Vụ bạo hành trẻ dã man: Tìm chiếc điện thoại có clip bị mất

Thứ Năm, 24/05/2018 17:54  | Hoàng Quân

|

(CAO) Cơ quan CSĐT đã xác định được người quay clip và đang tìm người đăng clip lên mạng xã hội trong vụ án “Hành hạ người khác” tại cơ sở giữ trẻ Mẹ Mười (251/32 Thái Thị Bôi (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), để hỗ trợ quá trình điều tra.

Như Báo Công an TPHCM đã thông tin, ngày 21-5, xuất hiện 2 clip về hình ảnh bé trai cởi trần nằm trên đất và một phụ nữ trung niên mặc mặc áo màu đỏ dài tay đút cho trẻ ăn; người phụ nữ đầm trắng sọc đen liên tục dùng tay tát mạnh vào miệng trẻ, lấy khăn bịt miệng khi trẻ khóc rồi tát mạnh vào miệng; dùng 2 tay bóp vào mặt đứa trẻ xách lên.

 

Sự việc xảy ra tại cơ sở giữ trẻ Mẹ Mười do bà Đinh Thị Hồng (SN 1972, quê TP.Quy Nhơn, Bình Định; ngụ Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) làm chủ. Cùng ngày, UBND P.Chính Gián đã đình chỉ hoạt động cơ sở này; cơ quan CSĐT Công an Q.Thanh Khê xác minh, điều tra. Đến chiều 22-5, Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án và đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố bị can.

Bà Đinh Thị Hồng – chủ cơ sở trông giữ trẻ Mẹ Mười.

Trao đổi với PV, đại tá Trần Thanh Hải – Trưởng Công an Q.Thanh Khê khẳng định, đã có đủ cơ sở để xác định bà Hồng có hành vi hành hạ người khác tuy nhiên cần phải xác minh, điều tra xem hành vi này là nhất thời hay lâu dài; tiến hành kiểm tra sức khỏe, giám định thương tích của trẻ.

Sự việc xảy ra vào tháng 4-2018 và đến nay mới được phát hiện khiến nhiều người băn khoăn, tại sao người quay clip không báo luôn với cơ quan chức năng ngay khi phát hiện sự việc. Người quay clip được Cơ quan CSĐT cũng đã xác định tên D. (từng là bảo mẫu tại nhà trẻ và đã nghỉ việc).

“Qua làm việc ban đầu, người quay clip nói do mất điện thoại và cơ quan điều tra đang thu thập, truy tìm chiếc điện thoại”, đại tá Trần Thanh Hải cho biết.

Bà Hồng dùng 2 tay bóp vào mặt đứa trẻ xách lên.

Qua phân tích của một số luật sư cho thấy, trường hợp người quay clip không có khả năng và điều kiện để can thiệp, ngăn cản hành vi phạm tội và sau đó sử dụng video này để làm bằng chứng chứng minh hành vi phạm tội thì người này không vi phạm pháp luật. Trường hợp người quay clip có khả năng ngăn chặn, cứu giúp nạn nhân nhưng không có hành động phù hợp, và để hậu quả nghiêm trọng xảy ra như thương tích, chết người thì có thể bị xử lý theo quy định.

Trong một diễn biến khác, ngày 21-5 (ngày phát hiện sự việc), Phòng GD&ĐT Q.Thanh Khê có văn bản báo cáo Sở GD&ĐT, UBND Q.Thanh Khê, đã khẳng định: “Tất cả 14 trẻ (thời điểm cơ sở giữ trẻ Mẹ Mười trông giữ - PV) đã được cha mẹ trẻ đón về an toàn trong trưa cùng ngày. Không có trẻ nào bị tổn thương về tinh thần và thể xác (kể cả các cháu có trong clip và hình ảnh được đăng trên mạng)” – kết luận của Phòng GD&ĐT Q.Thanh Khê do ông Phạm Đình Sơn – Trưởng Phòng ký.

Kết luận của Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho rằng tất cả 14 trẻ không bị tổn hại về thể xác và tinh thần.

Kết luận này bị dư luận phản ứng, cho rằng vội vàng, vô cảm và mắc “bệnh… thành tích”. Bởi vì thời điểm đó, cơ quan công an chưa công bố kết quả khám sức khỏe, giám định thương tích đối với 14 trẻ (trong đó có 2 trẻ là nạn nhân của vụ bạo hành”. Và sự việc bạo hành gây phẫn nộ dư luận cả nước, khiến phụ huynh, trẻ rất hoang mang, lo ngại và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh.

Về kết luận của Phòng GD&ĐT Q.Thanh Khê, đại tá Trần Thanh Hải nhận định: “Có thể kết luận như vậy là hơi vội, chủ quan theo quan sát thông thường. Thực tế thì phải qua giám định mới biết thương tích thế nào, có bị chấn động về tâm lý không”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang