Ám ảnh vì trộm trong mùa thu hoạch cà phê

Thứ Tư, 18/11/2015 10:13  | Phan Vi

|

(CAO) Đến hẹn lại lên, thời điểm những tháng cuối năm khi mùa cà phê bắt đầu chín rộ, bên cạnh nỗi vui mừng chờ đợi ngày thu hoạch thành quả của một năm lao động vất vả thì người dân lại canh cánh nỗi lo sợ kẻ trộm, cướp cà phê xuất hiện.

Ám ảnh vì trộm

Nhìn cây cà phê trĩu quả bị chặt phá một cách nham nhở, anh Nguyễn Văn Tuấn (trú xã Ya TMốt, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) xót xa: “ Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa cà phê là cả nhà tôi phải thay nhau ra rẫy trông nom,chỉ có tối qua do gia đình có việc nên không kịp ra canh một đêm thế mà sáng nay đã thành ra thế này. Vừa tiếc cây vừa xót quả nhưng chẳng biết làm thế nào được, lơ đễnh một chút là mất.Cứ như bọn trộm canh mình chứ không phải mình canh chúng”.

Cùng chung cảnh ngộ và tâm trạng như anh Tuấn còn có nhiều hộ dân tại khu vực xung quanh cũng từng bị trộm “viếng thăm”. Cứ khi bình minh ló dạng tất cả mọi người đều tất bật với công việc nương rẫy, nhưng khi màn đêm buông xuống thì trong họ luôn thường trực nỗi lo đối phó với trộm cắp.

Đặc biệt trong mùa thu hoạch cà phê, nhiều hộ nông dân không tiếc tiền nuôi chó dữ canh trộm nhưng chỉ được vài hôm thì chó cũng bị bả chết. Khổ nhất là những gia đình không có đàn ông như gia đình chị Nguyễn Thị Huyền (trú phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) nhà chỉ có mấy mẹ con với hai sào rẫy cà phê. Quanh năm vất vả cực nhọc những mong đến kì thu hoạch sẽ có đủ tiền trang trải và đóng học phí cho các con nhưng cứ đến đến gần ngày chuẩn bị hái quả là chị lại khốn đốn canh trộm. 

Không người trông coi nên cà phê trong rẫy chị Huyền thường bị trộm - Ảnh: Phan Vi
Chị tâm sự: “Chồng mất sớm nên một mình tôi phải chăm lo cho các con, quần quật quanh năm với hai sào rẫy cũng chỉ đủ ăn nên không dám thuê nhân công. Mấy mẹ con tranh thủ hái lúc nào hay lúc đó nhưng ban đêm vừa mệt lại vừa sợ tai nạn nên không dám đi canh rẫy như người ta, thành ra cứ bị mất trộm cà hoài, xót lắm”.

Không chỉ vào rẫy để bẻ cành, chặt cây nhiều tên trộm còn táo tợn khi vào tận nhà dân để “hốt” cà phê. Kể lại cậu chuyện vừa diễn ra cách đây vài ngày ông Nguyễn Văn Tuân (thị trấn Ea Knốp, huyện Eakar) cho biết: “Sáng ngày 2-11 trong lúc gia đình tôi lên rẫy để hái cà thì ở nhà trộm vào tận nơi để bẻ khóa khiêng cà, khi chúng tôi về đến nơi thì mới phát hiện mất 3 bao, chó thì bị chúng bắt mất luôn”. Chưa kể nhiều kẻ trộm thường đi từng tốp từ 4 đến 5 người để vào rẫy “tuốt” trộm cà phê khi bị người dân phát hiện chúng sẵn sàng chống trả để thoát thân.

Đủ chiêu canh trộm

Để tránh tình trạng trộm cắp táo tợn nhiều hộ nông dân chấp nhận hái cà còn xanh dù biết chất lượng kém và sản lượng ko cao, nhưng vì không có người trông coi nên đành chấp nhận.

Anh Nguyễn Văn Hoàng (xã Ekar) bộc bạch: “Xót lắm chứ nhưng thà hái non bị ép giá một chút còn hơn chờ đến khi cà chín, bọn trộm chặt cả cành thì mất luôn cả nguồn thu hoạch”.

Theo chủ một đại lý thu mua cà phê cho biết “cà còn xanh thì giá mua sẽ giảm khoảng 3 đến 4 nghìn đồng một ký so với cà chín bởi vì quả xanh trộn lẫn với quả chín thì khi chế biến thành cà phê nhân thường có chất lượng thấp và hạt đen bị vỡ”.

Nếu không chấp nhận hái non thì phải “căng mắt” canh trộm. Trong mùa thu hoạch hầu như nương rẫy nào cũng có những chiếc chòi con con mọc lên để tiện cho việc chăm nom.

Anh Lê Đức Thanh (huyện Hòa Thắng) chia sẻ: “Ngủ ngoài chòi vừa lạnh lại nhiều muỗi nhưng không còn cách nào khác vì nếu không canh thì ngày mai có khi không còn gì để thu hoạch. Đến mùa cà ngoài việc lo hái quả thì nỗi lo lớn nhất của người nông dân chính là canh trộm cắp”.

Nhiều hộ nuôi chó dữ để bảo vệ vườn cà nhưng với những tên trộm liều lĩnh thì chúng sẵn sàng đánh bả hoặc bẫy để trộm luôn chó, mới đây nhất vụ án 2 kẻ trộm chó bị người dân phát hiện đánh chết tại xã Eakao vào ngày 6-10 là một trong những vụ trọng án nghiêm trọng báo động về nạn trộm cắp táo tợn của những kẻ coi thường mạng sống của chính mình.

Trước thật trạng đáng báo động trong mỗi mùa vụ anh Đặng Văn Hùng (trưởng công an thôn 4 xã Hòa Thắng) cho biết: “Đối với nạn trộm cắp cà phê khi tới mùa vụ, chính quyền địa phương xã luôn cảnh báo với bà con nông dân và thường xuyên cử đội trật tự tuần tra, canh giữ các khu vực nhưng lực lượng mỏng vườn rẫy các hộ lại rộng nên khó tránh khỏi việc bọn trộm ra tay bất ngờ”.

Ngoài nỗi lo về nạn trộm cà thì việc thuê mướn người hái cũng là nỗi “ ám ảnh” thường trực đối với người nông dân vì giá nhân công ngày một tăng, bên cạnh đó là nỗi lo khi thuê người không rõ lai lịch nhưng vì cần gấp nên nhiều hộ gia đình đành tặc lưỡi chấp nhận dù biết phải thuê người lạ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang