Châu Âu lâm thế khó khi các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ có hiệu lực

Thứ Ba, 06/11/2018 11:44  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 6-11, Reuters đưa tin các lệnh trừng phạt Iran được Mỹ tái áp đặt lại bắt đầu có hiệu lực vào ngày 5-11 nhắm vào lĩnh vực dầu khí, ngân hàng và giao thông.

Các bước đi này được Iran xem là hành vi bắt nạt, một cuộc chiến kinh tế mà Tehran doạ sẽ có biện pháp trả đũa.

Trước đó vào hồi tháng 5, Trump đã rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran đạt được dưới thời tổng thống Obama năm 2015 do cáo buộc Tehran tìm cách bành trướng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực Trung Đông, can thiệp vào cuộc chiến uỷ nhiệm ở Syria, Yemen và Li-băng.

Trong các biện pháp trừng phạt lần này đặc biệt tập trung vào các khoản lợi từ việc xuất khẩu dầu mỏ cũng như hạn chế việc ngành tài chính Iran tiếp cận các dịch vụ của hệ thống tài chính Mỹ.

Ông Trump đặt cược những biện pháp gây áp lực này có thể khiến Iran thay đổi hành vi để đồng ý ngồi vào bàn tái đàm phán thoả thuận hạt nhân mới trong đó có các điểu khoản bao trùm cả chương trình tên lửa của nước này.

Đáp lại tổng thống Iran - Hassan Rouhani nhấn mạnh Tehran sẽ tìm cách bán dầu của mình để khiến các lệnh trừng phạt thất bại. Ông nhấn mạnh: ‘Kẻ thù đang nhắm vào nền kinh tế của chúng ta, với mục tiêu chính là người dân của chúng ta. Đây đích thị là một cuộc chiến kinh tế chống lại Iran”.

Iran chỉ trích Mỹ đang tiến hành cuộc chiến kinh tế chống nước này - Ảnh: Reuters

Trước các động thái này, các nước Châu Âu đang là bên lâm thế khó vì các công ty ở châu lục này đã hợp tác làm ăn trở lại với Tehran từ sau khi thoả thuận hạt nhân 2015 đạt được. Quyết định của Trump làm các hợp đồng làm ăn đổ vỡ. Trump thể hiện rõ quan điểm: “Hoặc làm ăn với Iran hoặc làm ăn với Mỹ. Nếu làm ăn với Iran, các nước sẽ bị Mỹ trừng phạt”.

Một số chuyên gia quốc tế cho rằng dù có áp lại các lệnh trừng phạt, tác dụng vẫn không nhiều.

Reuters dẫn lời Dennis Ross- một cựu quan chức Mỹ nay đang làm việc tại viện nghiên cứu Washington về chính sách Cận đông nhận định: “Sự gia tăng áp lực lên Iran sẽ không thay đổi được hành vi ứng xử của chế độ này một sớm một chiều” như ý ông Trump muốn.

Trong khi đó ngoại trưởng Iran - Mohammad Javad Zarif chỉ trích Tehran đang bị Mỹ “bắt nạt”. Ông cho biết các bên trong thoả thuận 2015 gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga đã khẳng định sẽ ở lại thoả thuận này.

Trước đó Mỹ đã thiết kế chính sách trừng phạt những khách hàng chính mua dầu từ Iran. Tuy nhiên vào phút cuối Mỹ đã cho ngoại lệ đối với 8 bên nhập khẩu gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, Ý, Đài Loan, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc được tiếp tục mua dầu từ Tehran.

Bình luận (0)

Lên đầu trang