Đường đến trường của học sinh vùng rốn lũ miền Tây

Thứ Tư, 05/09/2018 11:50  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Để đến được trường không những các em phải vượt hàng cây số đường đất mà còn chông chênh trên chiếc xuồng, vỏ lãi, “cáp treo” giữa dòng nước chảy xiết. Chính từ sự vượt khó ấy mà nhiều em huyện đầu nguồn nối tiếp nhau vào đại học.

Vĩnh Hội Đông là xã biên giới đầu nguồn của huyện An Phú, An Giang. Mỗi năm mùa lũ về nơi đây lại chồng chất nỗi lo vì nước ngập khiến nhiều căn nhà bị cô lập.
Hiện tại, nhiều tuyến giao thông ở ấp Vĩnh Hoà, Vĩnh An đến Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông đã bị nước lũ cô lập khiến học sinh (HS) không thể đến trường bằng đường bộ.
Đối với những em học sinh ở gần trường thường chọn cách di chuyển trên cầu khỉ.
HS đến trường khó khăn trong khi gia đình bận làm nghề câu, lưới mưu sinh nên việc tự tổ chức đưa rước con em đi học không được quan tâm thường xuyên, phương tiện không đảm bảo an toàn. Từ những khó khăn trên, UBND xã Vĩnh Hội Đông đã xây dựng kế hoạch đưa rước nhằm đem lại sự an tâm cho phụ huynh và đảm bảo an toàn cho HS đến trường.
Ông Lâm Ngọc Hồ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông, cho biết: “Mỗi năm, tùy vào tình hình nước lũ về sớm hay muộn mà địa phương tiến hành đưa rước HS. Năm nay, lũ về sớm nên đầu tháng 8 đã triển khai công tác này. Chúng tôi đang tổ chức đưa rước 291 em, tập trung trên 5 tuyến, chủ yếu HS ở 2 ấp ngập sâu là Vĩnh Hòa và Vĩnh An”.
Ông Hồ kể, những ngày đầu khi mới triển khai, lực lượng đưa rước gặp rất nhiều khó khăn, nào là PH không tin tưởng đến chuyện kinh phí hoạt động, phương tiện. Tuy nhiên sau nhiều năm thực hiện đã tạo được niềm tin của người dân mỗi khi nước tràn đồng.
Lực lượng đưa rước HS là những anh em tình nguyện của xã đội và người dân nhiệt tâm. Tất cả mọi người đều không tính công và chỉ mong sao quá trình học tập các em không bị gián đoạn.
5 giờ 30 sáng, chúng tôi có mặt tại UBND xã Vĩnh Hội Đông để tháp tùng các anh xã đội đi rước HS vùng lũ đến trường.
Vượt sóng hơn 20 phút, chúng tôi đã đến điểm rước HS xa nhất chính là ngọn kênh Cả Hàng. Tại đây, những gương mặt ngây thơ đứng trên bến chờ đò rước đi học.
Bà Dương Thị Kim Chi (ngụ ấp Vĩnh An) cho hay: “Xóm này có khoảng 50 cháu đến lớp nhưng cha mẹ đi mưu sinh các em tự đi học rất nguy hiểm. Nhờ có mấy anh xã đội đưa trước mà cháu tôi và nhiều đứa trẻ được đến trường, gia đình yên tâm lo việc đánh bắt để ổn định cuộc sống. Nếu không tổ chức đưa rước có lẽ HS ở đây nghỉ học nhiều lắm!”.
Do các em HS nhà gần nhau nên anh Hiền và anh Trí bơi chiếc vỏ lãi rước từng em một. Sau khi rước hết các em HS họ bắt đầu khởi động máy đưa các em đến trường học. Thời điểm vỏ cập bến cũng là lúc những người đồng nghiệp rước các em ở tuyến khác về.
Anh Hiền tâm sự: “Mình phải cho các cháu mặc áo phao để đảm bảo an toàn. Sông nước mà các cháu nhỏ còn hiếu động nên mình phải trông chừng thật kỹ mới được”.
Thầy Thi Xuân Nhân, Hiệu trưởng Trường TH B Vĩnh Hội Đông, cho biết: “Trường có 18 lớp với 552 HS, trong đó có 203 em thuộc diện nghèo và cận nghèo. Đoạn đường đưa rước xa nhất là 6km, còn gần khoảng 2km. Nhờ công việc đưa rước này mà tình trạng HS chán nản bỏ học giảm đáng kể”.
Cù lao Bảy Trúc thuộc tổ 1 (ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu, H.An Phú) cứ đến tháng 7 âm lịch là bị nước lũ bao vây. Do vậy để mỗi ngày được đến trường, hàng chục em HS nơi được gọi “ốc đảo” chỉ còn cách tự bơi xuồng, chạy ghe, đi trẹt, cáp treo.
Sau khi kiểm tra đủ sĩ số ông Năm Tâm điều khiển chiếc trẹt chở đầy HS chạy dọc kênh Bảy Trúc - nơi mà hàng chục ngôi nhà bị nước lũ bao vây.
Sau 20 phút rẽ dòng nước chảy xiết, đò cập bến và các em HS lội bộ về nhà trong tiếng cười giòn giã.
Đúng 12 giờ, cái nắng gắt khiến nhiều em HS và PH thấm mệt cùng là lúc đò ngược dòng đến trường. Thấy vậy chúng tôi đưa báo cho các em che nhưng tất cả lại đọc chăm chú.
Ông Võ Tấn Hương, Trưởng ấp Phú Hiệp cho biết: “Vào tháng 8 âm lịch tuyến đường dẫn vào tổ 1 bị nước lũ chia cắt. Để phục vụ việc học của 50 HS và đi lại của người dân UBND xã có vận động kinh phí thuê phương tiện đưa rước. Nơi này có 44 hộ, với 185 nhân khẩu. Tính đến thời điểm này, cù lao Bảy Trúc có hơn 55 em đỗ đại học”.
Ông Thái Kim Khải, Trưởng phóng Giáo dục và đào tạo huyện An Phú, cho biết: “Hiện tổng số HS đưa rước của toàn huyện là 476, trong đó địa phương tổ chức là 283, còn gia đình tự rước 193. Đối với vùng biên giới nên tỉ lệ HS bỏ học vẫn còn cao do theo cha mẹ đi làm ăn xa, đánh bắt thủy sản”.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang