Vụ “thỉnh vong” tại chùa Ba Vàng: Chưa kết luận được có trục lợi hay không!

Thứ Bảy, 19/10/2019 08:35

|

(CAO) Các cơ quan chức năng ở địa phương đã buông lỏng quản lý nên để vụ việc “thỉnh vong”, “giải oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng kéo dài suốt từ năm 2015.

Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa báo cáo Quốc hội kết quả hoạt giám sát của cơ quan này thực hiện từ sau kỳ họp thứ 7 đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2019 đến hết tháng 9-2019).

Ký văn bản này, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 9-2019, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội đã hoàn thành thực hiện 11 nội dung giám sát theo kế hoạch. Tổ chức được 15 cuộc giám sát tại 13 địa phương, gồm Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Trị, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An, Tây Ninh, Cà Mau.

Vụ "thỉnh vong", "giải oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng vẫn chưa kết luận được có trục lợi hay không

Đáng chú ý, tiến hành giám sát nội dung phát sinh trong Việc thực hiện pháp luật trong vụ “thỉnh vong”, “giải oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh (bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan), Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam nhận định, các cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo đã chủ động vào cuộc khi sự việc được các cơ quan truyền thông đăng tin, đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, đúng pháp luật.

Giáo hội đã tích cực, chủ động, có thái độ rõ ràng, khách quan trong xử lý vụ việc tại chùa Ba Vàng, đúng quy định của Hiến chương Giáo hội và nội quy Tăng sự Trung ương.

Đánh giá về công tác truyền thông, Ban Thường trực cho rằng, báo chí, truyền thông kịp thời thông tin kết quả xử lý vụ việc, bước đầu đã giúp giải tỏa những bức xúc trong dư luận. Kịp thời đề nghị, khuyến cáo người dân tỉnh táo, sàng lọc thông tin để không bị dẫn dắt vào những câu chuyện bịa đặt, xuyên tạc, kích động, góp phần giúp các cấp chính quyền trong việc phát hiện và tăng cường công tác quản lý, định hướng các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, Ban Thường trực lưu ý, việc đưa tin “chưa có định hướng” ở giai đoạn đầu về vụ việc “thỉnh vong”, “giải oan gia trái chủ” đã gây xôn xao dư luận và nhiễu thông tin.

Những tác động trái chiều của truyền thông trong vụ việc “thỉnh vong”, “giải oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng, theo Ban Thường trực, đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh tốt đẹp và lòng tin của nhân dân đối với Phật giáo, ảnh hưởng tới công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền, nói xấu chế độ...

Thậm chí, có hiện tượng lợi dụng hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm chùa Ba Vàng trong những chuyến công tác địa phương để bôi nhọ, nói xấu nhằm mục đích chia rẽ, gây mất đoàn kết trong nội bộ Phật giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhìn nhận về công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, Ban Thường trực khẳng định có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, địa phương nên vụ việc “thỉnh vong”, “giải oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng bị kéo dài từ năm 2015.

Việc nắm bắt thông tin của các cơ quan chức năng còn hạn chế, cơ chế phòng ngừa chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có sự nhắc nhở, tỏ thái độ với các biểu hiện, việc làm sai trong khi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước còn lúng túng, đến nay vẫn chưa có kết luận có sự ép buộc, trục lợi hay không…

Nêu nguyên nhân của những hạn chế trên, Ban Thường trực chỉ ra là do nhận thức của một số người dân còn hạn chế nên dễ bị lợi dụng, tuyên truyền những tư tưởng xấu, độc, những sự việc thiếu cơ sở khoa học.

Chùa Ba Vàng buông lỏng quản lý, giáo dục, để một số người lợi dụng truyền bá những sự việc chưa đúng với tinh thần đạo Phật. Một số quy định của pháp luật chưa rõ, chưa có quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; mức xử phạt các hành vi phạm pháp luật và các quy định về lĩnh vực văn hóa chưa đủ sức răn đe.

Tương tự như thông báo của Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Ban Thường trực kết luận: “Các hoạt động “thỉnh vong”, “giải oan gia trái chủ” gắn với một số biểu hiện “hù dọa” là không đúng tinh thần cứu khổ cứu nạn của Phật giáo”.

Việc buộc phải “trả nợ cho vong” bằng tiền thông qua hình thức công đức vào chùa hoặc làm công quả lao động, theo Ban Thường trực, là trái với thuần phong, mỹ tục, đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Sau giám sát, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp nhân dân nâng cao nhận thức về tôn giáo, tín ngưỡng, nâng cao cảnh giác đối với các hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để trục lợi.

Đồng thời, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu, kích động, gây mất trật tự an ninh xã hội, trục lợi, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về công tác tôn giáo, tín ngưỡng…

Bình luận (0)

Lên đầu trang