Tham vọng thiết lập “con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc

Thứ Sáu, 06/01/2017 11:46  | Anh Duy

|

(CAO) Trong bước đi nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa trên bình diện toàn cầu, BBC đưa tin chính quyền Trung Quốc vừa khai trương tuyến đường sắt chở hàng trực tiếp từ thị xã Nghĩa Ô (tỉnh Chiết Giang) đến London (Anh).

Tuyến đường sắt chở hàng dài gần 12.000 km đi xuyên qua lục địa Á – Âu, khai trương từ ngày 1-1. Mất khoảng 18 ngày để tàu hàng từ Chiết Giang đến được các thành phố Châu Âu như London hay Hamburg (Đức). Trước đó, tàu hỏa chở hàng từ Trung Quốc thường nối tuyến vào mạng đường sắt Xuyên Á đi ngang vùng Siberia của Nga.

Nay tuyến đường được mệnh danh là “Con đường tơ lụa mới” này đi tránh vùng lạnh giá Siberia bằng chuyến hành trình từ vùng biển phía Đông tỉnh Chiết Giang tiến sâu vào lục địa, xuyên qua khu tự trị Tân Cương ở phía tây đến Nga. Sau đó từ Moscow, tàu tiếp tục di chuyển vào các nước Châu Âu. Tại Đức, tuyến đường sắt này “tẻ nhánh” đến London, Madrid và Milan.

Con đường mới đi gần song song với tuyến đường tơ lụa cũ tồn tại hàng nghìn năm qua ở phương Đông bắt đầu từ tỉnh Phúc Kiến đi đến các nước Châu Âu. Những đàn ngựa và lạc đà xưa kia dùng vận chuyển hàng hóa, tơ lụa từ thành Trường An đến các nước phương Tây, nay được thay thế bằng những đoàn tàu hiện đại. Quần áo, túi xách, đồ gia dụng là các mặt hàng tiêu biểu theo những đoàn tàu lăn bánh đến Châu Âu. London là thành phố thứ 15 tham gia tuyến đường sắt đầy tham vọng này của Bắc Kinh.

Đoàn tàu được khai trương từ hôm 1-1 nằm trong khuôn khổ tuyến đường sắt nối liền Á - Âu của Trung Quốc - Ảnh: Nhân dân Nhật báo

Để khánh thành “con đường tơ lụa mới”, Trung Quốc và các nước Châu Âu đã trải qua những cuộc đàm phán cam go trong bối cảnh toàn cầu hóa khiến hoạt động giao thương giữa các nước xích lại gần nhau. Cái lợi của vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa là chi phí rẻ hơn máy bay, trong khi thời gian vận chuyển nhanh hơn tàu biển. Các dịch vụ tàu hỏa trên tuyến đường được vận hành bởi Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc.

GIẢI TỎA ÁP LỰC

Tuyến đường tơ lụa mới nằm trong chiến lược “Một vành đai, Một con đường” được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013 bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối các nước Á - Âu đến tận Châu Phi. Thông qua các sách lược xây dựng Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa trên đất liền cùng với việc xây dựng “Con đường tơ lụa” trên biển, Bắc Kinh mấy năm qua đang nhăm nhe hợp tác đầu tư, xây dựng cảng biển ở nhiều vị trí đắc địa tại Myanmar, Sri Lanka hay Pakistan….

Trong khi đó, các tuyến đường sắt còn nằm trong chính sách “hướng Tây” của ông Tập khi tập trung phát triển hạ tầng nhằm giảm khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo, thịnh vượng - đói kém giữa các tỉnh ven biển phát triển phía đông như Quảng Đông, Phúc Kiến với những tỉnh phía tây kém phát triển hơn như Thanh Hải hay các khu tự trị Tây Tạng, Tân Cương. Tạo cho hoạt động giao thương được thuận lợi nay đã trở thành giải pháp ưu tiên trong chính sách phát triển của Bắc Kinh.

Không chỉ tàu hỏa hay cảng biển, Bắc Kinh hồi tháng 12-2016 còn khánh thành tuyến đường sắt cao tốc dài 2.264 km nối Thượng Hải ở phía đông đến thủ phủ Côn Minh (tỉnh Vân Nam) ở phía tây với các đoàn tàu có thể di chuyển với vận tốc 330km/h, rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa hai thành phố này từ 34 giờ xuống còn 11 giờ.

Sơ đồ tuyến đường sắt nối Chiết Giang (Trung Quốc) đến London - Ảnh: đồ họa Daily Mail 

Tờ Foreign Policy (Mỹ) ngày 4-1 bình luận: Việc mở ra “con đường tơ lụa mới” nhằm giảm tải áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc, góp phần vào việc tìm kiếm thị trường mới để giữ cho nền kinh tế đang phát triển nóng của nước này giữ được một nhịp điệu tăng trưởng khỏe mạnh. Nhiều lĩnh vực sản xuất then chốt của Trung Quốc như thép và xi măng hiện đang sản xuất ồ ạt với lượng cung vượt quá cầu của thị trường trong nước. Mở ra các tuyến đường giao thương mới, tìm bạn hàng mới là cách thức để Bắc Kinh giải tỏa hàng hóa sản xuất dư thừa.

Frans-Paul van der Putten – Một chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc – Châu Âu thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế Hà Lan bình luận: Các tuyến đường sắt như trên nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng về địa chính trị của Bắc Kinh hơn là nhắm đến lợi nhuận kinh tế. “Nó cho phép Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ngoại giao của mình ở Châu Á, Châu Âu và Châu Phi nhằm bù trừ cho những áp lực địa chính trị mà nước này đang phải đối mặt trong khu vực Đông Á do Mỹ và Nhật Bản gây ra”.

Tờ Foreign Policy nhận định: Từ khi Trump đắc cử tổng thống Mỹ, ông thường lên tiếng chỉ trích mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, tố chính quyền Bắc Kinh thao túng đồng tiền, gây mất cân bằng cán cân thương mại (khi Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu sang Trung Quốc).

Tuyến đường sắt thể hiện tham vọng tạo tầm ảnh hưởng đến phương Tây của Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Viễn cảnh trục trặc về quan hệ kinh tế với Mỹ thời Trump cầm quyền cũng như việc các mặt hàng của nước này khi nhập khẩu vào Mỹ có nguy cơ bị chính quyền Trump đánh thuế cao hơn trong thời gian tới, hay trường hợp xấu là xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ thì “con đường tơ lụa mới” đến Châu Âu có thể là một “lối thoát”, tạo ra hướng giao thương chủ lực mới cho Trung Quốc .

Bình luận (0)

Lên đầu trang