Kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

Hành trình của chiếc xe Volkswagen huyền thoại

Thứ Bảy, 29/04/2017 15:57

|

(CAO) Ngày 28-4, Bảo tàng tỉnh Thái Bình đón nhận chiếc xe Volkswagen do gia đình bà Đặng Thị Tuyết Mai (Đặng Thị Thiệp) - vợ của anh hùng LLVTND Trần Văn Lai (Năm U.Som; Mai Hồng Quế - nhân vật chủ hãng sơn Đông Á trong bộ phim Biệt Động Sài Gòn nổi tiếng) tại TP.HCM hiến tặng.

Đây là chiếc xe kỷ vật không những đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Trần Văn Lai, mà còn là vật chứng cho những trận đánh kiên cường trong lòng địch của lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại.

Lễ tiếp nhận chiếc xe tại bảo tàng tỉnh Thái Bình ngày 28-4-2017

Theo anh Trần Vũ Bình - con trai của anh hùng LLVTND Trần Văn Lai thì mẹ anh là bà Đặng Thị Thiệp (Đặng Thị Tuyết Mai) đã đồng ý hiến tặng nhiều hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của chồng trong đó có chiếc xe Volkswagen.

đã gắn liền với ông Lai và các đồng đội trong những sự kiện lịch sử khi còn hoạt động bí mật trong lòng địch, trong đó có trận đánh mở màn đêm giao thừa tết Mậu Thân - 1968.

Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai (1920-2002) quê gốc xã Vũ Đông, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình là một cán bộ trung kiên của Đảng. Ông tham gia hoạt động cách mạng rất sớm và trở thành một trong những chiến sĩ Biệt đông mưu trí trong lòng địch. Với biệt danh Năm U.Som, trong vỏ bọc của nhà thầu khoán chuyên thực hiện công tác nội thất, cải tạo, tu sửa trong Dinh Độc Lập nên ông có cơ hội “trèo cao, luồn sâu” vào bộ máy đầu não của địch để thu thập tin tức, am hiểu địa bàn báo về vùng giải phóng để lên kế hoạch chuyển vũ khí vào nội thành Sài Gòn. Cuộc đời của vợ chồng người anh hùng này là cả một huyền thoại đã được chuyển thể hành nhân vật nổi tiếng Tư Chung - ông chủ hãng sơn Đông Á trong bộ phim Biệt động Sài Gòn.

Để lưu giữ những kỷ vật của người con của quê hương Thái Bình, tháng 1-2017, ông Vũ Đức Thơm - GĐ Bảo tàng tỉnh Thái Bình có công văn đề nghị gia đình bà Thiệp hiến tặng nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh có liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Trần Văn Lai cho bảo tàng và đã được gia đình đồng ý.

Ông Trần Văn Lai tự lái xe đón gia đình sau giải phóng

Theo đó, nhiều kỷ vật đã được hiến tặng như: đồ nghề thầu khoán, đồng tiền mật khẩu, một số bản đồ Sài Gòn – Gia Định thời kỳ chiến tranh… và đặc biệt trong đó có chiếc xe Volkswagen gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của ông lưu giữ gần 60 năm qua tại di tích số 113A Đặng Dung, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM.

Chiếc xe Volkwagen, biển số EL-6899 của Đức được ông Trần Văn Lai mua trước năm 1968 để sử dụng ra vào nội thành hoạt động bí mật. Thời kỳ này, dưới vỏ bọc của một nhà thầu khoán hào hoa, giàu có, ông Năm Lai thường lái chiếc xe này ra vào các nơi đầu não của bọn Mỹ - Ngụy để nghiên cứu, trinh sát tình hình và thường xuyên chở các đồng chí lãnh đạo quân khu Sài Gòn – Gia Định như: đồng chí Tư Qùy (Nguyễn Ngọc Lộc); đồng chí Ba Đen (Bí thư Đảng ủy J9/T700), đồng chí Hai Trí (đơn vị bảo đảm A20) vào nội thành Sài Gòn để điều nghiên, chỉ đạo tổng công kích, tổng khởi nghĩa tết Mậu Thân – 1968. Những ngày đầu sau giải phóng, chiếc xe này cũng được ông Trần Văn Lai tự lái đón những người thân từ Thái Bình vào Sài Gòn.

Bà Đặng Thị Thiệp cho biết, việc gia đình đồng ý trao tặng các kỷ vật của ông Trần Văn Lai cho bảo tàng tỉnh Thái Bình trong dịp kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước, sẽ phát huy giá trị, góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trên quê hương Thái Bình anh hùng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang