Máy bay chở khách do Trung Quốc sản xuất lần đầu bay ra quốc tế

Thứ Ba, 20/02/2024 09:31  | Anh Duy

|

​(CAO) Máy bay C919 do Trung Quốc sản xuất được đánh giá là một đối thủ tiềm năng của các máy bay Boeing và Airbus do phương Tây sản xuất, đã có bước đột phá đầu tiên bằng chuyến bay trình diễn tại Triển lãm hàng không Singapore.

Máy bay phản lực một lối đi do Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) thuộc sở hữu nhà nước sản xuất, là biểu tượng nổi bật của chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc” của Bắc Kinh, nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài.

Trung Quốc gọi C919, có thể chở dưới 200 hành khách, là máy bay chở khách cỡ lớn đầu tiên trong nước. Chiếc máy bay này đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 5 năm ngoái. Nó được chứng nhận chỉ chở hành khách trong phạm vi Trung Quốc đại lục.

Cindy Koh, phó chủ tịch điều hành Ban Phát triển kinh tế Singapore, một trong những nhà tổ chức triển lãm hàng không, nói với các phóng viên hôm 18/2: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi ghi nhận có sự tham gia của các nhà triển lãm đến từ Trung Quốc”.

Trung Quốc không giấu tham vọng cạnh tranh với Boeing và Airbus. Việc trình làng C919 diễn ra vào thời điểm Boeing đang vấp phải nhiều bê bối. Tháng trước, một phần thân máy bay Boeing 737 Max 9 đã rơi ra trong chuyến bay của hãng Air Alaska ở Mỹ.

Chiếc C919 của Trung Quốc 

Shukor Yusof - người sáng lập Endau Analytics, một công ty theo dõi ngành hàng không, cho biết C919 sẽ là "chiếc máy bay được xem xét kỹ lưỡng nhất tại triển lãm hàng không Singapore", một sự kiện thu hút các giám đốc điều hành của các công ty bay và các quan chức chính phủ cấp cao từ khắp nơi trên thế giới.

Ông nói: “Có rất nhiều điều thú vị khi xem chiếc máy bay thực tế này, nó hoạt động như thế nào trong chuyến bay”.

Hiện tại, chỉ có một số ít quốc gia tự sản xuất máy bay vì rào cản gia nhập ngành rất cao; cần có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao cũng như lượng thời gian và nguồn lực khổng lồ.

Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, C919 đã tiêu tốn khoảng 49 tỷ USD cho các chi phí phát triển, sản xuất và các chi phí khác, mặc dù họ cho biết việc xác định chính xác bao nhiêu là một nhiệm vụ khó khăn. Vào tháng 12, chiếc máy bay này đã thực hiện chuyến bay trình diễn tại cảng Victoria của Hồng Kông, trong chuyến hành trình đầu tiên ra ngoài Trung Quốc đại lục.

Theo Yusof, căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington cũng sẽ khiến Comac gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường ở phương Tây.

Chiếc C919 bay trình diễn tại Triển lãm hàng không Singapore 

Mẫu máy bay này vẫn chưa được các cơ quan quản lý hàng không Mỹ và châu Âu chứng nhận, điều mà Yusof cho rằng là “một bất lợi lớn”.

Ông nói thêm, với khả năng bay từ 5 đến 6 giờ, C919 là lựa chọn hoàn hảo cho việc di chuyển trong khu vực và có tiềm năng thu hút các quốc gia ở Đông Nam Á, Châu Phi và Trung Á.

Ông nhận định: “Nó sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh ở mức độ nhỏ, nhưng nó sẽ không cùng hạng với Airbus và Boeing”.

Năm ngoái, hãng hàng không giá rẻ TransNusa của Indonesia đã trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của Comac khi mua ARJ21, một máy bay phản lực khu vực có thể chở dưới 100 hành khách.

Bình luận (0)

Lên đầu trang