Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Cảnh vệ, Luật Công an xã

Thứ Hai, 15/08/2016 20:42  | Thanh Hoà

|

(CAO) Ngày 15-8-2016, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về 2 dự án luật: Luật Cảnh vệ và Luật Công an xã.

Cần có chính sách đặc thù đối với lực lượng Cảnh vệ

Trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Cảnh vệ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật Cảnh vệ gồm có 5 chương, 29 điều, quy định về đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nguyên tắc công tác cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, lực lượng cảnh vệ có chức năng đặc biệt, phục vụ và bảo vệ các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam; bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các khu vực trọng yếu và các sự kiện đặc biệt quan trọng.

Đây là nhiệm vụ nhiều khó khăn, gian khổ, gắn bó suốt đời, thậm chí có thể phải hy sinh cả tính mạng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, lực lượng cảnh vệ cần phải được hưởng chính sách đặc thù quy định về chế độ khám sức khỏe, chế độ công tác, khen thưởng,… để động viên các chiến sĩ cảnh vệ hết lòng với nhiệm vụ của mình.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu

Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Trọng Việt cũng khẳng định, cảnh vệ là một lực lượng chịu nhiều hy sinh, thiệt thòi, có nhiệm vụ đặc biệt nhưng lại không đông, bởi vậy, việc quy định một chế độ chính sách đặc thù cho lực lượng này là cần thiết và công bằng.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, trang bị vũ khí và nổ súng là lĩnh vực hết sức đặc biệt. “Việc nổ súng trấn áp, đe doạ đối với lực lượng Cảnh vệ rất quan trọng, tất cả các nước đều có việc này chứ không riêng gì bảo vệ tiếp cận. Nếu quy định khắt khe quá thì nhiều khi anh em không dám sử dụng, luôn luôn lo sợ vi phạm luật pháp, như vậy khó khăn trong triển khai”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, kể cả đối với Cảnh sát Hình sự, lực lượng tuần tra trên đường cũng sẽ gặp khó khăn trong tình hình công tác thực tế và việc nổ súng tấn công, trấn áp tội phạm…

Giải trình thêm về nội dung này, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhất trí vấn đề sử dụng vũ khí trong Luật Cảnh vệ cơ bản dựa trên nền tảng cơ bản của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, Luật này phải trao cho anh em Cảnh vệ quyền cao hơn quyền trong Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

“Thứ nhất, địch là đối tượng không xin ai cả, trong khi mình cầm súng thì lại phải xin. Thứ hai, địch là đối tượng kiên quyết nhưng mình lại chần chừ vì sợ sai luật. Thứ ba, đối tượng manh động, không sợ trong khi anh em lại e ngại. Trong khi quyết định nổ súng hay không nổ súng chỉ là vấn đề tích tắc, khi lãnh tụ không an toàn thì anh em lại phải chịu trách nhiệm”, đồng chí Võ Trọng Việt lý giải. Ông đề nghị phải thiết kế luật đảm bảo cho lực lượng Cảnh vệ thực sự chủ động, nhưng không được lạm dụng.

Công an xã đang phải thực hiện quá nhiều nhiệm vụ

Sẽ được đưa ra trình tại Kỳ họp Quốc hội thứ 2 tới đây, dự án Luật Công an xã nhận được rất nhiều ý kiến thảo luận của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đa số ý kiến cho rằng: dự thảo Luật giao cho Công an xã nhiều nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như lực lượng Công an chính quy, trong khi đó ở cấp tỉnh và cấp huyện thì mỗi nhiệm vụ này do một lực lượng chuyên trách trong CAND thực hiện.

Mặt khác, lực lượng Công an xã là công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách tại xã, đa số không được đào tạo nghiệp vụ công an trước khi được tuyển chọn, bổ nhiệm, điều động, công nhận; trình độ, năng lực không đồng đều, đa số không đáp ứng với tất cả các nhiệm vụ được giao; các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chưa tương xứng.

Nếu giao cho Công an xã những nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như lực lượng Công an chính quy là không khả thi, dễ dẫn đến lạm quyền, vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Vì vậy, đề nghị Luật này quy định theo hướng thu hẹp nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã; đối với những nhiệm vụ mang tính chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ công an do lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm và Công an xã có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng Công an chính quy trong việc thực hiện những nhiệm vụ này tại cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Qua thông kê sơ bộ, nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng Công an xã được quy định trong 21 luật, nên rất rắc rối, đây là lực lượng tiếp xúc với dân nhiều nhất, liên quan công tác điều tra ban đầu, lập hồ sơ, tuần tra kiểm soát giao thông, an ninh trật tự…

Lực lượng này được trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ, nhưng đầu vào so với các lực lượng khác của CAND thì lại thấp nhất, thậm chí chỉ cần tiểu học đối với vùng sâu, vùng xa, nên nếu cứ để trình độ đầu vào thế này rất bất cập.

Bên cạnh đó, với chế độ chính sách thế này, công an viên cũng chả thiết tha với nhiệm vụ của mình, họ chỉ được hưởng phụ cấp. Vì vậy, bà Nga đề nghị nên chính quy hóa lực lượng Công an xã, giao cho Bộ Công an quản lý.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng nên có lộ trình, nhưng cũng phải quy định rõ, có chế độ chính sách đàng hoàng, phải nâng cao trình độ.

Ông Giàu cũng phàn nàn rằng, dự thảo Luật quy định Công an xã là lực lượng bán chuyên trách nhưng lại giao nhiệm vụ hơn cả lực lượng chuyên trách, đọc đã thấy toát mồ hôi.

Ông Giàu đặt câu hỏi: “Chúng ta có lực lượng chuyên trách rồi, còn giao cho Công an xã làm gì, vừa quá nặng nề, mà chắc gì làm nổi; hay quy định tham gia “cưỡng chế” chẳng hạn; việc cưỡng chế phải là cả 1 bộ máy, làm sao mấy ông công an xã có thể làm được?”.

Về chức năng, nhiệm vụ của Công an xã, trong đó có tham mưu cấp ủy, ông Giàu cũng cho rằng không thể làm nổi, nếu cứ quy định như thế chỉ là hình thức rồi không đạt được mục tiêu gì cả, “chân không tới đất, cật không tới trời”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì cho rằng: nên quy định Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, vừa là tránh phân cấp những vấn đề về quốc phòng an ninh và ngoại giao cho địa phương vừa tránh tăng biên chế. “Hơn 11.000 xã thì tưởng tượng xem bộ máy phình ra thế nào” - bà Ngân chỉ rõ.

Về quy định Công an xã phải có nơi làm việc riêng hoặc trụ sở riêng, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng không phù hợp với thực tế tình hình kinh tế xã hội, để tránh xây dựng trụ sở tràn lan và trái với chủ trương xây dựng khu hành chính tập trung, thì chỉ cần có nơi làm việc riêng là được.

Bình luận (0)

Lên đầu trang