Trực tuyến: Thủ tướng đối thoại cùng doanh nghiệp

Thứ Sáu, 29/04/2016 09:21  | Anh Duy - Thái Dương

|

(CAO) Sáng ngày 29-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.

 

Video trực tuyến Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.​

Trong chiều nay (29-04), Thủ tướng, 4 Phó thủ tướng và nhiều Bộ trưởng sẽ họp tại TP.HCM để bàn về các kiến nghị của doanh nghiệp, đề ra giải pháp tháo gỡ. Trước đó một ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Chính phủ ra nghị quyết này.

 

12:50 (29/04/2016)

Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị:

Thủ tướng nêu rõ, việc ký cam kết trên là ký mẫu giữa Hà Nội, TPHCM và VCCI, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tất cả các địa phương trong cả nước đều phải cam kết như là Hà Nội và TPHCM đã làm.

Đây là những nội dung thiết thực và Chính phủ sẽ kiểm tra.

Theo Thủ tướng, tinh thần doanh nhân của nước ta luôn hừng hực từ trước đến nay. Việt Nam đã chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang một nền kinh tế thị trường là bước tiến lớn. Tuy nhiên, khi bước vào một giai đoạn mới, chúng ta phải thừa nhận rằng môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn chưa thuận lợi cho doanh nghiệp. Các nghị định, thông tư ban hành còn quá chậm, gây cản trở khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm do cơ chế chính sách, chi phí thủ tục tăng. Chúng ta đạt 93% doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá, nhưng vốn hoá ra thị trường lại chưa tới 10% là quá thấp. Hiện nay, tình trạng liên kết chưa cao, phí chồng phí, cán bộ đảng viên ở nhiều cấp, ngành còn gây cản trở phiền hà cho doanh nghiệp.

Về phía Doanh nghiệp, phải xây dựng được chiến lược hội nhập của mình, xây dựng văn hóa hội nhập, văn hóa doanh nhân, liêm chính trong phát triển. DN phải chủ động, sáng tạo, "phải tự cứu mình trước khi trời cứu".

Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo quyền kinh doanh của DN theo quy định của pháp luật. DN được hoạt động kinh doanh tất cả các loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Tất cả các DN không phân biệt quy mô, loại hình (ngoại trừ một số DN an ninh, quốc phòng), thành phần kinh tế bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh.

Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, để DN yên tâm bỏ vốn đầu tư.

12:45 (29/04/2016)

Ký cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh

UBND thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và VCCI ký cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy TPHCM.

UBND thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và VCCI ký cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy TPHCM.

Tiếp sau ngay phần phát biểu của Bộ trưởng Tô Lâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:

 "Chính phủ và Bộ Công an không chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Hoạt động của lực lượng công an là để phục vụ phát triển, phục vụ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tất cả những vi phạm pháp luật dù là của cá nhân, doanh nghiệp hay của cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ được xử lý nghiêm minh".

12:00 (29/04/2016)

Bộ Trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, sắp tới sẽ chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.

Bộ Công an sẽ tham mưu với Chính phủ bổ sung sửa đổi quy định pháp luật theo hướng tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đồng thời tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Trước hết là sửa điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định cụ thể hơn về điều kiện, thời điểm thẩm định, hình thức nộp hồ sơ.

Đồng thời tiếp tục cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự; bảo đảm an ninh kinh tế, đẩy mạnh cung cấp thông tin cho DN khi lựa chọn đối tác đầu tư; tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế nhất là đối tượng buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.

Bộ tập trung đấu tranh tội phạm hình sự gây mất an toàn kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định không có khái niệm và chủ trương hình sự hóa. Tuy nhiên, còn tình trạng một số cán bộ do thoái hóa biến hất, không nắm vững pháp luật, không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ… nên có hành vi vi phạm pháp luật, để xảy ra oan sai, ảnh hưởng tới DN và người dân.

Bộ trưởng đề nghị DN tiếp tục phát hiện, cung cấp thông tin để ngăn ngừa, xử lý kịp thời sai phạm của cán bộ, chiến sĩ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

11:40 (29/04/2016) 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Việc cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm thông thoáng, quyền tự do cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là sống còn. Bộ sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho DN thực hiện thủ tục hành chính công.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ tham mưu với Chính phủ xây dựng các khung khổ chính sách mới đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Bộ trưởng cam kết, trong năm 2016, Bộ Công Thương sẽ đưa 52 dịch vụ hành chính công lên cấp độ 3-4 để người dân có thể dễ dàng đăng ký kinh doanh qua mạng.

Trong năm 2016, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lại các chương trình giới thiệu, cung cấp thông tin để các doanh nhân, người dân có điều kiện nắm bắt kịp thời các cơ hội từ đó có chiến lược cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội việc hội nhập mang lại.

Về bán buôn, bán lẻ, Bộ trưởng cho hay Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ xây dựng chiến lược bán lẻ. Chính phủ cũng ưu tiên, quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh chúng ta mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường.

Bộ trưởng cũng tiếp thu kiến nghị của Hiệp hội Dệt May về những bất cập hiện hành trong kiểm tra mẫu vải và cam kết sẽ cùng Hiệp hội bàn cách tháo gỡ.

11:12 (29/04/2016)

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối khá ổn định. Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước mua vào lượng dự trữ ngoại tệ và có thể nói là đạt mức dự trữ cao nhất từ trước đến nay. Tín dụng đã tăng hơn 3% so với cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng thừa nhận là hiện có nhiều thách thức cần giải quyết. Như GDP quý I tăng chậm, nên để đạt mục tiêu tăng 6,7% như Quốc hội đề ra là khá thách thức. Mặt khác, việc kiểm soát lạm phát dưới 5% trong bối cảnh giá dầu liên tục xuống thấp là cực kỳ khó.

Mới đây, NHNN đã họp với các ngân hàng thương mại lớn, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí quản lý để giảm lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng lớn đã cam kết giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn trong thời gian tới.

Thống đốc cho biết NHNN cũng sẽ tiếp tục điều hành tỉ giá linh hoạt, ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ. Đồng thời NHNN tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

11:12 (29/04/2016)

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào một số lĩnh vực với các giải pháp cụ thể. Cụ thể là phấn đấu đến hết 2017 sẽ nâng cao hiệu quả tài chính trong các lĩnh vực thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Mức độ sẵn sàng, đầy đủ về dịch vụ tài chính của Việt Nam sẽ nằm trong số 50 nước đứng đầu thế giới.

Đồng thời phấn đấu trước 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đạt và ngang bằng 3 nước hàng đầu ASEAN trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế như thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội xuống dưới 150 giờ/năm, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Trong đó tập trung vào công tác hoàn thuế theo hướng điện tử, giải quyết khiếu nại, quản lý rủi ro trong thanh kiểm tra thuế, đẩy mạnh kê khai nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN…

Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng thể mức nộp thuế của Việt Nam để bảo đảm công bằng, bình đẳng, phù hợp với mặt bằng chung của các nước trong khu vực và thế giới.

Đồng thời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ chú ý vào việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, công vụ.

11:05 (29/04/2016)

Đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư

Bộ cam kết phục vụ doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian tới đây. Theo đó, Bộ sẽ ưu tiên bằng cách triển khai tích cực các hành động cụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho mọi thành phần kinh tế phát triển.

Trước hết Bộ tiếp tục rà soát, kiến nghị Chính phủ các giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ trên cơ sở tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường, loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệnh méo mó thị trường,

Tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng

Tiếp theo Bộ sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt trong triển khai thực thi những tư tưởng đổi mới rất mạnh mẽ thể hiện trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; áp dụng triệt để, nhất quán tinh thần của Hiến pháp 2013 về tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đảm báo thực hiện đúng quan điểm “người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”.

Có giải pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa…

Bộ KHĐT cam kết giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kến tạo những bước đột phá trong môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp…

10h35 (29/04/2016)

Đại diện Hiệp hội Bất động sản TPHCM

Kiến nghị các vấn đề liên quan đến quy định về tiền sử dụng đất đối với doanh nghiệp; quy định về lệ phí cấp sổ đỏ đối với hộ gia đình; quy định về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; quy định về xây dựng lại chung cư hư hỏng nặng; kiến nghị sửa đổi quy định mâu thuẫn giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở liên quan đến lựa chọn chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở; điều chỉnh quy định sử dụng vốn trong hoạt động kinh doanh bất động sản...

10h25 (29/04/2016) 

Đại Hiệp hội DN châu Âu

Kiến nghị đẩy mạnh hợp tác phát triển năng lượng tái tạo; cho phép DN châu Âu mở Văn phòng đại diện, liên kết với DN Việt Nam phát triến sản xuất dược phẩm, sinh phẩm, trang thiết bị y tế; có chính sách ưu đãi thuế trong lĩnh vực sản xuất chế tạo; đề xuất Chính phủ có kế hoạch cung cấp nhiên liệu theo tiêu chuẩn Euro 4 phù hợp với kế hoạch phát triển công nghiệp ô tô theo tiêu chuẩn Euro 4; đề nghị các cơ quan Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ trong thực thi quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ.

10h05 (29/04/2016)

Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam

Kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch của ngành dệt may Việt Nam bởi quy hoạch cũ đã lỗi thời, không theo kịp mức độ phát triển của ngành.

Ngoài ra, việc xây dựng quy hoạch ngành cần phù hợp với quy hoạch các khu công nghiệp để bảo đảm việc xử lý nước thải, bảo vệ môi trường.

Lãnh đạo Hiệp hội cho rằng những tiêu chuẩn về môi trường cũng cần thay đổi bởi có những nhánh trong ngành dệt may không cần thiết phải áp dụng tiêu chuẩn quá nặng nề.

Đồng thời đại diện Hiệp hội Dệt May đề nghị nên gom các đoàn thanh, kiểm tra của các ngành để mỗi năm chỉ kiểm tra tổng thể 1, 2 lần, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

10h15 (29/04/2016) 

Tổng Giám đốc Vinamilk, Mai Kiều Liên

Đề nghị sớm quy định cụ thể về Luật Doanh nghiệp, cải cách hành chính, rà soát giảm thiểu giấy phép con, các quy định cấp phép phải rõ ràng... Đồng thời, nâng cao tính liên thông giữa các bộ ngành trong cấp phép đầu tư; rà soát lại thủ tục Hải quan để các cơ quan có các cơ quan liên kết chặt chẽ khi xử lý hồ sơ của DN...

Kiến nghị Bộ NNPTNN một số nội dung về quản lý con giống; nhập khẩu con giống; Đề nghị Bộ KHCN điều chỉnh quy định về xử lý chất thải trong chăn nuôi để phát triển nông nghiệp hữu cơ;...Đề nghị các cơ chế chính sách đã được DN thực hiện ổn định thì không nên thay đổi, gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Vinamilk cũng như cộng đồng Doanh nghiệp luôn mong muốn Chính phủ hãy xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý.

10h (29/04/2016)

Đại diện Hiệp hội DN Gia Lai:

Đại diện Công ty xuất khẩu Quang Đức thay mặt Hiệp hội DN tỉnh Gia Lai kiến nghị 4 vấn đề:

Chính sách bảo trợ, bảo hiểm các doanh nghiệp nông sản (cao su, cà phê);

Hỗ trợ tín dụng để DN đầu tư chế biển nông sản sâu; Cải tiến quy định về hạn ngạch kinh doanh vận tải giữa Việt Nam - Campuchia;

Ban hành văn bản quy định cụ thể về ưu đãi khi nhập khẩu hàng hóa từ Lào về Việt Nam theo hiệp định đã ký giữa hai nước.

9h:55 (29/04/2016) Đại diện Vietjet air

Cần giảm "định kiến" đối với các hãng hàng không tư nhân; tạo thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính tại cảng hàng không, tiếp cận các dịch vụ về hạ tầng cảng vụ, bảo đảm kỹ thuật; cải tạo hạ tầng sân bay...

9h:45 (29/04/2016) 

Đại diện Hiệp hội DN Hàn Quốc

Đề nghị Chính phủ xem xét về vấn đề cấp Giấy phép lao động trong sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam; Thành lập Ủy ban Cải cách thể chế do Thủ tướng đứng đầu; đẩy mạnh cải thiện các quy định, giải quyết các vướng mắc của DN;...

9h:35 (29/04/2016) 

Đại diện HTX Thương Mại Saigon Coop góp ý về phát triển thị trường bán lẻ hiện đại.

Đại diện Hợp tác xã Thương Mại Saigon Coop đề nghị Chính phủ có giải pháp bảo vệ thị phần, DN bán lẻ trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng chiến lược quốc gia phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam; xây dựng phát triển nhóm 20 DN bán lẻ Việt Nam có thực lực, sẵn sàng cạnh tránh; cải tiến quy định về mua bán sáp nhập; ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với DN bán lẻ…

Quang cảnh của Hội nghị - Ảnh: Anh Duy

9h:22 (29/04/2016)

Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam:

Việt Nam cần ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực CNTT, phần mềm, nông nghiệp… đây là những lĩnh vực được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm.

Đề nghị Chính phủ Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT, phần mềm,…đưa đào tạo kỹ năng CNTT vào chương trình giáo dục phổ thông, và DN Nhật mong muốn được hợp tác phát triển trong lĩnh vực này.

Nông nghiệp là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh với nhiều sản phẩm phong phú và sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu đẩy mạnh áp dụng công nghệ, mở rộng thị trường. DN Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với DN Việt Nam để cùng phát triển nông nghiệp.

9h:15 (29/04/2016)

Đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương

Ông Dương phát biểu một số nội dung liên quan đến mối quan hệ giữa địa phương với doanh nghiệp. Theo đó, các địa phương cần lắng nghe cộng đồng DN, để chia sẻ những khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc,... tạo môi trường cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển bình đẳng lành mạnh...

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, đại diện Trường Hải cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp phải đề cao đạo đức kinh doanh, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, chủ động hội nhập; mong muốn Nhà nước thực hiện tốt vai trò kiến tạo, người tiêu dùng phát huy vai trò giám sát,... để thúc đẩy kinh tế phát triển.

8h:55 (29/04/2016)

Chủ tịch BIDV, Trần Bắc Hà:

Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đề xuất 2 nội dung: Về chính sách phải tuân thủ tinh thần Hiến pháp và các FTA; nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, dưới luật chỉ nên có 1 nghị định, không ban hành thông tư; có cơ chế giám sát và chế tài mạnh mẽ đối với cán bộ thực thi nhất là các hành vi nhũng nhiễu DN…; nhanh chóng ban hành Luật Phá sản; về thực thi Nghị quyết 19, phải có tiếng nói kiểm chứng từ DN…

Trong tương quan so sánh tín dụng giữa Việt Nam với các nước ASEAN, Chủ tịch BIDV kiến nghị một số nội dung: Đề nghị NHNN tiết giảm dự trữ bắt buộc đối với VNĐ và ngoại tệ; giảm phát hành trái phiếu Chính phủ; đẩy nhanh cơ chế tái cấp vốn và cấp bù lãi suất; tiết kiệm chi phí quản lý của các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh đầu tư vốn cho các dự án PPP…

Đồng thời ông Hà cam kết BIDV sẽ giảm lãi suất tín dụng ngay ngày mai…

Về xử lý nợ xấu, ông Hà cũng góp ý nội dung tạo lập thị trường mua bán nợ; nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng; phát hành trái phiếu hàng hóa đối với hai chủng loại xi măng và sắt thép cho các tỉnh đặc biệt khó khăn; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính...

Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà.  Ảnh Anh Duy

8h:48 (29/04/2016)

Đại diện Hiệp hội DN Hoa Kỳ:

Đại diện Hiệp hội DN Hoà Kỳ đề nghị Việt Nam sớm phê chuẩn Hiệp định TPP;

Đồng thời, Hiệp hội này cũng mong muốn Việt Nam  đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính; áp dụng các giải pháp giảm thiểu giấy tờ trong các giao dịch hành chính, tiền tệ; áp dụng các chuẩn mực toàn cầu về kế toán; mong muốn sẽ được hợp tác thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế, KHCN, công nghiệp….

Về môi trường đại diện hiệp hội mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước, xử lý các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu ở ĐBSCL…

Về lĩnh vực năng lượng, Hiệp hội mong muốn Chính phủ sẽ ưu tiên phát triển các hình thức sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả;…

Đại diện Hiệp hội DN Hoa Kỳ. Ảnh Anh Duy

8h:10 (29/04/2016)

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc:

Qúy I có gần 80.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động. 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, còn 58% là thua lỗ, đây là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa cao.

VCCI thay mặt cộng đồng DN đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN.

Có hai việc cần làm ngay:

Thứ nhất, phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho DN.

Thứ hai là vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN.

Cộng đồng doanh nghiệp đề nghị bên cạnh việc hoàn thiện thể chế thông qua tăng cường chỉ đạo, giám sát thực thi Luật DN, Luật Đầu tư mới… thì cần ban hành các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN, chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức trên diện rộng.

8h:00 (29/04/2016) 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:

Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới cách lãnh đạo. Chính phủ và các cơ quan bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, của công dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Vì vậy phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và tinh thần lớn nhất là “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng.

Cùng dự hội nghị còn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương...

Thủ tướng trực tiếp gặp gỡ khoảng 300 đại biểu đến từ các doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc...

Bình luận (0)

Lên đầu trang