Lập chuyên án điều tra vụ Chủ tịch Bắc Ninh bị đe dọa

Thứ Sáu, 17/03/2017 12:26  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Công an Bắc Ninh cho biết lập chuyên án điều tra vụ Chủ tịch tỉnh này cùng nhiều cán bộ bị nhắn tin đe dọa.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho biết chi 30 tỷ làm bờ kè khu vực xảy ra sạt lở gần dự án nạo vét luồng tuyến kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, đoạn qua huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Đoạn sông nơi xảy ra sạt lở. Tỉnh Bắc Ninh chi 30 tỷ để gia cố
Thủ tướng yêu cầu điều tra vụ Chủ tịch Bắc Ninh bị đe dọa
 

Chiều 16-3, tỉnh Bắc Ninh có cuộc họp báo thông tin chính thức về việc một loạt lãnh đạo tỉnh bị đe dọa vì cho dừng dự án nạo vét trên sông Cầu. Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Hùng chủ trì cuộc trao đổi với Báo chí, cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành và Phó Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Long.

Trước đó, ngày 15-3, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành làm rõ các vụ việc liên quan.

Theo đó, Công ty Cổ phần Trục vớt luồng Hạ Lưu được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu.

Tuy nhiên, thời gian qua UBND tỉnh Bắc Ninh kiên quyết đề nghị dừng triển khai thực hiện dự án trên. Lý do bởi xảy ra hiện tượng lợi dụng dự án để khai thác cát trái phép. Thế nhưng UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục nhận được văn bản của Bộ GTVT và của Cục Đường thủy nội địa đề nghị tiếp tục tạo điều kiện thực hiện dự án.

UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ không cho tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Đặc biệt, UBND tỉnh này đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng ra bảo kê, đe dọa các cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và chủ tịch UBND tỉnh, làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Tàu vẫn di chuyển, chở cát trên địa phận sông Cầu phía Bắc Giang

Chiều ngày 16-3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ việc các đối tượng đứng sau “bảo kê”, đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 3-2017.

Thủ tướng cũng yêu cầu bộ trưởng Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-3 về việc thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc dựa vào đâu để tỉnh khẳng định cán bộ tỉnh bị đe dọa và có bao nhiêu người bị đe dọa, đe dọa như thế nào?, ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, công văn 55 xuất phát từ thực trạng khai thác dự án, có dấu hiệu núp dưới việc khai thác cát để làm các việc khác gây nguy cơ mất an toàn đê điều.

“Chúng tôi khẳng định có việc nhắn tin đe doạ lãnh đạo tỉnh và cán bộ của một số sở ngành. Công an tỉnh vào cuộc, lãnh đạo tỉnh và một số cán cán bộ chuyển lại những tin nhắn đe doạ. Ban giám đốc Công an tỉnh cũng chỉ đạo điều tra làm rõ. Chúng tôi đã thành lập ban chuyên án, điều tra làm rõ và xử lý đối tượng. Về nội dung đe doạ, chúng tôi xin phép chưa cung cấp vì đây là tài liệu điều tra, khi nào có kết quả chúng tôi sẽ cung cấp cụ thể”, ông Long cho biết thêm.

Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Hùng chủ trì buổi trao đổi với Báo chí

Về tình hình “cát tặc” ở Bắc Ninh, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch tỉnh này cho biết Bắc Ninh có 3 con sông: Sông Đuống, Sông Cầu và Sông Thương. Chuyện lợi dụng khai thác cát trái phép diễn ra công khai, phức tạp khiến nhân dân bức xúc, có ý kiến với chính quyền. Ông Thành cũng cho biết từng xảy ra một vụ người dân đốt tàu và xảy ra xô xát tại đây.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, huyện Quế Võ hiện có 20-25 tàu hoạt động, xã Quế Tân có 13-23 tàu ở địa bàn giáp ranh tỉnh Bắc Giang. Các tàu này đều nằm trong dự án khơi thông đường thuỷ và cho rằng Bắc Giang cấp phép nên cắm vòi xuống sông Cầu hút cát, gây bất bình cho người dân.

“UBND tỉnh Bắc Ninh thành lập tổ công tác ngăn chặn việc hút cát trên với 84 người, trực cả ngày và đêm ở 9 xã trên địa bàn huyện Quế Võ”, ông Hùng thông tin.

Chiều cùng ngày, phóng viên Báo Công an TP.HCM tìm đến địa điểm dự án nạo vét luồng tuyến kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, đoạn qua huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh để ghi nhận tình hình tại đây.

Ghi nhận tại hiện trường, các xà lan hút cát đỗ bên bờ thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang nằm yên ắng không hoạt động, trên sông vẫn có những xà lan chở cát ngang dọc tại đây. Lưu vực sông Cầu không quá rộng nên việc hút cát bên địa phận tỉnh Bắc Giang cũng sẽ ảnh hưởng đến cả con sông, và nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng đến bờ bên phía Bắc Ninh. Ông Hiếu cho biết thêm, do bên đê thuộc địa bàn Quế Võ nằm ở bên lở, nên khi cát ở dưới đáy bị lấy đi sẽ khiến kè đê bị sạt lở.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Long cho biết, Công an lập chuyên án điều tra vụ Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa

Ở bờ bên kia sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Giang các tàu vẫn đang neo đậu. Sát bờ là hình ảnh những hố sâu sau khi bị khai thác đất loang lổ, nham nhở trên diện rộng. Ở bờ bên này thuộc tỉnh Bắc Ninh, nhiều đoạn sông bị sạt lở đã được tỉnh Bắc Ninh khắc phục bằng việc cho lập bờ kè kiên cố. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở có thể tiếp diễn nếu như mùa mưa về, nước lên dòng chảy siết.

Theo Phó trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Quế Võ, Bắc Ninh - Nguyễn Xuân Hiếu, năm 2014, Cục Đường thuỷ nội địa (CĐTNĐ) - Bộ GTVT chấp thuận cho dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu, đoạn chảy dọc 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, do Công ty Cổ phần Trục vớt luồng Hạ Lưu (địa chỉ tại Quế Võ) thực hiện. Dự án này do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư.

Vị trí K74+400 – K74+500 đê hữu sông Cầu thuộc địa phận huyện Quế Võ xảy ra sạt lở đứng với chiều dài 50m, ăn sâu vào bãi 5-10m, toàn tuyến đê có 3 vị trí sạt lở nghiêm trọng, tỉnh Bắc Ninh phải chi 30 tỷ đồng để xử lý sự cố. Nguyên nhân của việc sạt lở do chân đê bị yếu vì bị rỗng ở dưới mặt nước. Nguyên nhân rỗng ở dưới mặt nước thì có thể do dòng chảy, và do tình trạng khai thác cát trái phép.

Bình luận (0)

Lên đầu trang