Thành phố bị hủy diệt Pompeii - Kỳ 3: Cuộc khai quật quan trọng

Thứ Năm, 03/08/2017 11:17  | Đức Thiện

|

(CAO) Bị tàn phá rồi biến mất vĩnh viễn từ năm 79 SCN, nhưng phải đến gần 18 thế kỷ sau đó, Pompeii mới được khai quật để tìm hiểu. Những phát hiện về thành cổ đã mang đến nhiều kiến thức khoa học thú vị, mở ra những tri thức còn thiếu xót không chỉ về thành phố mà còn về cả đế chế La Mã cổ đại.

Thành phố bị hủy diệt Pompeii - Kỳ 2: Mối hiểm họa bị phớt lờ
 

Phát hiện tình cờ

Sau khi bị tàn phá nặng nề bởi trận phun trào của núi lửa Vesuvius, mọi nỗ lực của chính quyền La Mã nhằm tài định cư ở Pompeii, Herculaneum cũng như nhiều vùng thuộc Campania và ven vịnh Naples đều thất bại. Cũng từ đó, cái tên Pompeii bắt đầu bị lãng quên dù cho từng tồn tại là một thành đô cực kỳ thịnh vượng. Những cư dân cũ của thành phố cũng bỏ xứ mà đi, để lại toàn bộ nhà cửa, tài sàn bị vùi lấp dưới tro tàn của núi lửa.

Mãi đến tận năm 1748, tức chính xác là 1669 năm sau thảm họa, Pompeii mới bắt đầu được khai quật trở lại. Tuy nhiên, thành phố này cũng chỉ được tìm thấy một cách tình cờ. Nghĩa là Pompeii xuất hiện trở lại hoàn toàn không nằm trong chủ đích của con người.

Câu chuyện bắt đầu khi quay ngược thời gian khoảng vài trăm năm trước đó, vào thế kỷ 16. Khi đó, kiến trúc sư Domenico Fontana cùng các công nhân đang đào một hệ thống kênh rạch để dẫn nước vào từ sông Sarno đã vô tình đi ngang qua Pompeii, chính xác hơn là tàn tích của nó.

Có tài liệu cho rằng Fontana tìm thấy tấm bia khắc dòng chữ “decurio Pompeis” – có nghĩa là “Hội đồng thành phố Pompeii”. Tuy nhiên, ông quyết định từ bỏ việc tìm hiểu đống đổ nát do không có đầy đủ các ghi chép.

Dù vậy, phát hiện của Fontana vẫn có sức lôi cuốn. Nhờ những gì ông tìm thấy mà đến năm 1709, người ta phát hiện ra Herculaneum và tiến hành khai quật vào năm 1738. 10 năm sau, vào năm 1748, quá trình “hồi sinh” Pompeii bắt đầu được tiến hành.

Người đảm nhận trọng trách khi đó là kỹ sư quân sự Rocco Gioacchino de Alcubiere, dưới mệnh lệnh của vua Tây Ban Nha Charles Đệ Tam. Trải qua hơn 200 năm sau đó, các cuộc khai quật được tiếp nối và đến tận ngày hôm nay, các nhà địa chất, khảo cổ học và nhiều chuyên gia vẫn tiếp tục công trình khám phá thành đô cổ đại này.

Nguyên vẹn với thời gian

Khu vực khảo cổ di tích Pompeii ngày nay có diện tích từ khoảng 60 đến 68 hecta và được xem là một trong những khu khảo cổ lớn nhất thế giới hiện nay. Việc phát hiện và nghiên cứu Pompeii được đánh giá là có vai trò cực kỳ quan trọng với nhân loại.

Một điều bất ngờ khi Pompeii được khai quật, đó là hầu hết các công trình, nhà cửa và thậm chí thi thể các nạn nhân vẫn giữ được sự nguyên vẹn dù trải qua một trong những thảm họa đáng sợ nhất trong lịch sử loài người. Hóa ra, trận phun trào của núi lửa Vesuvius năm 79 SCN đã không thật sự tàn phá Pompeii. Lớp tro bụi và dung nham nhấn chìm thành phố, song cũng giúp cho nó tránh được sự phá hủy từ các yếu tố thiên nhiên.

Những gì mà các nhà khảo cổ thu được sau khi khai quật Pompeii gồm có nhà cửa, đền thờ, những con đường được lát gạch đá, thi thể những nạn nhân. Ngoài ra, họ còn tìm thấy nhiều căn biệt thự lộng lẫy và cả một…bữa ăn còn đang dang dở.

Nhiều vật dụng có giá trị nghệ thuật như tranh vẽ, đài phun nước,…cũng được khai quật tại Pompeii. Tất cả những gì thu được đều mở ra cho chúng ta thấy được đời sống không chỉ tại thành phố, mà gần như của toàn đế chế La Mã những năm đầu Công nguyên.

Một trong những công trình có giá trị nhất đã được đào và tìm thấy ở Pompeii, chính là đấu trường thành phố. Với cấu trúc hình êlip, đây là một trong những kiểu kiến trúc đặc trưng dành cho các đấu trường thời La Mã. Theo BBC, đấu trường tại Pompeii đã được xây dựng từ năm 70 TCN và là đấu trường lâu đời nhất trong lịch sử, nghĩa là nó có niên đại còn lâu hơn là Colosseum ở kinh thành Rome.

Đấu trường tại Pompeii nơi tranh tài của các đấu sĩ và nhiều bằng chứng vẽ trên tường thành cho thấy đây là môn thể thao rất phổ biến. Theo ước tính, đấu trường này có sức chứa lên đến 20 nghìn người và phục vụ không chỉ cho người dân Pompeii mà còn cho cả những vùng lân cận (thời điểm năm 79 SCN khi thảm họa ập đến, dân số tại Pompeii chỉ khoảng 15 nghìn người).

Sự hấp dẫn từ các cuộc tỉ thí là như vậy, nhưng nó cũng để lại hậu quả không mấy tốt đẹp. Năm 59 SCN, một cuộc xung đột nảy lửa xảy ra tại đấu trường giữa cư dân địa phương với những người đến từ vùng Nuceria gần đó. Hệ quả là hoàng đế Nero ra quyết định cấm thi đấu môn thể thao đấu sĩ trong 10 năm ở Pompeii. Dù vậy, mức độ quan trọng của đấu trường là không thể tranh cãi. Đó là lý do vì sao sau trận động đất năm 62 gây ra sự tàn phá khổng lồ, thì đấu trường là nơi đầu tiên trong thành phố được lệnh trùng tu dù đã không có ai thi đấu tại đây trong suốt 3 năm.

Thi thể có tư thế “kỳ cục”

Mặc dù cuộc khai quật Pompeii đem đến nhiều sự hiểu biết, song một số những phát hiện lại khiến cho các chuyên gia phải lắc đầu ngao ngán.

Hồi tháng Tư năm nay, các trang mạng xã hội bắt đầu “dậy sóng” về một thi thể có tư thế hết sức “kỳ cục” tại Pompeii. Người này có vẻ qua đời trong tư thế đang nằm, nhưng tay phải lại có vẻ như đang nắm vào…vùng kín.

Bức ảnh nhanh chóng được chia sẻ và tạo ra một cơn sốt, chủ yếu trên Facebook và Twitter. Người dùng mạng xã hội bắt đầu đặt ra những giả thuyết, nhưng có lẽ phần lớn là để trêu đùa khi cho rằng người này chết khi đang bận…thủ dâm. Các dòng trạng thái hài hước xuất hiện tràn lan, có người châm biếm rằng anh chàng này chết khi đang làm việc mình “yêu thích nhất”, lại có người gọi anh ta đang “nắm tay người yêu” trong lúc lâm chung.

Các chuyên gia, dĩ nhiên không tán thành kiểu giả thuyết mơ hồ này. Theo BBC, trong số 1.150 thi thể được tìm thấy tại Pompeii, có đến 756 nạn nhân chết bởi dòng chảy của nham thạch đổ xuống từ miệng núi lửa. Dựa vào đó, tiến sĩ chuyên ngành nghiên cứu núi lửa và đã có 25 năm nghiên cứu Vesuvius là ông Petrone cho rằng nạn nhân nói trên có thể đã bị co rút cơ thể do tiếp xúc với nhiệt độ quá cao.

“Hầu hết các nạn nhân tại Pompeii đều có tư thế tay chân rất lạ lùng. Nguyên nhân là do tứ chi bị co rút như một hệ quả của việc cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ cao sau khi qua đời”, ông Petrone lí giải.

Nạn nhân xấu số trong bức ảnh đang làm gì trước khi chết thì chẳng ai biết. Nhưng giờ thì người ta đã biết sau khi chết và bị chôn vùi suốt hơn 2.000 năm, anh này đã trở thành hiện tượng, một người nổi tiếng nhờ…internet.

Thành phố bị hủy diệt Pompeii - Kỳ 1: Thành phố phồn hoa của đế chế La Mã
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang