Vì sao Triều Tiên nổi giận với đề xuất đàm phán hạt nhân ‘kiểu Lybia’?

Thứ Năm, 17/05/2018 23:00

|

​(CAO) Đó là tiêu đề bài viết của hai cây bút Megan Specia and David E. Sanger trên tờ New York Times ngày 16-5. Bài viết giải thích vì sao Triều Tiên bất ngờ cho biết khả năng họ sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào ngày 12-6 tới.

Khi cố vấn “diều hâu” John R. Bolton đề xuất Triều Tiên nên làm theo “kiểu Lybia” tức giao kho vũ khí hạt nhân cho Mỹ giải trừ để đổi lại việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế, bài học về Lybia với cái chết của nhà lãnh đạo Muammar el-Qaddafi một lần nữa nhắc nhở Triều Tiên không nên tin vào nỗ lực giải trừ vũ khí của Mỹ đối với một quốc gia khác.

Trở ngược lại thời gian, vào năm 2003 cố lãnh đạo Lybia - Qaddafi chứng kiến cảnh người Mỹ xâm lược Iraq, bắt Saddam Hussein. Ông nhận ra mình có thể là đối tượng tiếp theo. Qaddafi đã bí mật tiến hành các cuộc đàm phán với Anh và Mỹ, trong đó chính quyền của ông tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân mua từ A.Q. Khan, nhà khoa học dẫn đầu nhóm phát triển chương trình hạt nhân của Pakistan. Cả Triều Tiên và Iran đều là khách hàng của Khan.

Thế là vật liệu hạt nhân được Lybia đồng ý cho chở khỏi đất nước, phần lớn số vật liệu này được chuyển đến phòng thí nghiệm vũ khí Oak Ridge ở bang Tennessee để Washington “giải trừ” hộ. Khi cựu tổng thống Mỹ G.W.Bush thông báo thoả thuận, ông đã lấy Iran và Triều Tiên ra để nhắn nhủ: “Tôi hy vọng những nhà lãnh đạo khác sẽ xem đây là một hình mẫu” thông qua hành động của Lybia.

Tuy nhiên những gì xảy ra chỉ chưa đến 1 thập kỷ sau là điều khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lo sợ.

Năm 2011, Mỹ và các nước đồng minh Châu Âu mở chiến dịch quân sự chống lại Lybia trong cơn biến loạn của “Mùa xuân Ả Rập”, lấy cớ ngăn Qaddafi thảm sát thường dân.

Dù chính quyền Obama đã tham vấn các cố vấn, nhưng không ai tranh luận rằng việc đánh Qaddafi có thể gửi đi thông điệp đến các quốc gia khác rằng Mỹ đang cố gắng tước đi vũ khí phòng vệ của họ.

Các nhà báo Mỹ tham quan lò phản ứng hạt nhân Tajura của Lybia năm 2004 khi Qaddafi đồng ý giải trừ hạt nhân. Chưa đầy 1 thập kỷ sau ông bị giết chết trong phong trào "Mùa xuân Ả Rập" - Ảnh: AP

Cuộc can thiệp của Mỹ vào Lybia cho phép phiến quân tìm ra Qaddafi trên đường ông trốn chạy rồi ra tay sát hại. Từ đó đến nay, đất nước này vẫn chìm trong bất ổn. Và Triều Tiên xem đây là một bài học nhãn tiền.

Bình Nhưỡng lo ngại hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ biến họ thành một “mô hình” như Lybia. Bài học Qaddafi khiến Triều Tiên cố sức duy trì chương trình vũ khí của mình.

Năm 2011, sau khi Mỹ và đồng minh không kích Lybia, ngoại trưởng Triều Tiên khi ấy nhận định việc phi hạt nhân hoá của quốc gia Bắc Phi đã “tạo điều kiện cho một chiến lược xâm lược nhằm giải giáp quốc gia này”.

Sau khi Qaddafi chết, vấn đề càng trở nên rõ ràng với Triều Tiên: Họ sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân.

Năm 2016, ít lâu sau khi Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân, đài KCNA lập tức liên hệ đến Lybia và Iraq. Bản tin trên đài này bình luận: “Lịch sử đã chứng minh rằng sức mạnh hạt nhân là thanh kiếm bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lăng của ngoại bang. Chế độ Saddam Hussein ở Iraq và Qaddafi ở Lybia sở dĩ không giữ được, bị huỷ diệt vì đã bị tước đoạt nền tảng phát triển vũ khí hạt nhân và từ bỏ chương trình hạt nhân theo cách riêng của họ”.

Từ khi đó Triều Tiên rõ ràng đã vạch ra một lằn ranh giữa họ với 2 quốc gia được tham chiếu trên. Trong một thông cáo, Bình Nhưỡng chỉ rõ: “Thế giới biết rằng đất nước chúng ta không giống như Lybia hay Iraq để chịu một số phận bi thảm”. Bình Nhưỡng cũng tự hào về một thành tựu mà đại tá Qaddafi không bao giờ đạt được: Trở thành một quốc gia hạt nhân.

Không giống như Triều Tiên, Lybia hoàn toàn không phải là một quốc gia hạt nhân. Năm 2003, Mỹ phát hiện Libya có các lò phản ứng có thể được dùng làm giàu uranium để làm nhiên liệu cho một trái bom.

Thông cáo của Triều Tiên chỉ rõ: “Lybia không thể so sánh với chúng ta, một quốc gia hạt nhân. Họ mới chỉ ở giai đoạn đầu của việc phát triển hạt nhân”.

Quân nổi dậy tại Lybia năm 2011 - Ảnh: New York Times

Đến nay Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân. Tình báo Mỹ tin rằng Bình Nhưỡng hiện đang sở hữu từ 20 đến 60 hoặc hơn số tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng bắn đến đất liền Mỹ.

“Cái gai” trong mắt Triều Tiên giờ đây chính là cố vấn an ninh quốc gia “diều hâu” Bolton. Nói trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS và trong chương trình “Fox News Sunday” mới đây, ông cho rằng mô hình phi hạt nhân hoá của Lybia cần được tham chiếu khi Mỹ chuẩn bị bước vào hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên.

Bolton mạnh miệng: “Chúng tôi rất thích hình mẫu của Lybia từ những năm 2003, 2004. Mặc dù có khác biệt vì chương trình hạt nhân của Lybia có quy mô nhỏ hơn nhưng về cơ bản, thoả thuận đã được thiết lập”.

Ông Bolton mới đây còn khiến Bình Nhưỡng “nổi đoá” khi đòi họ giao nộp kho vũ khí hạt nhân, chuyển đến phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge ở bang Tennessee để Mỹ “giải trừ” hộ. Nơi đây cũng đã từng tiếp nhận số lượng lớn vật liệu hạt nhân của chính quyền Lybia. Ông Qaddafi đã “tự nguyện” giải trừ với Mỹ, nhưng rốt cuộc chưa đầy 1 thập niên sau ông đã bị quân nổi dậy giết hại dã man.

Cố vấn "diều hâu" Bolton - Ảnh: Getty Images

New York Times đã đưa ra kết luận ngay trong câu hỏi ở phần mào đầu của bài viết: “Tại sao không ai còn nên tin các nỗ lực của Mỹ trong việc giải trừ vũ khí của một quốc gia khác?”

Bình luận (0)

Lên đầu trang