“Bàn cờ” Biển Đông ngày càng nóng bỏng

Thứ Hai, 26/08/2019 17:50

|

(CATP) Tuần này, cộng đồng quốc tế dõi theo chuyến thăm cấp nhà nước của tổng thống Philiipines – ông Rodrigo Duterte đến Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 28-8 đến 1-9.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông ngày càng leo thang, nhất là khi Bắc Kinh điều tàu chiến đi qua eo biển phía nam Philiipines, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này mà không xin phép.

Thêm vào đó là vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines gần bãi Cỏ Rong (quần đảo Trường Sa – Việt Nam) hồi đầu tháng 6.

Những sự việc này khiến dư luận Philippines phẫn nộ. Đã có những tiếng nói xuất phát từ giới học giả, người dân, quan chức và các tướng lĩnh quân đội gây sức ép, buộc ông Duterte trước khi đến Bắc Kinh đã phải nhiều lần nhấn mạnh sẽ đem phán quyết của Toà trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye hồi năm 2016, tuyên yêu sách “đường 9 đoạn” trên Biển Đông của Trung Quốc là phi pháp ra để “nói chuyện” với chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình trong chuyến thăm lần này.

Thế nhưng Trung Quốc không hề “nể mặt” ông. Hôm 26-8, tờ Manila Bulletin dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Cảnh Sảng nhắc lại quan điểm: “Trên hết, lập trường của Trung Quốc về phán quyết của Toà trọng tài liên quan đến vấn đề Biển Đông không hề thay đổi một tấc nào. Thực tế chứng minh rằng, nếu chúng ta xử lý vấn đề này một cách đúng đắn, sẽ tốt cho hoà bình và ổn định trong khu vực”.

Trước nay, lập trường của Bắc Kinh luôn là từ chối công nhận phán quyết của Toà PCA. Thay vào đó họ càng ngày càng gia tăng những hành động gây hấn trên vùng biển này. Duterte – vị tổng thống vốn có thói quen “bạo mồm” với những phát ngôn sử dụng ngôn từ ít khi phù hợp với chuẩn mực ngoại giao, khi được hỏi có đem Biển Đông ra nói lần này hay không, thì đáp rằng: “Đừng mong kiểm soát cái miệng của tôi vì đó là món quà đến từ Thượng đế”.

Nhưng vế còn lại cũng quan trọng không kém, đó là: Ông có nói nhưng chúng tôi có nghe hay không, đó mới là vấn đề. Cảnh Sảng qua đó đã đưa ra phát biểu “chặn trước” cho tuyên bố của Duterte. Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh không hề thay đổi, chỉ có chiều hướng tăng thêm.

Tàu chiến Mỹ liên tục tuần tra trên Biển Đông thời gian qua, gửi thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc - Ảnh: AP

Cần phải hiểu được Trung Quốc nay đã qua giai đoạn “giấu mình chờ thời” trên Biển Đông. Giai đoạn “giấu mình” đó diễn ra trong suốt nhiều năm qua: Họ âm thầm cơi nới, bồi lấp, cải tạo các bãi đá cưỡng chiếm trái phép trên Biển Đông, xây đường băng, thiết lập trạm radar, các cơ sở quân sự. Đến nay khi hạ tầng đã đầy đủ, tạo ưu thế cho Bắc Kinh về quân sự nếu xảy ra xung đột, thì bộ mặt hoà hoãn cùng cam kết “không quân sự hoá Biển Đông” được ông Tập Cận Bình cam kết với tổng thống Mỹ Obama trước đó, được tháo xuống.

Mấy tháng qua, Trung Quốc một lúc “gây hấn” với cả 3 nước: Việt Nam và Malaysia bằng cách điều tàu đến cản trở hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của hai nước này, với Philippines bằng các hành động ngăn ngư dân đánh bắt, đâm chìm tàu cá, điều tàu chiến qua EEZ không xin phép.

Tất cả nhằm một mục tiêu: Lan truyền nỗi sợ, buộc các nước láng giềng khi có hoạt động thương mại nào (khai thác dầu khí, đánh bắt thuỷ sản) đều phải “nhìn mặt” Trung Quốc. Một là làm ăn với các công ty dầu khí nhà nước của họ, cho ngư dân của họ đánh bắt. Hai là bị họ quấy nhiễu nếu từ chối hợp tác. Bắc Kinh muốn độc chiếm Biển Đông để các nước làm gì trên vùng biển này cũng phải “xin phép” họ.

Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22-8 đã nhắc đến việc Trung Quốc mưu đồ thiết lập cơ chế “xin – cho” này: “Trung Quốc liên tục thực hiện chuỗi bước đi can thiệp vào khu vực biển các nước ASEAN tuyên bố chủ quyền và có hoạt động khai thác kinh tế, nhằm hai mục đích cưỡng chế và từ chối cho các công ty dầu khí nước ngoài hợp tác với các đối tác ASEAN, ép họ chỉ được làm việc với các công ty nhà nước Trung Quốc. Trong vụ việc ở Bãi Tư Chính, Trung Quốc gây áp lực lên Việt Nam khi nước này đang có hoạt động với một công ty khai thác năng lượng của Nga và các đối tác quốc tế khác”.

Đối trọng hành động của Bắc Kinh

Bàn về Biển Đông ở giai đoạn này chính là nói đến thể thức hợp tác giữa các nước để ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm, kiểm soát vùng biển chiến lược này. Tuần trước, Hải quân Mỹ và hải quân 10 nước khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã bắt đầu tập trận chung để gửi đi thông điệp họ không đơn độc trên biển. Việt Nam cũng là bên tham gia chuỗi sự kiện này, trong đó Biển Đông là một trong những khu vực tập trận chính. Mỹ phái tổng cộng 14 tàu, hơn 400 quân nhân tham gia huấn luyện cùng các thiết bị hiện đại như tàu khu trục, máy bay P-8 Poseidon.

Những sự hợp tác dạng này khiến Bắc Kinh “khó chịu”. Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin Trung Quốc cảnh báo bộ máy chính quyền các cấp phải “làm nhiều hơn” để lôi kéo các nước láng giềng ra khỏi “quỹ đạo của Mỹ”, đồng thời tố ngược Washington tiến hành các hành động “khiêu khích” trên Biển Đông. Những hành động đó có thể kể đến như việc Mỹ gần đây thường xuyên điều tàu chiến tuần tra Biển Đông, di chuyển gần các thực thể tranh chấp do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Nay Biển Đông ngày càng có xu hướng biến thành một “bàn cờ” để Mỹ - Trung thi triển ảnh hưởng. Chính quyền Trump đang muốn chứng tỏ quyền lực của mình trong khu vực vì Trung Quốc tăng cường các bước đi tạo ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, an ninh tại các khu vực tranh chấp trên vùng biển này, trực tiếp thách thức trật tự hiện tại do Mỹ dẫn đầu. Mỹ đang mở rộng việc hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực từ Nhật đến Úc và ủng hộ các nước Đông Nam Á.

Trước áp lực từ Mỹ, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác, lấy lòng các nước ASEAN. Nhưng những hành động vừa qua họ làm với Malaysia, Việt Nam hay Philippines chỉ khiến các nước này thêm “cám cảnh”. Từ doạ dẫm, Trung Quốc chuyển sang “ve vãn” bằng cách bày tỏ mong muốn thăm dò, khai thác dầu khí chung trên Biển Đông cho đến các hoạt động với mục đích nghe qua khá “tốt đẹp” như hợp tác giải cứu khi gặp sự cố hàng hải, nghiên cứu, chống khủng bố, bảo vệ môi trường… Nhưng đến nay ngờ vực vẫn chiếm ưu thế.

Tin sao được khi đơn cử, các báo cáo gần đây cho thấy các đội tàu cá theo mô hình “dân quân” của Trung Quốc tràn xuống Biển Đông khai thác đã khiến những rạn san hô ở đây hư hại không thể phục hồi. Khai thác cùng kiệt như vậy thì kêu gọi “bảo vệ môi trường” để làm gì?

Adam Ni – một nghiên cứu sinh về chiến lược và quốc phòng tại Đại học Quốc gia Úc nhận định trên tờ SCMP: “Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã chuyển sang thế mạnh cạnh tranh gay gắt nhiều hơn trong vòng 12 tháng qua, và chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng cạnh tranh chiến lược này rõ nét trên Biển Đông. Nó sẽ ảnh hưởng đến cách các quốc gia này triển khai và sử dụng lực lượng quân sự của họ”.

“Bàn cờ” trên Biển Đông, vì thế ngày càng thêm nóng bỏng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang