Võ Thành Trang - liệt sĩ anh dũng, kiên trung

Thứ Năm, 30/07/2020 14:39

|

(CATP) Liệt sĩ Võ Thành Trang tên thật là Võ Văn Trắt (SN 1915 tại vùng đất Tân Sơn Nhì, tỉnh Gia Định cũ, nay là P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TPHCM). Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông. Tròn 18 tuổi, ông đã sớm giác ngộ cách mạng và bắt đầu con đường hoạt động chính trị, đấu tranh cho công cuộc giải phóng dân tộc.

Năm 20 tuổi, vừa lập gia đình, ông chính thức tham gia Chi bộ Đảng xã Tân Sơn Nhì, huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Tại đây, nhiều lần ông cùng đồng chí Nguyễn Văn Săng thực hiện chỉ thị của Huyện ủy Gò Vấp, lãnh đạo nhân dân xã Tân Sơn Nhì tổ chức các cuộc biểu tình hô vang khẩu hiệu "Giảm thuế cho nông dân. Đả đảo thực dân Pháp", đồng thời tham gia lập Ủy ban Hành động và vùng đất Tân Sơn Nhì đã trở thành cơ sở liên lạc từ Sài Gòn nối liền Bà Quẹo - Bà Điểm - Hóc Môn. Quân Pháp phát hiện, ra sức đàn áp, truy lùng, bắt bớ, nhưng ông và các đồng chí vẫn kiên cường bám trụ, đấu tranh chống trả những đợt càn quét của địch.

Năm 1940, dưới sự lãnh đạo của Bí thư xã Tân Sơn Nhì - Nguyễn Văn Bâu, Võ Thành Trang cùng hơn 1.000 quân dân với gậy gộc, tầm vông, giáo mác tiến đánh các đồn bót Bà Quẹo, Vườn Tiêu, Lăng Cha Cả, Tân Sơn Nhất..., tiêu diệt một số đồn bót, thu nhiều súng đạn, quân trang và chiến lợi phẩm. Tháng 8-1945, Chi bộ xã Tân Sơn Nhì nhận lệnh nổi dậy cướp chính quyền, Võ Thành Trang cùng các đồng chí của mình dẫn đầu 400 quân dân với vũ khí thô sơ, giáo mác, tầm vông kéo đến đánh chiếm các đồn bót trên địa bàn Tân Sơn Nhì và các vùng lân cận.

Quân Pháp và bọn tề xã hoảng sợ bỏ chạy tán loạn, quân ta chiếm giữ đồn bót cùng các công sở. Sau đó, Ủy ban Hành chánh Tân Sơn Nhì thành lập, Võ Thành Trang được bầu làm Bí thư kiêm Chủ tịch. Ngày 2-9-1945, ông đưa hơn 1.000 đồng bào tiến về Nhà thờ Đức Bà nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập qua đài phát thanh. Mọi người hân hoan trong không khí độc lập và niềm vui lịch sử.

Sau 5 năm lãnh đạo quân dân xã Tân Sơn Nhì vừa đấu tranh bảo vệ làng xã, đảm bảo các hoạt động bí mật cơ sở, vừa tăng gia trồng trọt, sản xuất, lập được nhiều công lớn, năm 1950 Võ Thành Trang được tổ chức bổ nhiệm làm Ủy viên thường vụ Huyện ủy Gò Vấp. Đầu năm 1955, ông giữ chức Phó bí thư Huyện ủy Gò Vấp, trực tiếp phụ trách dân quân các xã: Tân Sơn Nhì, Tân Sơn Hòa, Bình Hưng Hòa, Phú Thọ Hòa (thuộc Q.Tân Phú và Q.Bình Tân ngày nay).

Trong vai trò lãnh đạo, bằng sự thông minh, tính toán hợp lý và có phần táo bạo, ông luôn tổ chức các trận đánh du kích làm tiêu hao sinh lực địch, tạo nhiều tiếng vang khiến chúng phải hoang mang, co cụm. Nhiều đêm ông trực tiếp dẫn quân đột kích các đồn bót trên địa bàn phụ trách, gây cho địch nhiều thương vong. Tuy nhiên, do hoạt động và chiến đấu ngay trong vùng kiểm soát của quân Pháp, nhiều lần Võ Thành Trang bị địch phát hiện, tổ chức bao vây truy bắt và bắn trọng thương, nhưng bằng sự gan dạ, khéo léo, thông thạo địa bàn, ông vẫn thoát khỏi vòng vây quân giặc.

Bà Võ Thị Mười - vợ liệt sĩ Võ Thành Trang

Từ 1952-1955, Võ Thành Trang được quân Pháp đặc biệt đưa tên vào "sổ đỏ". Chúng nhiều lần tổ chức càn quét vào xã Tân Sơn Nhì, cứ địa của Võ Thành Trang, nhưng ông vẫn không nao núng. Ban ngày, ông bí mật hoạt động, đêm xuống ông lãnh đạo quân dân đánh phá đồn bót khiến quân Pháp ngày càng bất an, quyết tâm lùng sục, truy bắt bằng được ông. Năm 1956, quân Pháp nhiều lần tổ chức các trận càn quét lớn vào vùng đất Tân Sơn Nhì, nhưng lực lượng của chúng ngày càng tổn thất.

Ngày 19-1-1957, gián điệp quân Pháp báo tin Võ Thành Trang đang hoạt động trong căn hầm bí mật cách phía sau đình Tân Sơn Nhì 300m (đây là nơi ông và các đồng chí làm cơ sở hội họp, là điểm tập kết quân dân chiến đấu), quân Pháp đưa hơn 1 trung đội trang bị vũ khí hiện đại băng ruộng tiến vào khu hầm bí mật, đồng loạt ném lựu đạn và nổ súng tấn công, vây chặt khu hầm đồng thời phát loa gọi hàng, nhưng Võ Thành Trang và đồng đội vẫn cố thủ. Vài giờ sau chúng khui nắp hầm, bắt được ông và các đồng chí trong đơn vị. Mặc dù vậy, nhưng bằng sự khéo léo, gan dạ và thông minh của mình, ông vẫn kịp tẩu tán các sơ đồ hoạt động cùng số tài liệu bí mật, không để rơi vào tay quân Pháp.

Kẻ địch đưa ông lên ngựa chở về đồn để tra tấn. Sau 2 ngày 2 đêm đánh đập, tra tấn dã man bằng nhiều biện pháp, kể cả dùng kéo sắt cắt lưỡi, để buộc ông phải khai ra địa điểm, cơ sở hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cùng những tài liệu bí mật của tổ chức, ông vẫn cương quyết không khai. Cuối cùng, chúng đưa ông ra miếu Ông Bổn (chợ Võ Thành Trang - khu vực Bà Quẹo ngày nay) bắn chết mà không hề có bản án nào của chính quyền Bảo hộ tuyên ông có tội.

Sự hy sinh của ông đã để lại cho người dân xã Tân Sơn Nhì và các vùng lân cận niềm tiếc thương vô hạn. Họ nhớ mãi một Anh hùng liệt sĩ năng động, một chiến sĩ Cộng sản kiên trung đã hoạt động, cống hiến cho lý tưởng giải phóng dân tộc và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quân dân, đồng đội của mình. Ông trở thành tấm gương sáng của Đảng, đồng đội và nhân dân ta. Nhớ công ơn ông, người dân đã lấy tên ông đặt cho khu chợ tại Bà Quẹo, nơi ông hy sinh và hàng năm tổ chức lễ giỗ cho ông ngay trong khu chợ mang tên ông: Võ Thành Trang.

Ghi nhận, tưởng nhớ công lao to lớn của ông, Đảng và Nhà nước đã tặng ông Huân chương Kháng chiến, Huân chương Độc lập... đồng thời lấy tên ông đặt cho một ngôi trường ở P.Tân Quý, Q.Tân Phú và một con đường ở P11Q.Tân Bình, TPHCM.

Bình luận (0)

Lên đầu trang