50 năm ngày con người đặt chân lên Mặt Trăng (20/7/1969 - 20/7/2019):

Kỳ 4: Thuyết âm mưu về “màn kịch” 30 tỷ đô của Mỹ

Thứ Hai, 22/07/2019 16:29  | Anh Duy

|

(CATP) Bên cạnh những lời tán dương về thành tựu đưa người lên Mặt trăng của sứ mệnh Apollo 11 đi kèm những diễn ngôn chính trị của tổng thống Kennedy vì “giấc mơ” nước Mỹ trở nên vĩ đại, thì vẫn còn đó những lời chỉ trích và ngờ vực về thành công của dự án này.

Mọi chuyện nghi vấn về “màn kịch” này dấy lên từ tác phẩm “Chúng ta chưa từng đến Mặt trăng: Trò lừa 30 tỷ đô của Mỹ” do cựu binh Hải quân Mỹ Bill Kaysing chấp bút. Ông là trưởng phòng xuất bản kỹ thuật của hãng Rocketdyne, nơi sản xuất động cơ đẩy F-1 cho tên lửa Saturn V, tên lửa đưa tàu Apollo 11 lên quỹ đạo Mặt trăng.

Lá cờ “bay”

Trong cuốn sách, Kaysing “soi” vào những tấm ảnh và đoạn video quay lại hành trình huyền thoại này. Ông chất vấn các tấm ảnh gửi về từ bề mặt Mặt trăng khi không có ảnh nào cho thấy không gian đen kịt đằng sau các phi hành gia có sự hiện diện của các vì sao lấp lánh? Chúng đã đi đâu? Thêm nữa, các phi hành gia di chuyển cách xa nhau trên bề mặt Mặt trăng nhưng các tấm ảnh gửi về cho thấy chúng dường như được chụp ở cùng một ngoại cảnh.

Thậm chí ông còn cho rằng các bức ảnh trên được dàn dựng, cắt ghép: Điển hình như lá cờ Mỹ được cắm xuống. Trên Mặt trăng là môi trường chân không, vậy gió ở đâu thổi đến khiến lá cờ bay phần phật? Khi module Đại bàng đáp xuống bề mặt nhiều bụi mịn của Mặt trăng, cú đáp vì sao không khiến bụi đất từ bề mặt bốc lên?

Đáp lại những nghi vấn của Kaysing, chuyên gia trong lĩnh vực phim ảnh và truyền hình đến từ Đại học Hertfordshire, Anh cho rằng các cảnh quay phi hành gia đáp xuống Mặt trăng không thể bị làm giả vì đơn giản kỹ thuật thời đó chưa cho phép. Đơn cử như ý kiến đoạn video được làm chậm để người xem có cảm giác các phi hành gia di chuyển chậm chạp do trọng lực cực thấp so với Trái đất.

Lá cờ Mỹ với dạng lượn sóng như đang bay trong gió trên Mặt trăng gây nhiều nghi vấn - Ảnh: NASA​

Berry khẳng định vào thời điểm đó (1969) chưa có kỹ thuật nào có thể can thiệp, khiến thao tác của nhân vật trong video được tua chậm lại so với bình thường như ngày nay. Ngoài ra đoạn video được quay bằng máy quay 10 khung hình/giây trong khi máy ở các phim trường là 24-30 khung hình/giây.

Trở lại với những luận điểm khác, như vì sao cờ Mỹ bay phần phật lúc cắm trên Mặt trăng? Berry cho rằng chỉ có lúc phi hành gia vừa cắm xuống, nó mới có hiện tượng “bay”. Và chỉ là khi đó nó dịch chuyển, còn lại sau đó lá cờ đứng im vì hết lực tác động. Ngoài ra nếu quay trên sa mạc ắt hẳn đoạn video sẽ xuất hiện hiện tượng sóng nhiệt, nhưng trong video của NASA không có.

Trong một ý kiến khác, Tiến sĩ thiên văn học Rick Fienberg đến từ Hiệp hội Thiên văn học Mỹ cho biết lá cờ lượn sóng như đang bay phấp phới trong gió là do NASA chế tạo nó bằng cấu trúc đặc biệt có dạng lượn sóng để lá cờ khi cắm nhìn có vẻ là đang bay trong gió chứ không rủ xuống trong một môi trường chân không.

Về nghi vấn không có ngôi sao nào xuất hiện trên bầu trời của Mặt trăng trong các bức ảnh gửi về, cũng theo Rick Fienberg là do hiện tượng phơi sáng. Vì bề mặt Mặt trăng được Mặt trời khi đó chiếu sáng (ánh sáng Mặt trăng nhìn từ Trái đất là do ánh sáng Mặt trời phản chiếu lại), các phi hành gia khi đó lại mặc đồ bảo hộ màu trắng nên càng làm gia tăng độ phản chiếu. Tất cả đều “chói loà” khi đưa máy ảnh lên chụp, nên chụp được cho rõ bề mặt Mặt trăng hay các phi hành gia ở cự ly gần còn khó, huống hồ là các vì sao xa.

Ngoài ra vào thời điểm đổ bộ (1969) trùng với thời điểm đạo diễn Stanley Kubrick cho ra đời bộ phim khoa học viễn tưởng "2001: A Space Odyssey" (1968). Bộ phim với những cảnh quay và tạo hình hấp dẫn, chân thật về không gian vũ trụ, nhận được tán dương nhưng đồng thời cũng khiến dư luận nghi vấn liệu có một “thoả thuận ngầm” nào giữa chính phủ và vị đạo diễn này để dàn dựng nên một vụ đổ bộ lên Mặt trăng ngay trong phim trường hay không?

Đạo diễn Stanley Kubrick - Ảnh: plotandtheme.com

Dư luận còn xôn xao hơn khi Frederick Ordway – một nhà khoa học đương thời làm việc cho sứ mệnh Apollo, đồng thời cũng là cố vấn khoa học cho bộ phim của Kubrick. Truyền thông Mỹ đưa tin, đã có lần vị đạo diễn này “trăn trở” về việc làm sao để tạo ra những hình ảnh trên Mặt trăng giống như thật ngay trên phim trường. Ông cho rằng đây là “vấn đề nan giải nhất”.

Dù hấp dẫn, nhưng những nghi vấn này gặp phải những lập luận phản bác lại: Điển hình như số đá Mặt trăng lấy về khi con tàu đổ bộ xuống, hiện vẫn còn lưu trữ. Đem đi phân tích có thể dễ dàng biết nó đến từ đâu. Hay như tàu thám hiểm NASA Lunar sau này đã gửi hình ảnh về cho thấy dấu vết của các phi hành gia để lại trên Mặt trăng.

Thêm vào đó là số nhân lực tham gia quá lớn vào dự án này: 400.000 ngườitrong vòng 10 năm.Không thể “bịt miệng” hết được để họ không tuồn ra công luận những “khuất tất” nếu có mập mờ gì trong dự án này. Ngoài ra, hàng triệu người xem truyền hình lúc đó theo dõi nhất cử nhất động của cuộc đổ bộ nên xác suất dàn dựng khá thấp.

Động cơ gì?

Thuyết âm mưu luôn đi kèm với các động cơ. Đặt trong bối cảnh Chiến Tranh lạnh khi đó đang đến hồi gay cấn. Mỹ cần “gỡ gạc” danh dự sau khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik 1 hay đưa được phi hành gia Gagarin lên quỹ đạo. Dù Washington sau đó cũng phóng được vệ tinh hay đưa người lên không gian, nhưng họ muốn thể hiện trước Moscow điều gì vượt trội hơn thế. Trong khi Mặt trăng ở …quá xa và khá nguy hiểm để đưa người lên. Giải pháp an toàn là …dàn dựng để lấy tiếng và giải toả áp lực của công chúng đặt kỳ vọng lên chính quyền phải dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ.

Một nguyên do nữa được đưa ra là do Chiến tranh Việt Nam giai đoạn này đến hồi khốc liệt. Để dư luận bớt chú ý đến diễn tiến chiến tranh, vốn ngốn nhiều nhân mạng và tài chính của nước Mỹ, các đời tổng thống ở giai đoạn này bám vào chương trình Apollo, tạo nên cuộc đổ bộ lên Mặt trăng để công chúng hướng chú ý đến sự kiện này. Cũng trùng hợp khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, sứ mệnh Apollo cũng bị huỷ (năm 1972). 

Nhà du hành vũ trụ Buzz Aldrin đáp xuống Mặt Trăng ngày 20-7-1969. Ảnh: Thư viện ảnh Allstar

Đến nay nửa thế kỷ trôi qua, khi con người có nhiều thêm các công cụ tìm kiếm thông tin để kiểm chứng (Google…), hai luồng ý kiến tự hào và ngờ vực thời khắc đổ bộ lên Mặt trăng càng thêm chia rẽ sâu sắc. Nhưng cũng vì thế nó tạo nên sự bí ẩn của lịch sử đồng thời thúc đẩy con người hướng đến tương lai: Những tiến bộ trong công nghệ tên lửa, khám phá thêm nhiều hiện tượng như sóng hấp dẫn, chụp ảnh được hố đen… hứa hẹn sẽ đem đến những dư địa nghiên cứu mới về không gian.

Mặt trăng không phải là điểm dừng chân cuối cùng của nhân loại khi những đời tổng thống sau này của nước Mỹ như Donald Trump vừa tuyên bố sẽ đưa người lên Sao Hoả. Tiến về phía trước chính là nhiệm vụ của chúng ta.

​Kỳ 1: Cuộc đua khốc liệt thời Chiến Tranh Lạnh
 
​Kỳ 2: Bước chân lưu dấu
 
Kỳ 3: “Thế hệ vĩ đại nhất” của nước Mỹ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang