Báo chí là kênh phản biện, đấu tranh hiệu quả với các luận điệu sai trái

Thứ Năm, 31/12/2020 19:50

|

(CAO) Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, không chỉ phản ánh, Báo chí còn tiếp tục là kênh phản biện, góp ý cho Chính phủ; đấu tranh hiệu quả với các luận điệu sai trái.

Ngày 31-12, tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Toàn cảnh Hội nghị trong ngày 31-12.

Hội nghị đã đánh giá tình hình năm hoạt động của Báo chí trong năm 2020 có nhiều khó khăn thách thức nhưng Báo chí đã góp phần vào thành công chung trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, năm 2020 là năm kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng, đạt mức 2,91%, thuộc nhóm nước tăng trưởng kinh tế cao, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, năm 2020 chứng kiến những sự kiện chưa có tiền lệ và những thay đổi lớn lao trong đời sống kinh tế của cả thế giới và Việt Nam; năm của những khó khăn, thách thức lớn nhưng cũng là năm của những nỗ lực, quyết tâm lớn.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị.

Dù khó khăn nhưng theo người đứng đầu ngành Tuyên giáo cho biết ông đã nhận được nhiều chia sẻ khen ngợi, nhất là về nhiều chương trình của các cơ quan Báo chí. Các chủ đề hay, góc nhìn trực diện, rõ nét. Đồng thời, người đứng đầu ngành Tuyên giáo tiếp tục nhắc tới việc sẽ xử lý nghiêm các trường hợp nhà báo vi phạm để lấy lại thanh danh cho những người làm báo chân chính và niềm tin của nhân dân.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, năm 2020, nhiều năng lực tích cực đã được Báo chí khơi dậy và lan tỏa. Trong nhiều năm qua, những giá trị đích thực bị đời thường che bớt đi thì nay được khơi dậy làm mọi người yêu nước hơn, nỗ lực vượt khó thành công.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá, không chỉ phản ánh, Báo chí còn tiếp tục là kênh phản biện, góp ý cho Chính phủ; đấu tranh hiệu quả với các luận điệu sai trái. Từ đó, trong thời gian tới, Nhà nước cần mạnh mẽ hơn trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho Báo chí.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Báo chí là kênh phản biện, đấu tranh hiệu quả với các luận điệu sai trái.

Nhắc đến vấn đề quy hoạch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đây là quá trình cân nhắc kỹ lưỡng. Chính phủ cùng các đơn vị liên quan sẽ xem xét cho phù hợp thực tế để mục đích cuối cùng là phải làm cho Báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Chính phủ mong muốn đẩy mạnh sự góp ý có tính phản biện của xã hội thông qua nhiều kênh, trong đó có hệ thống Báo chí.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định vài trò quan trọng của Báo chí trong kết quả nổi bật của đất nước trong năm qua, nhất là trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19. Báo chí là một kênh thông tin, tư vấn cho Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ phục vụ đất nước và nhân dân.

Nhiều vấn đề lớn được Báo chí phát hiện, phản ánh sau đó đã được các cơ quan nghiêm túc xử lý. “Chính phủ luôn mong muốn tiếp tục nhân được góp ý, phản biện mang tính xây dựng của toàn xã hội, trong đó có Báo chí, để cùng nhau xây dựng một chính phủ hiệu quả, hiệu lực để phục vụ nhân dân tốt hơn” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Nhiều lãnh đạo các cơ quan Báo chí nhận bằng khen tại Hội nghị.

Theo thống kê, nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí hiện có trên 41.000 người, trong đó khối phát thanh truyền hình (PTTH) là 15.768 người. Hiện, cả nước có 21.132 người được cấp thẻ nhà báo, tăng 725 thẻ so với năm 2019. Thực hiện Quy hoạch Báo chí, năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019.

Tính đến nay, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động PTTH, với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Có 2 địa phương đã chuyển đổi sang mô hình tòa soạn hội tụ. Đây là nămthực sự khó khăn về kinh tế đối với Báo chí do sự phát triển mạnh mẽ truyền thông xã hội trên không gian mạng và đại dịch COVID-19.

Hầu hết các cơ quan báo chí đều giảm mạnh về số lượng phát hành và quảng cáo, trong đó có những cơ quan báo chí sụt giảm tới 70% doanh thu quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông so với năm 2019.

Trong năm 2020 vừa qua, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, ngành Tuyên giáo, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Nổi bật nhất của Báo chí trong năm 2020 là đã bám sát các sự kiện chính trị, hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước; diễn biến dịch bệnh COVID-19, tình hình thiên tai bão lũ.

Nhiệm vụ của Báo chí trong năm 2021 là cần đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung thông tin, tuyên truyền, phản ánh các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, đặc biệt là thông tin, tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhấn mạnh kết quả đạt được; triển khai đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thông tin về bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử Quốc hội khóa XV, các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030...

Bình luận (0)

Lên đầu trang