Bí thư Đinh La Thăng: 'Doanh nghiệp phải dám chấp nhận đổi mới, kể cả rủi ro'

Thứ Ba, 07/03/2017 12:47  | Linh Vũ

|

(CAO) “Doanh nhân, doanh nghiệp tại TP.HCM phải là những Doanh nhân, doanh nghiệp năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận đổi mới và kể cả chấp nhận rủi ro”.

Đó là phát biểu của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng trong buổi gặp gỡ giữa Thành uỷ, HĐND, UBND TP và các doanh nghiệp trong nước năm 2017 với chủ đề Đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp diễn ra sáng nay (7-3).

Đến dự còn có Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Tất Thành Cang; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm; Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh..., lãnh đạo các sở ngành TP và đại diện 328 doanh nghiệp trong nước tại TP.HCM.

Trước khi bắt đầu hội nghị, Lãnh đạo TP tặng hoa chúc mừng đại diện các nữ doanh nhân nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3.

Tại buổi gặp gỡ, đại diện các doanh nghiệp nêu những ý kiến, đề xuất để tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và các hội ngành nghề trên địa bàn TP, góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế xã hội TP.

Nêu ý kiến của mình, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food đặt trăn trở về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Theo bà Lâm, cách dùng từ ngữ về thực phẩm hiện nay chưa thật sự đúng. Vì thế, bà đề nghị chỉ nên dùng “thực phẩm an toàn” để phân biệt với “thực phẩm không an toàn”.

“Chúng ta cần tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người tiêu dùng; các cơ sở sản xuất thực phẩm... về việc kinh doanh hám lợi, đánh mất đạo đức sẽ gây hại đến sức khoẻ của chính mình và người dân; từ đó để họ đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lên trên hết”, bà Lâm nói.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food, các doanh nghiệp chọn sản phẩm vào siêu thị là những sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, các hệ thống này chưa chọn lọc kỹ dẫn đến nhiều sản phẩm không an toàn. Vì thế, việc nhà nước kiểm soát, ngăn chặn, răng đe phải trên tinh thần quyết liệt, không chạy theo thành tích.

“Nên có một kênh truyền bá, giới thiệu, tôn vinh những sản phẩm chất lượng, an toàn của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước đang củng cố nội lực để đối đầu với hàng ngoại nhập. Nếu chúng ta để người tiêu dùng lo lắng về sản phẩm thì chúng ta đã thua”, bà Lâm nhấn mạnh.

Về phần mình, bà Nguyễn Minh Hương, Giám đốc điều hành Tập đoàn Truyền thông Golden cho rằng: “Thời công nghệ phát triển, nếu các doanh nghiệp nắm được các yếu tố mạng xã hội thì sản phẩm sẽ tiếp cận người dân một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, công ty là vô cùng quan trọng, từ đó khẳng định với khách hàng về chất lượng sản phẩm, tạo năng lực cạnh tranh cao hơn”.

Bà Hương cũng đề nghị TP nên có một trung tâm thông tin để cung cấp đầy đủ những văn bản, giấy tờ; những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp chỉ cần đến một nơi hoặc tra cứu một nơi là tìm thấy. Thay vì bây giờ cứ chạy hết nơi này đến nơi khác, vừa mất thời gian vừa không hiệu quả.

Sau khi nghe ý kiến của nhiều doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cam kết: “TP đã đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong thời gian tới. Lãnh đạo TP sẽ chỉ đạo tập trung hỗ trợ tốt nhất bằng cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc về các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Bởi sự lớn mạnh của doanh nghiệp cũng là sự phát triển của TP”.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng đánh giá cao những kết quả mà các doanh nghiêp trong nước đạt được. Bí thư Thành uỷ mong muốn các doanh nghiệp thường xuyên liên lạc với chính quyền TP bằng các kênh để tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa.

Bí thư Đinh La Thăng nhận định rằng: “Doanh nhân, doanh nghiệp tại TP.HCM phải là những Doanh nhân, doanh nghiệp năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận đổi mới và kể cả chấp nhận rủi ro. Vì chúng ta là đầu tàu kinh tế, hết sức năng động nên phải chấp nhận đổi mới để phát triển”.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành uỷ đề nghị các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị để đón nhận những thời cơ mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại để tăng tốc, phát triển. Đây cũng là cơ hội để TP phát triển theo kịp các nước trong khu vực và vươn tầm thế giới. Nếu cứ túc tắc phát triển thì sẽ không kịp.

“Chúng ta phải chủ động hơn, mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình hội nhập. Thị trường không chỉ là TP hay Việt Nam mà là cả thế giới. Trước mắt, chúng ta phải tận dụng được thị trường trong nước còn tiềm năng rất lớn mà chúng ta chưa thể phát huy được”, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu.

Cuối buổi găp gỡ, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng cùng lãnh đạo TP và các doanh nghiệp thực hiện nghi thức Nhấn nút ra mắt cổng thông tin kết nối hỗ trợ doanh nghiệp và ký kết với các sở ngành đồng hành, hỗ trợ.

Theo Báo cáo về tình hình Kinh tế Xã hội năm 2016 của Sở Kế hoạch Đầu tư, kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng và phát triển, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh được nâng cao, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần cùng cả nước phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt 1,023 triệu tỷ đồng, tăng 8,05% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 54,8%, công nghiệp và xây dựng chiếm 28,8%, nông nghiệp chiếm 0,8%.

Thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch tăng trưởng khá: tổng mức hàng hoá bàn lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 682.703 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu là 31,8 tỷ USD, tăng 5,2%; kim ngạch nhập khẩu là 37,8 tỷ USD, tăng 12,4%; doanh thu du lịch đạt 103.000 tỷ đồng, tăng 9%, khách du lịch đạt 5,2 triệu, tăng 9%.

Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 7,33%; bốn ngành trọng yếu chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm tăng 7,77%, cao hơn mức tăng chung toàn ngành. Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 19.685,5%, tăng 5,8%.

Giá tiêu dùng ổn định và được kiểm soát tốt, tăng 1,76% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng cả nước; hoạt động tiền tệ, tín dụng tích cực, nguồn huy động vốn của ngân hàng đạt 1,83 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 1,46 triệu tỷ đồng; thu ngân sách vượt kế hoạch; tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 310,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3%, chiếm 30% GDP, đạt 30% kế hoạch đề ra...

Ngoài ra, môi trường kinh doanh, đầu tư được cải thiện, phát triển doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực; Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp nước sạch được tập trung thực hiện; Lĩnh vực văn hoá xã hội chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân...

Bình luận (0)

Lên đầu trang