Cuộc họp thượng đỉnh khối Liên minh châu Âu không đạt được kết quả như mong muốn

Thứ Sáu, 16/10/2015 21:11  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO) Cuộc họp thượng đỉnh của khối Liên minh châu Âu về vấn đề người di tản Trung Đông vào ngày 15-10-2015 tại Bruxelles kéo dài sáng ngày 16-10-2015 mới có thông tin, nhưng kết quả đạt được khá hạn chế

Khối Liên minh châu Âu đồng ý với Thổ Nhĩ Kỳ trên một điểm chung là giảm số lượng người di tản đang tiến về châu Âu.

Theo kế hoạch thì Thổ Nhĩ Kỳ phải cải thiện đời sống người di tản để họ không vì quẫn bách, đói, khát, bệnh tật mà chấp nhận hy sinh mạng sống để lên đường di tản, thậm chí có người chết đuối khi vượt biển để vào được Hy Lạp.

Bên cạnh đó, với sự trợ giúp của khối Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ phải kiểm soát biên giới của họ có hiệu lực hơn. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đòi hỏi một khoản ngân sách là 3 tỷ Euro cho vấn đề cải thiện đời sống của người di tản. Theo nước này, thì Thổ Nhĩ Kỳ đã chi tiêu 7 tỷ Euro nhưng đã chỉ nhận được 1 tỷ Euro cứu trợ.

Theo nguồn tin từ khối Liên minh châu Âu thì một ngân khoản là 500 triệu Euro đã được chuyển vào tài khoản của ngân quỹ bảo trợ cho Syria. Khối Liên minh châu Âu hứa hẹn sẽ giúp đỡ cụ thể thêm bằng hiện vật căn bản cho vấn đề người di tản.

Nữ thủ tướng Đức Merkel tuyên bố là không thể ngày một ngày hai có thể giải ngân ngay một lúc 3 tỷ Euro, khối Liên minh châu Âu chỉ có thể cam kết là hành động trong khả năng của mình.

Thủ tướng Angela Merkel và Chủ tịch HĐ Cố vấn Liên minh châu Âu Jean-Claude Juncker

Chủ tịch Hội đồng cố vấn Liên minh châu Âu, ông Jean-Claude Juncker hứa hẹn là khối Liên minh châu Âu sẽ nới việc xin thông hành của công dân Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sự kiện này sẽ còn tùy thuộc vào hành động cụ thể của nước này để giảm lượng người di tản Trung Đông đi vào châu Âu, và các điều kiện để xin thông hành vào các nước trong khối Liên minh châu Âu sẽ không được thay đổi.

Câu hỏi chính trị quan trọng nhất và được báo chí chờ đợi nhất là: Thổ Nhĩ Kỳ có được ghi vào "danh sách các quốc gia chắc chắn" (Liste des pays sûrs) hay không, thì không được bàn thảo trong buổi họp hôm qua. Sự mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với dân tộc Kurde và nhất là các đợt tấn công mạnh của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào các vùng định cư của người Kurde trên đất Iraq và Syria lại là những thực tế mâu thuẫn với ý nghĩa của một "quốc gia chắc chắn" là quốc giá đó "chắc chắn" không sử dụng các chính sách đàn áp các dân tộc, không phân biệt đối xử chính kiến và áp dụng những hình phạt nặng nề vì chính trị, khiến cho người dân phải di tản đi nước khác xin tỵ nạn chính trị.

Tổng thống Pháp, Hollande và ông Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu

Một câu hỏi khác về tỷ lệ phân chia lại người di tản cho các nước trong khối Liên minh châu Âu, dù đã được bàn thảo thẳng thắn và nghiêm túc, nhưng cũng chưa tìm ra được một sự đồng thuận vì có nhiều ý kiến khác biệt.

Đặc biệt, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ sự bức xúc trước thái độ rất cứng rắn chống lại việc thu nhận người di tản Trung Đông của các nước Đông Âu. Bà cho rằng cần phải thảo luận nhiều hơn nữa, để cho tất cả có thể hiểu được những vấn đề cơ bản.

Bình luận (0)

Lên đầu trang