Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV:

Thị thực điện tử góp phần thu hút du lịch, phát triển kinh tế

Thứ Sáu, 18/11/2016 21:09  | Thanh Hoà

|

(CAO) Ngày 18-11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 2, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

“Mở toang cửa” liệu có ảnh hưởng đến an ninh trật tự?

Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cho rằng việc thực hiện cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là một chủ trương đúng đắn và một bước cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Nhà nước ta và thực hiện cải cách hành chính gắn với lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử.

Đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế, đặc biệt đối với ngành du lịch và được xem là ngành mũi nhọn của đất nước trong thời gian tới.

Việc dự thảo nghị quyết đưa ra những điểm liên quan đến cải cách quy trình thủ tục cấp visa điện tử và đặc biệt là việc mở rộng thời hạn cấp visa điện tử là một nỗ lực của Chính phủ.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại tỏ ra lo lắng về vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bởi khi thực hiện hộ chiếu điện tử, kết hợp với thị thực giấy thì coi như đã “mở toang cửa khẩu” trong điều kiện phức tạp hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo tại Quốc hội

Đại biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang) băn khoăn việc áp dụng cho tất cả người nước ngoài được cấp thị thực điện tử nhập cảnh Việt Nam là quá rộng, sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nguy hại đến an ninh của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) thì chỉ ra 4 khó khăn chính, như thách thức về an ninh, nhất là trong bối cảnh khủng bố hiện nay, độ an toàn và bảo mật thông tin mạng, đặc biệt vấn đề về cư trú bất hợp pháp hiện nay.

Đại biểu Tuấn nêu tình trạng một số người da đen đang cư trú bất hợp pháp ở TP Hồ Chí Minh mà không tìm thấy visa, hộ chiếu, không biết họ ở nước nào để có thể trục xuất, nhiều người làm nghề không hợp pháp, thậm chí hành nghề mại dâm, cướp bóc ảnh hưởng đến an ninh, trật tự,…

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) phát biểu tại hội trường

Đại biểu Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên-Huế) thì nhấn mạnh vì tính khả thi của nghị quyết nên vẫn băn khoăn: “Thị thực điện tử có nguy cơ gây ra một lỗ hổng về an ninh quốc gia, lý do người xin cấp thị thực điện tử người ta không phải đến trực tiếp cơ quan đại diện ở nước ngoài để người ta xin phỏng vấn hoặc không phải kiểm tra trực tiếp vào hộ chiếu, cho nên khó cho việc kiểm tra những đối tượng xấu, khai báo sai thông tin, dữ liệu, ngụy trang mục đích nhập cảnh, rất khó khăn xác minh”.

Quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để

Tranh luận lại một số ý kiến còn băn khoăn, thậm chí cho rằng không cần thiết phải ban hành nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đánh giá: “Tôi thấy việc chúng ta ban hành nghị quyết về việc thực hiện cấp thị thực điện tử cho người Việt Nam nhập cảnh vào Việt Nam là hoàn toàn cần thiết, kịp thời và bản thân Bộ Công an cũng đã đưa ra rất nhiều những cơ sở, căn cứ về pháp lý cũng như về thực tiễn để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các đại biểu”.

Đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) thì cho biết, qua thực tế từ năm 2014 đến nay, số lượng người nước ngoài nhập cảnh trong diện miễn thị thực chiếm 37% trong tổng số người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Công an vẫn làm tốt công tác quản lý, không để xảy ra tình trạng phức tạp về an ninh, trật tự. Đại biểu Hải còn cho rằng: “Nếu chúng ta thực hiện việc cấp thị thực điện tử thì các cơ quan chức năng sẽ biết và sẽ duyệt trước, quan trọng nhất là chúng ta phải nhận diện được những đối tượng khủng bố phá hoại, những đối tượng có nguy hại đến an ninh, trật tự để không chấp thuận thị thực. Như vậy, chúng ta sẽ chặn được số người này, bởi chúng ta có quyền từ chối cấp thị thực điện tử thì sẽ làm tốt hơn công tác quản lý người nước ngoài”.

Đoàn Chủ tịch điều khiển phiên thảo luận

Báo cáo giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo nghị quyết, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đây là một trong những chính sách thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ.

Về ý kiến băn khoăn tính khả thi của dự thảo nghị quyết vì cho rằng nếu chỉ cấp thị thực qua hệ thống giao dịch điện tử thì khó bảo đảm an ninh, quốc phòng, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin chưa đảm bảo thời gian chuẩn bị cho việc thí điểm ngắn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, với quy trình cấp thị thực điện tử, Bộ Công an vẫn thực hiện kiểm tra, xét duyệt nhân sự và chủ động hơn trong công tác đảm bảo an ninh.

Một trong những biện pháp để quản lý người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử khi chưa có cơ quan, tổ chức cá nhân tại Việt Nam bảo lãnh là vì quy định thời hạn thị thực điện tử không quá 30 ngày, có giá trị nhập cảnh một lần.

Bộ Công an dự kiến mẫu thị thực điện tử tương tự như mẫu thị thực rời nên khi cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ không phát sinh những vấn đề gì mới so với việc cấp thị thực thông thường hiện nay, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh làm các thủ tục đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh, xuất cảnh như đối với thị thực rời, không làm thủ tục gì vào hộ chiếu như chúng ta đang làm thủ tục hiện nay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang