủy 1 trường hợp 80 con heo có nguồn gốc Đồng nai.

Còn theo Chi cục Thú y TP.HCM, hiện nay việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật theo các tuyến đường cao tốc, không phải trình phúc kiểm tại Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông mà đến thẳng nơi phân phối nên rất khó kiểm tra, xử lý khi đã vào nội thành. Đáng lo ngại là tình trạng kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y tại các chợ lòng lề đường, chợ tự phát vẫn tồn tại, ảnh hương rất lớn đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để giải quyết những khó khăn trên, các ý kiến cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền địa phương và các ngành có liên quan. Các sở ban ngành TP.HCM cũng cần phải phối hợp, liên kết chặt chẽ với các vùng giáp ranh như các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương… nhằm xử lý triệt để được nguồn thực phẩm "bẩn", đồng thời phải mạnh tay và quyết liệt xử lý dứt điểm các trường hợp sản xuất, cung cấp và tiêu thụ sản phẩm "bẩn" hiện nay.

Thông qua việc thực hiện “xây dựng mô hình thí điểm và triển khai thực hiện phương án quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn tại TP.HCM”, đến nay Ban Quản lý đề án chuỗi cấp 134 giấy chứng nhận cho trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế vào chuỗi cho 53 cơ sở thuộc địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu với tổng sản lượng 78.198,1 tấn/năm. Trong đó, trứng gà 213.315.984 quả/năm, thịt gà 16.310,6 tấn/năm, thịt vịt 59,4 tấn/năm, thịt heo 43.166,6 tấn/năm, rau quả 16.963,5 tấn/năm, thủy sản 1.558 tấn/năm và nước mắm 4,4 triệu lít/năm…

TP.HCM khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và chế biến sản phẩm an toàn

Bên cạnh đó, từ tháng 12-2016, TP đã triển khai đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo ở 60 cơ sở chăn nuôi (khoảng hơn 1.000 trang trại) có sản lượng cung ứng tối đa lên đến 10.000 con/ngày; 18 cơ sở giết mổ gia súc; 2 chợ đầu mối (Nông sản thực phẩm Hóc Môn, Bình Điền) và 4 chợ truyền thống (Hòa Bình, Bến Thành, An Đông, Thái Bình) và 338 điểm bán lẻ thuộc hệ thống phân phối hiện đại, toàn bộ các hệ thống lớn trên địa bàn TP.

Cũng từ tháng 12-2016, TP triển khai mô hình thí điểm quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau an toàn trên địa bàn TP tại HTX Phú Lộc, huyện Củ Chi và HTX Phước An, huyện Bình Chánh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang