Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa đối thoại với ngư dân Sầm Sơn

Thứ Hai, 07/03/2016 11:58  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Sáng 7-3, tại Hội trường Trung tâm bồi dưỡng thanh, thiếu niên thị xã Sầm Sơn, người dân đến để nghe đối thoại về dự án quy hoạch “không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương”.

Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân thuộc các phường Quảng Cư, Trung Sơn, Bắc Sơn và Trường Sơn thuộc thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã đến Trung tâm để nghe cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đối thoại về dự án nói trên.

Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến sẽ đối thoại trực tiếp với bà con ngư dân neo đậu tàu thuyền trên bãi biển Sầm Sơn. Ngoài ra, nhiều lãnh đạo tỉnh và thị xã Sầm Sơn cũng sẽ có mặt tại buổi đối thoại.

Lực lượng công an có mặt để đảm bảo an ninh trật tự

Theo phản ánh của ngư dân nơi đây, dự án này khiến nghề đánh bắt cá gặp nhiều khó khăn. Vì theo quy hoạch mới, lối ra biển và neo đậu tàu thuyền của ngư dân xa so với bến đỗ truyền thống. Họ sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án quy hoạch “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương”.

Các ngư dân yêu cầu UBND tỉnh bố trí vị trí bến neo đậu thuyền bè ở vị trí giáp ranh giữa xã Quảng Cư và phường Trung Sơn, dài khoảng 300 - 500m.

Tình trạng người dân tụ tập đông người khiến gây mất an ninh trật tự tại TP.Thanh Hóa khiến giao thông một số khu vực bị đình trệ và công an tỉnh đã khởi tố vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng” để điều tra theo quy định của pháp luật.

Hàng trăm người dân có mặt tại hội trường để đối thoại với cơ quan chức năng Thanh Hóa

Nhằm để người dân tại thị xã Sầm Sơn hiểu rõ hơn về quy hoạch dự án nói trên, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức buổi gặp mặt đối thoại trực tiếp với người dân.

Dự án quy hoạch phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng không gian du lịch ven biển vào ngày 26-10-2015.

Tuy nhiên, một bộ phận ngư dân Sầm Sơn vẫn sử dụng bè, mủng, tàu thuyền có công suất nhỏ để khai thác ven bờ, ảnh hưởng xấu đến phát triển nguồn lợi thủy sản và cảnh quan môi trường du lịch theo hướng hiện đại.

Ngày 1-3-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tiền và gạo đối với ngư dân thị xã Sầm Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án.

Người dân phát biểu ý kiến tại cuộc đối thoại

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đưa ra nhiều hỗ trợ khác trong việc mua mới, đóng mới tàu cá; hỗ trợ lãi xuất khi vay vốn ngân hàng; hỗ trợ tìm nghề mới cho các hộ gia đình giải bản bè, mủng với mức 12 triệu đồng/bè và 8 triệu đồng/mủng; thưởng cho những người thực hiện trước ngày 15-3-2016 với mức 10 triệu đồng một bè, mủng…

Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn không đồng tình với chính sách của tỉnh, kiến nghị đòi để lại một đoạn bãi biển khoảng 500m làm nơi tập kết bè, mủng.

Ngư dân tên Chính trú tại thị xã Sầm Sơn nêu, các đồng chí hãy vì dân chúng tôi, chúng tôi không muốn được đền bù mà chỉ muốn giữ lại tấc đất bao năm mà cha ông đã sinh sống, mưu sinh tại đó để có cơ sở làm việc.

Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa nhận khuyết điểm

Sau khi nghe 13 ý kiến, nguyện vọng của người dân, ông Trịnh Văn Chiến – Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa đã chia sẻ: “Việc xảy ra mấy ngày hôm qua là đáng tiếc. Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của tỉnh, bản thân tôi có khuyết điểm với bà con ngư dân Sầm Sơn. Tôi nghe rất nhiều thông tin, nhưng hầu hết là thông tin sai sự thật đi ngược với chủ trương của Đảng và tỉnh Ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa”.

“Một số bà con nhận thức chưa đúng đắn, bị lôi kéo đã có những hành vi vi phạm pháp luật. Tôi khẳng định biển, bờ biển là của đất nước của nhân dân, nhưng được quản lý, quy hoạch của nhà nước và chính quyền nhằm đảm bảo lợi ích của người dân. Tôi khẳng định không có chuyện tỉnh thu hồi bờ biển giao cho doanh nghiệp. Không cho tàu đánh cá công xuất dưới 20CV khai thác ven bờ là chủ trương của Chính phủ và nhiều địa phương đã làm nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây là một chủ trương đúng. Tôi đã yêu cầu văn phòng tỉnh ủy và UBND tỉnh rà soát lại các văn bản của tỉnh đối với Sầm Sơn thì tỉnh ủy có 3 văn bản, UB tỉnh có 1 văn bản nhưng không có văn bản nào nói rõ ngày nào, tháng nào phải di chuyển bến thuyền.

Tôi thay mặt tỉnh ủy đưa ra 2 phương án để giải quyết: Thứ nhất, bà con nào đồng ý với chủ trương của tỉnh thì nhận tiền hỗ trợ; bà con nào chưa thông thì vẫn khai thác bình thường. Ai tìm được một văn bản nào nào của chính quyền yêu cầu cụ thể ngày tháng nào ngư dân phải di chuyển bến thuyền thì gửi cho tôi, tôi sẽ xử lý nghiêm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang