Mỹ kêu gọi EU lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa về Biển Đông

Thứ Năm, 30/07/2015 14:15  | Lê Linh

|

(CAO) Trong một động thái nhắc nhở hiếm hoi đồng minh thân cận, Mỹ đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ quan điểm của Washington trong vấn đề Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các bãi đá ngầm ở Biển Đông.

Tại cuộc thảo luận về chính sách Mỹ và EU đối với khu vực Đông Á ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington D.C. (Mỹ) ngày 29-7, bà Amy Searight, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á nói rằng Washington hoan nghênh EU kêu gọi tôn trọng pháp luật quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Tuy nhiên, bà cho rằng EU có một chút khác biệt về cách tiếp cận đối với việc Mỹ kêu gọi các bên tranh chấp "đóng băng" các hoạt động bồi đắp ở Biển Đông.

Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á Amy Searight phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington D.C (Mỹ) ngày 29-7 - Ảnh: Ảnh cắt từ clip

Bà nói: "Sẽ hữu ích nếu EU có một chút rõ ràng hơn trong thuật ngữ ủng hộ các nguyên tắc này (tôn trọng pháp luật quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông - ND). Chẳng hạn một cách tiếp cận hướng về phía trước hơn nữa nhằm hỗ trợ ý tưởng ngừng hoạt động bồi đắp, quân sự hóa (ở Biển Đông - ND) sẽ rất có lợi".

Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông Michael Fuchs nói rằng cần phải giảm các rủi ro xung đột ở Biển Đông, vì vậy Mỹ và EU cần phải lên tiếng khi chứng kiến các hoạt động đáng quan ngại ở Biển Đông.

Đại sứ EU tại Mỹ David O'Sullivan cho rằng EU và Mỹ có các mục tiêu rất giống nhau nhưng các tuyên bố là tiếng nói riêng của mỗi bên.

Cùng ngày, phát biểu tại Quỹ Hòa bình quốc tế ở Washington D.C., Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, đô đốc Tomohisa Takei nói rằng các nước châu Á cần cải thiện năng lực hải quân và tăng cường phối hợp trước tình hình căng thẳng ở biển Đông.

Ông Tomohisa Takei nói dù không phải là bên tranh chấp tại Biển Đông nhưng Nhật Bản có các lợi ích to lớn trong việc duy trì các tuyến giao thương ở khu vực biển này và Nhật có thể hỗ trợ các nước trong khu vực cải thiện năng lực hải quân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang