Việt Nam đủ sữa tươi nguyên liệu cho Chương trình Sữa học đường

Thứ Tư, 14/11/2018 11:34

|

(CAO) Đó là khẳng định của TS. Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng, Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT khi nói về việc cung ứng sữa tươi nguyên liệu cho Chương trình Sữa học đường Quốc gia.

Theo Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, trong đó yêu cầu “Sữa học đường” phải là sữa tươi.

- Vừa qua, một số ý kiến cho rằng, do VN chưa có đủ sữa tươi nguyên liệu làm sữa học đường nên dùng các loại sữa dạng lỏng khác. Ông đánh giá thế nào về nhận định này, Việt Nam có đủ sữa tươi nguyên liệu để làm sữa học đường hay không?

- TS. Tống Xuân Chinh: “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc của trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học đến năm 2020” (theo Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016) là một trong những chương trình quốc gia nằm trong Chiến lược tổng thể quốc gia nhằm nâng cao thể lực và tầm vóc của người Việt, trong đó có những ưu tiên hàng đầu cho các cháu mẫu giáo và học sinh tiểu học từ nay đến năm 2020.

Chương trình sữa học đường sẽ nhằm mục tiêu tạo hành lang pháp lý quan trọng để huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa, trong lúc kinh phí từ ngân sách nhà nước có hạn, để góp phần thành công cho Chương trình hoàn thành mục tiêu “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai”.

Khi Chương trình sữa học đường đi vào hoạt động sẽ là động lực quan trọng để chăn nuôi và chế biến sữa tươi nguyên liệu trong nước phát triển lên một tầm cao mới

Về năng lực cung cấp sữa tươi nguyên liệu, Cục Chăn nuôi đã làm một phép tính về nhu cầu của Chương trình Sữa học đường cũng như khả năng cung ứng của ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trong nước.

Theo đó, với nhu cầu mỗi học sinh sử dụng 200ml sữa/ngày nhân với 260 ngày đến lớp nhân với khoảng 11 triệu học sinh mẫu giáo, tiểu học thì sản lượng sữa tươi nguyên liệu cần cho Chương trình Sữa học đường khoảng 587.000 tấn (587 triệu lít sữa).

Dù chưa có bề dày truyền thống chăn nuôi bò sữa và không có lợi thế về đồng cỏ, bãi chăn thả tự nhiên nhưng chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, số đầu con tăng 7 – 10%/năm, sản lượng sữa tăng 15 – 17%/năm, cao nhất trong ngành chăn nuôi. Tính đến năm 2017, tổng đàn bò sữa cả nước đạt 302.000 con, sản lượng sữa 881.000 tấn (tương đương 881 triệu lít sữa).

Triển vọng phát triển của ngành chế biến sữa tươi nguyên liệu trong nước vô cùng lớn khi Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ công nghiệp hóa ngành sữa hiện đại nhất khu vực. Hiện nay, chúng ta mới đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng sữa, sản phẩm sữa, vì vậy, dư địa cho phát triển chăn nuôi bò sữa còn rất lớn.

Chuyển đổi những diện tích đất trồng trọt kèm hiệu quả sang trồng cây thức ăn trong đó có cỏ cho chăn nuôi gia súc nhai lại, đặc biệt là bò sữa là một trong những nội dung của Đề án tái cơ cấu chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Năm 2018, dự kiến sản lượng sữa nguyên liệu đạt trên 960.000 tấn (960 triệu lít), con số này đến năm 2020 là 1 triệu tấn (1 tỷ lít sữa tươi) và hoàn toàn có thể đạt được, hoàn thành mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020. Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sữa tươi nguyên liệu trong Chương trình Sữa học đường.

- Một số tỉnh khi triển khai Chương trình Sữa học đường đang lúng túng trong việc đưa ra những tiêu chí để có thể lựa chọn những nhà thầu đủ năng lực trong sản xuất sữa tươi. Ông có nhận định gì về những khó khăn này?

- TS. Tống Xuân Chinh: Khi triển khai Chương trình này, nước ta sẽ gặp một số khó khăn cơ bản sau và cũng là những khó khăn khi đưa ra tiêu chí đấu thầu:

Xây dựng tiêu chuẩn sữa cho Chương trình học đường quốc gia: Trong đó phải xây dựng và ban hành tiêu chuẩn sử dụng 100% sữa bò tươi nguyên liệu, có đường hay không có đường, nếu có đường thì phải quy định rõ lượng đường là mấy % để có lợi cho sức khỏe trẻ em; có bổ sung vi chất thiết yếu cho học sinh hay không.

Quy định định mức uống bao nhiêu ml/học sinh/ngày, bao nhiêu ngày trên năm; nhãn hiệu sữa học đường ra sao để phân biệt với sữa thông thường cùng loại.

Đối tượng thụ hưởng: Trong Quyết định của Thủ tướng quy định các cháu mẫu giáo và học sinh tiểu học là đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, cần quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế xã hội hóa để ngân sách nhà nước có thể bố trí và đảm bảo các đối tượng chính sách có thể được tập trung ưu tiên. Đặc biệt giành sự ưu tiên cao nhất cho vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo; gia đình chính sách, con em đồng bào dân tộc.

Chính sách khuyến khích chăn nuôi bò sữa trong nước: Đây cũng là một khó khăn cơ bản để có chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước nhằm đảm bảo đủ số lượng và chất lượng sữa tươi nguyên liệu để cung cấp cho Chương trình Sữa học đường, tạo việc làm, thu nhập cho người nông dân và giảm phụ thuộc nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ nước ngoài. Việc ban hành một chính sách riêng cho phát triển chăn nuôi bò sữa phục vụ Chương trình Sữa học đường quốc gia là cấp bách trong thời điểm này.

Công cụ giám sát: Cần phải thực hiện điều tra cơ bản tiền Chương trình để xây dựng đường cơ bản giám sát các mục tiêu và chỉ số của Chương trình; xây dựng cơ sở dự liệu và bộ công cụ giám sát và đánh giá về Chương trình, sử dụng phân mềm tích hợp trong web và điện thoại thông minh để giám sát cộng đồng và xây dựng các trang web sữa học đường của quốc gia và từng tỉnh/thành.

Chính sách thương mại: Cần xây dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn và mức miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho những công ty sữa tham gia vào Chương trình.

Tổ chức thực hiện: Cần thành lập Ban chỉ đạo về sữa học đường từ Trung ương đến cấp huyện để chỉ đạo, điều hành và quản lý chương trình ở các cấp.

Khi xét đầy đủ các yếu tố này thì tiêu chí đấu thầu cũng sẽ sáng rõ và có thể lựa chọn nhà thầu, xây dựng cơ chế vận hành phù hợp, có sự giám sát đồng bộ, hệ thống và minh bạch.

Hiện nay, tại Việt Nam Tập đoàn TH là doanh nghiệp duy nhất có kiểm nghiệm lâm sàng về sản phẩm sữa học đường; có sản phẩm sữa tươi tiệt trùng sữa học đường TH school MILK bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp, đang cung cấp cho Chương trình Sữa học đường ở Nghệ An.

- Theo phân tích của ông, sữa tươi hiện mới chỉ chiếm 40% sữa dạng lỏng trên thị trường còn 60% là sữa bột pha lại và nguyên liệu sữa bột vẫn phải phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài, theo ông tiềm năng của lĩnh vực sản xuất sữa tươi ở Việt Nam còn lớn hay không?

- TS. Tống Xuân Chinh: Mặc dù nước ta không có đồng cỏ tự nhiên lớn như Úc, Niu-Zi-Lân Hoa Kỳ, Canada… hoặc diện tích đất nông nghiệp rộng để trồng cỏ nuôi bò nhưng chúng ta có tổng sinh khối phụ phẩm công nông nghiệp lên tới trên 80 triệu tấn/năm có thể chế biến thức ăn thô cho bò khi áp dụng công nghệ vi sinh và kỹ thuật tiên tiến; đặc biệt là một thành phần quan trọng trong sản xuất thức TMR, TMF cho bò sữa. Trước mắt chúng ta thấy Việt Nam hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu đề ra là sản xuất một tỷ lít sữa tươi nguyên liệu vào năm 2020.

Hơn nữa, trong những năm gần đây, nước ta đã có một ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghiệp hiện đại bậc nhất vùng Đông Nam châu Á… Hệ thống doanh nghiệp sữa sẽ là đầu tàu quan trọng thiết lập liên kết sản xuất chăn nuôi bò sữa của nông dân và chế biến sữa theo chuỗi giá trị.

Khi Chương trình sữa học đường đi vào hoạt động sẽ là động lực quan trọng để chăn nuôi và chế biến sữa tươi nguyên liệu trong nước phát triển lên một tầm cao mới xuất phát từ nhu cầu của thị trường về sản phẩm sữa có nguồn gốc từ sữa tươi nguyên liệu.

- Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc sử dụng sữa tươi cho Chương trình sữa học đường cũng là động lực để phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước, VN cần học hỏi gì từ kinh nghiệm các nước?

- TS. Tống Xuân Chinh: Theo tôi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế của trên 60 nước triển khai chương trình sữa học đường và trên 40 nước tổ chức thường niên Ngày sữa Thế giới 1/6 thì Chương trình sữa học đường là động lực quan trọng thúc đẩy chăn nuôi bò sữa trong nước phát triển, tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp sữa và củng cố ngành sữa Việt Nam phát triển bền vững hơn trong khuôn khổ tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.

Theo quan điểm của Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT, nước ta cần phải thực hiện một số chính sách sau để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước phát triển, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, giảm nhập khẩu sữa bột và khuyến khích các doanh nghiệp chế biến sữa thu mua sữa tươi nguyên liệu cho nông dân, các chính sách sau đây được khuyến nghị xây dựng và ban hành.

Áp dụng cho 6 vùng sinh thái ở nước ta: sữa tươi nguyên liệu sản xuất ở vùng nào thì được phân phối, tiêu dùng cho chương trình sữa học đường ở vùng đó. Chính sách này tạo ra sự cân bằng giữa cung và cầu, đồng thời phân bổ nguồn lực công bằng hơn.

Ban hành quy định về cấp cô ta sản xuất, phân phối sữa cho Chương trình sữa học đường theo nguyên tắc sữa tươi nguyên liệu/sữa học đường = 2/1. Tỷ lệ này nghĩa là vùng nào sản xuất sữa tươi nguyên liệu được 100 % về sản lượng thì được sử dụng 50% sản lượng sữa vào Chương trình Cữa học đường để nhận hỗ trợ toàn bộ từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ của Chương trình.

Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương và địa phương trước mắt ưu tiên tập trung cho sữa học đường 64 huyện nghèo; các đối tượng thuộc gia đình chính sách và hộ nghèo ở các huyện không nghèo. Các đối tượng ở nông thôn được giảm 25% giá mua sữa học đường. Các đối tượng ở thành thị phải chi trả 100% giá sữa học đường.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu (QCVN 01-186: 2017/BNNPTNT) đã được Cục Chăn nuôi xây dựng và được ban hành tại Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ sở để giám sát chất lượng đầu vào của sữa học đường và khuyến kích sản xuất, thu mua sữa tươi nguyên liệu theo hợp đồng.

Nhà nước cần quy định trong văn bản luật về uống sữa học đường là khẩu phần ăn bắt buộc trong bữa trưa hoặc giữa giờ tại các trường nội trú và bán trú; đồng thời cấm bán các sản phẩm nước uống có ga trong trường học.

- Xét ở góc độ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sữa tươi trong nước hiện nay, ông có nhận định như thế nào về tiềm lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Liệu các doanh nghiệp trong nước có đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng?

- TS. Tống Xuân Chinh: Khi hội nhập ASEAN và CPTPP, các doanh nghiệp lớn ngành sữa Sẽ có đủ năng lực để cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu không những ngay trên sân nhà, mà còn đầu tư ra nước ngoài. Đầu tư của Vinamik và tập đoàn TH ra nước ngoài là một trong những minh chứng cho xu hướng này.

Còn lại các doanh nghiệp sữa vừa, nhỏ hơn sẽ phải có bước tái cơ cấu đầu tư, liên kết sản xuất chặt chẽ với các hộ chăn nuôi bò sữa, đa dạng hóa sản phẩm, tiếp cận theo chuỗi 4F (thức ăn, trang trại, thực phẩm và phân bón hữu cơ: Feed, Farm, Food, Fertilizer) và phải chiếm được một thị phần nhất định trong Chương trình sữa học đường để phát triển và trụ được trên chính sân nhà.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo các chuyên gia chăn nuôi, sữa học đường phải là sữa tươi được sản xuất từ nguồn nguyên liệu đảm bảo, được kiểm soát qua quy trình chăn nuôi và sản xuất sữa tươi khép kín. Sản phẩm thực hiện Chương trình Sữa học đường phải là sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn về sữa học đường để tránh hiện tượng một số sản phẩm mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận công bố sản phẩm “sữa học đường” nhưng vẫn đưa vào sử dụng trong các trường học dưới tên gọi “sữa học đường” gây nhầm lẫn cho phụ huynh, học sinh.

Chương trình Sữa học đường là một chương trình có ý nghĩa nhân văn nhưng nếu không được quản lý, giám sát đầy đủ sẽ có thể trở thành một chương trình mang tính chất thương mại thuần túy hoặc tạo cơ hội trục lợi cho một số đơn vị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang