Đàm phán song phương về Biển Đông giữa Trung Quốc - Philippines tác động thế nào đến ASEAN?

Thứ Sáu, 19/05/2017 19:42

|

(CAO) 'Liệu Trung Quốc có dừng hành động khiêu khích trên Biển Đông?' - Đó là tiêu đề bài viết của hai cây bút Katie Hunt và David McKenzie trên CNN khi chính quyền Trung Quốc và Philippines tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với nhau về tình hình Biển Đông, lần đầu tiên vào hôm 19-5. Động thái có thể góp phần củng cố hoạt động cưỡng chiếm của Bắc Kinh ở khu vực tranh chấp này.

Bằng cách chấp thuận đối thoại song phương (điều mà chính quyền Trung Quốc mong muốn), các chuyên gia phân tích nhận định Philippines đang làm suy yếu vị thế trên bàn đối thoại của các quốc gia khác, những nước đang theo đuổi giải pháp đàm phán đa phương và "góp phần" củng cố khả năng kiểm soát của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trung Quốc xây trái phép các công trình quy mô lớn trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) - Ảnh: CNN

“Trung Quốc đang chiến thắng về lý lẽ ở đây và các nước khác có khả năng sẽ chuyển động theo hướng này (đàm phán song phương với Bắc Kinh)” – Mathew Davies, người đứng đầu Khoa Quan hệ quốc tế ở Đại học quốc gia Úc, chuyên gia nghiên cứu chính sách ở Đông Nam Á nhận định.

Biển Đông là tuyến đường biển chiến lược, nơi phát sinh tranh chấp giữa các nước và vùng lãnh thổ Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia chống lại đòi hỏi chủ quyền của các nước khác.

Đàm phán song phương sẽ dẫn đến thay đổi gì?

Chỉ hơn 1 năm trước, Philippines đã chiến thắng khi Manila kiện Bắc Kinh ra tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) vì tranh chấp trên Biển Đông. Sau đó ít lâu, Manila đã từ chối đàm phán song phương với Bắc Kinh.

Tuy nhiên nay gió đã đổi chiều dưới thời tân tổng thống Philippines- Rodrigo Duterte, người nhận nhiệm sở vào tháng 6-2016. Philippines nay đã “xoay trục” theo Bắc Kinh. Manila xem Bắc Kinh là một nguồn đầu tư cần thiết, ngày càng tách rời khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ mặc dù giữa Mỹ và Philippines có hiệp định quốc phòng chung. Duterte nay trở thành đồng minh “không đáng tin cậy” của Mỹ.

Chito Santa Romana –Đại sứ Philippines tại Trung Quốc nói với CNN rằng Manila không được bảo đảm nó sẽ đạt được những gì mình mong muốn từ Mỹ và cộng đồng quốc tế, cũng như nhận được hỗ trợ cần thiết trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Trung Quốc trên Biển Đông. “ Đó là lý do tại sao tổng thống (Duterte) từng yêu cầu đại sứ Mỹ tại Philippines xác nhận Mỹ sẽ luôn bên cạnh Philippines hay không. Tuy nhiên đại sứ Mỹ không đưa ra được câu trả lời rõ ràng” – Romana nói trong cuộc phỏng vấn với CNN. Vị đại sứ này ví von: “Logic về chiến lược ở đây rất đơn giản. Đừng đặt những quả trứng vào cùng một giỏ”. Thành ngữ chỉ việc đừng nên đặt niềm tin vào một thế lực duy nhất nào.

Trong một thông cáo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói với CNN rằng mối quan hệ đồng minh với Philippines là mối quan hệ bền vững, “sắt đá”.

Tổng thống Philippines Duterte thăm tàu Trung Quốc cập cảng Philippines  - Ảnh: RT - RTVM

Chỉ mới tuần trước, Trung Quốc và Philippines đã ký một kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội trị giá 72 triệu USD. Động thái diễn ra khi Trung Quốc hứa hẹn các khoản đầu tư phù hợp vào Philippines.

Đại sứ Santa Romana bác bỏ cáo buộc về việc bán chủ quyền trên Biển Đông (Philippines gọi là Biển Tây) để đảm bảo nhận được nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Romana nhấn mạnh: “Philippines dưới thời Duterte đã quyết định phải giải quyết thực trạng hiện tại là đất nước (tiếp tục) lệ thuộc vào một cường quốc cách xa hàng ngàn dặm (Mỹ) hay chú ý phát triển mối quan hệ với những hàng xóm láng giềng cạnh bên, đặc biệt là một trong những hàng xóm lớn nhất của mình – đó là Trung Quốc”. Philippines đang ngụ ý đến khả năng sẽ theo quan điểm “anh em xa không bằng láng giềng gần”.

Động thái của Philippines đến trong bối cảnh chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump giảm áp lực đối với Bắc Kinh về tranh chấp trên Biển Đông, quyết định nhằm mong muốn Trung Quốc hợp tác với Washington trong vấn đề Triều Tiên.

Trước đó, Trump đã bác đề xuất của Bộ Quốc phòng cử tàu chiến tuần tra quanh các bãi đá ngầm Bắc Kinh cưỡng chiếm, xây trái phép các công trình trên Biển Đông. Trước đó, dưới thời Obama, các vụ tuần tra trên Biển Đông diễn ra rất thường xuyên.

Trước cuộc đàm phán song phương giữa Philippines và Trung Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã họp cùng nhau để hướng đến một giải pháp đa phương cho vấn đề Biển Đông, bàn về việc triển khai bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).

COC đang được bàn thảo. Một dự thảo vể COC đã được đồng thuận hôm 18-5 nhưng chi tiết chưa được công bố cụ thể ra cộng đồng.

Tuy nhiên, COC dường như thiếu khả năng thực thi nếu những thông cáo hiện tại đến từ ASEAN nhất mực tuân theo bất kỳ đòi hỏi nào (dù là vô lý) của Trung Quốc (năm nay Philippines đang giữ chức chủ tịch ASEAN).

Tổng thống Philippines Duterte (trái) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh - Ảnh: CCTV

“Trước khi có một siêu cường chống lưng cho ASEAN, ngày càng khó khăn cho tổ chức này trong việc đối phó trước những tính toán chiến lược về vai trò của Trung Quốc. Giờ đây Mỹ đang quay lưng khiến các quốc gia Đông Nam Á trở nên yếu hơn. Trung Quốc nay có thể đàm phán song phương với các thành viên, và với ASEAN, việc này phát đi một thông điệp lan rộng khắp”.

Cuộc đàm phán song phương về tranh chấp trên Biển Đông (với Philippines) giúp Trung Quốc “tăng cường và củng cố vị thế” trên bàn đàm phán Biển Đông – chuyên gia Davies nhận định. “Họ (ASEAN) là những quốc gia yếu thế nhưng mạnh nếu biết tận dụng số lượng” – Davies nói với CNN.

Nhưng nay “bó đũa” đó (ASEAN) đang bị Bắc Kinh lôi ra bẻ từng chiếc (đàm phán song phương) nhằm làm yếu đi tiếng nói của toàn khối trong bàn đàm phán tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang